Michael Phelps - Ngôi sao sáng nhất của đường đua xanh

17:31 12/03/2011

Ở Phelps, có sự kết hợp hiếm có giữa hai yếu tố dường như khó ăn nhập với nhau là tài năng thiên bẩm và nỗ lực của ý chí. Tài năng và khổ luyện
Ở Phelps, có sự kết hợp hiếm có giữa hai yếu tố dường như khó ăn nhập với nhau là tài năng thiên bẩm và nỗ lực của ý chí.

Tài năng và khổ luyện

Cậu bé Michael Phelps sinh năm1985 tại Baltimore, Maryland (Mỹ) trong một gia đình không có mối liên hệ với thể thao. Ông bố Fred là một cảnh sát còn mẹ anh, bà Debbie Phelps là một cô giáo. Tuy nhiên, tại thành phố biển quê hương anh, bơi lội vốn là trò chơi yêu thích của những đứa trẻ.

Ông trời đã cho kình ngư 23 tuổi này những tố chất tuyệt vời, sải tay dài tới 2m02, hơn cả chiều cao của anh là 1m93. Bàn tay tay của Phelps rất dài và to trong khi cẳng chân lại ngắn. Ngoài ra, xương của VĐV này cũng dẻo dai và đặc biệt là độ co bóp của cơ tim khi trong một phút, hệ tuần hoàn có thể vận chuyển được 30 lít máu, gấp đôi chỉ số của một người bình thường. Bác sĩ thể thao người Mỹ Bratt Sokolovas, người đã nghiên cứu tố chất của hơn 5.000 VĐV bơi, công bố số liệu “khác người” của Phelps. Anh có lượng axít lactic trong máu thấp hơn 2 lần so với người khác. Phelps chỉ mất 10 phút để hồi phục sau khi vận động, trong khi người khác phải mất 20 đến 30 phút.

Được ưu ái với những tố chất đặc biệt nhưng bí quyết thành công của Phelps lại là khổ luyện và không đầu hàng trước khó khăn. Phelps tập luyện 7 ngày mỗi tuần, mỗi ngày từ 3 đến 6 tiếng trong đó có 4 ngày tập nặng (2 buổi mỗi ngày). Trung bình, mỗi ngày Phelps ngốn 100 km đường bơi, nghĩa là khoảng gấp đôi cữ tập của một VĐV đỉnh cao. Phelps vẫn duy trì cường độ tập luyện cực nặng ngay cả khi đã là số một thế giới. Phelps khiêm tốn cho rằng anh chỉ là người bình thường, có chút ít tố chất nhưng phải nỗ lực hết mình mới thành công trong sự nghiệp.

Những thành công và cả vấp váp

Và sự thực, đường đến với thành công của Phelps cũng không trải hoa hồng. Nỗ lực tập luyện từ nhỏ, năm 14 tuổi, Phelps mới chỉ có mặt ở đội hình B của đội tuyển bơi lội Mỹ, đội luôn được xem là mạnh nhất thế giới. Một năm sau, anh đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên bơi lội nam trẻ nhất của Mỹ tham dự Olympic. Tuy nhiên, tại kỳ thế vận hội đầu tiên trong đời, Phelps vẫn chỉ là một chàng trai trẻ vô danh. Olympic 2000 là giải đấu của Ian Thorpe. Tuy vậy, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, Phelps coi màn trình diễn siêu đẳng của đối thủ người Australia là động lực lớn để phấn đấu.

Năm 2001 đánh dấu bước chuyển mình đáng kinh ngạc của kình ngư lúc đó còn rất trẻ này. Phá kỷ lục thế giới 100m bơi bướm, giành chức vô địch thế giới đầu tiên tại Fukuoka Nhật Bản, Phelps trở thành vận động viên chuyên nghiệp đúng nghĩa. Lúc này, anh cùng Ian Thorpe trở thành hai đối thủ lớn trong cuộc chiến giành danh hiệu không chính thức “ngư vương”. Giải vô địch thế giới năm 2003 tại Barcelona là cơ hội chứng tỏ tài năng và phân định thứ hạng của hai siêu kình ngư. Kết quả, với 6 huy chương (4 HC vàng) cùng 5 kỷ lục thế giới, kình ngư nước Mỹ chứng tỏ anh mới là số một (Thorpe chỉ có 5 huy chương với 3 HC vàng).

Đến Olympics 2004, Phelps tỏa sáng rực rỡ với 6 HC vàng, 2 HC đồng, 1 kỷ lục thế giới và 3 kỷ lục Olympic. Và Thế vận hội Bắc Kinh 2008 chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của VĐV này. Phelps toàn thắng tất cả nội dung tham dự, trở thành VĐV giành nhiều HC vàng nhất ở một kỳ Olympic cũng như trong cả lịch sử Thế vận hội với tổng cộng 14 HC vàng sau hai kỳ Thế vận hội liên tiếp. Thành tích của Phelps bỏ xa nhóm các vận động viên vĩ đại trong lịch sử Olympic hiện đại (với tổng cộng 9 HC vàng trong sự nghiệp) gồm có Mark Spitz (bơi lội), Carl Lewis (điền kinh), Paavo Nurmi (điền kinh) và Larysa Latynina (VĐV thể dục của Liên Xô cũ). Còn tính riêng tại một kỳ Olympic hiện đại, anh cũng đã vươn tới cột mốc mới trong lịch sử. Chia tay Bắc Kinh cùng 8 HC vàng, kình ngư 23 tuổi này đã vượt qua kỳ tích 7 HC vàng chỉ trong một kỳ Thế vận hội của huyền thoại bơi lội đồng hương Spitz (lập năm 1972 tại Munich).

Vươn tới đỉnh cao, Phelps bất ngờ đánh mất mình ngay sau đó. Dường như, việc trở thành người số một khiến kình ngư người Mỹ đánh mất động lực vươn lên của mình. Hai năm qua phong độ của anh sa sút rất nhanh. Vốn là một ngôi sao kín tiếng, Phelps đột nhiên xuất hiện trên các mặt báo với các scandal đình đám. Những vụ chơi đêm hay cuộc tình chóng vánh với các cô gái lạ khiến hình tượng của Phelps trở nên xấu xí.

Thất bại trong những cuộc tranh tài trong hai năm qua, dù vậy, Phelps đang tái hiện hình ảnh VĐV bơi hay nhất thế giới ở giải Indianapolis Grand Prix tháng trước. Với thành tích giành 5 HC vàng, siêu kình ngư trở lại với thói quen chiến thắng. Cuộc đua được chú ý nhất diễn ra giữa Phelps và Lochte ở nội dung 200 m hỗn hợp và phần thắng thuộc về VĐV người Mỹ. Lochte chính là người đã vượt qua Phelps ở giải Austin Grand Prix trong tháng 1.

Vươn tới đỉnh cao đã khó nhưng giữ được vị trí đó là nhiệm vụ hiện nay của Phelps. Nếu thành công, chàng trai người Mỹ sẽ một lần nữa chứng tỏ được danh hiệu mà thể thao thế giới phong cho mình: ngôi sao sáng nhất của đường đua xanh.

GIAI TRẦN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông