Miền đất có nhiều phong tục lạ

08:41 03/02/2022

Cách Trung tâm thành phố chừng 15 km về phía Đông Nam, huyện Kiến Thụy có tư thế của một chàng trai miền cửa biển, mộc mạc mà phóng khoáng, thuần phác thế nên tiềm chứa những phong tục truyền thống độc đáo ít nơi nào sánh được...

 Hội vật đảo cầu mưa ở Đền Mõ (Ngũ Phúc – Kiến Thụy)

Kiến Thụy xưa là vùng đất của Bộ Thang Tuyền thời Hùng Vương. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông cắt đất lập huyện Nghi Dương. Năm 1837, vua Minh Mạng lập phủ Kiến Thụy gồm 3 huyện Nghi Dương, An Lão và An Dương. Thời Pháp thuộc, Kiến Thụy thuộc tỉnh Kiến An, những năm sau này Kiến Thụy lúc thì “se duyên” cùng An lão thành huyện An Thụy, rồi ẩn mình một thời trong huyện Đồ Sơn, đến năm 1988 lại tách thành Kiến Thụy, và đúng 20 năm sau một lần nữa huyện lại được chia tách thành Dương Kinh và Kiến Thụy bây giờ.

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nhân vật đi vào lịch sử, bởi vậy trên địa bàn huyện giữ được nhiều phong tục lạ gắn liền với những di tích cổ kính. Nhất là mỗi dịp tết đến xuân về, người Kiến Thụy lại tưng bừng, hầu như làng nào, xã nào cũng giữ riêng cho mình đậm đà nét cũ tục xưa.

Nói về lễ hội ở Kiến Thụy, một cán bộ lãnh đạo của huyện điểm qua: Tân Trào có hội chạy đá, vật cầu, rước lợn ông bồ, rước tổ nghề các mối; Đại Hợp có đua thuyền-đi kheo; Thuận Thiên có Minh thề; Ngũ Phúc có hội đền Mõ, vật cầu đảo; xã Thụy Hương có hội chùa Trà Phương; xã Đông Phương có i thả diều… mới ngần ấy đã thấy kho tàng văn hoá lễ hội của Kiến Thụy giàu đến đáng nể.

Một trong những lễ hội hấp dẫn nhất diễn ra tại làng Kim Sơn (xã Tân Trào) là vật cầu, xuất hiện khá lâu và trở thành lễ hội dân gian đặc trưng của văn hoá vùng. Thành thông lệ, hội được mở 3 năm một lần vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm “phong đăng hoa cốc”.

 Người già kể lại, trên sân đình làng có hình con nhạn, ở giữa rốn nhạn đào một lỗ cầu cái, nếu ba năm không khơi lại thì động làng, làm con gái trẻ hư hỏng, nên người làng Kim có câu ca : Ba năm không hội vật cầu/Làng Kim con gái mang bầu ra đi.

Vào năm hội, từ 30 tết dân làng dựng các cổng lớn quấn bện rơm, cài lá dừa và treo đèn, cờ hoa trang trí rực rỡ. Cổng nào cũng ngự bức đại tự trang trọng: “Kiến như đại tân/anh hùng trần lực/vật ngã giai xuân”, nghĩa là ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng.

Hội rước lợn ông Bồ ở Kỳ Sơn (Tân Trào – Kiến Thụy)

Lúc này các dòng họ trong làng lập đội vật chia ba giáp: Đượng, Đoài và Bắc, phân biệt theo sắc phục: đỏ, vàng, xanh. Mỗi giáp lại chọn ra một thủ lĩnh gọi là tổng cờ, đầu chít khăn, chân quấn xà-cạp. Quân của mỗi giáp gọi là giai cầu gồm năm người, cao lớn khoẻ đẹp và phải còn thanh tịnh.

Quả cầu làm từ củ chuối gọt tròn, đường kính khoảng 40 cm nặng 20kg, được bọc giấy hồng điều, gắn hình tứ linh, đặt lên mâm bồng trong kiệu, đem bày trên hương án thờ thần ở đình làng từ 30 tết. Ngày khai hội, đúng giờ Thìn bắt đầu lễ rước cầu ra sân, một vị chức lão gieo xuống lỗ cái. Sau một loạt nghi thức để lấy khí thế, quả cầu từ dưới lỗ được tung lên, các giáp giành nhau đưa cầu về “lỗ quân”  nhà tính điểm, vì trơn và nặng nên các đội đua vật lộn rất hào hứng.

Vật cầu có ba keo, hết keo thứ ba xác định xong đội thắng cuộc, chủ khảo khởi trống tắm cầu. Lúc này cầu được gieo xuống ao đình, cả ba giáp quân và dân làng cùng lao xuống tranh một miếng củ chuối mang về cho lợn ăn làm khước, người ta cho rằng nếu ăn vào, lợn rất chóng lớn mà không bị dịch bệnh. Kết hội, nhà nào nhà ấy mở tiệc linh đình, vì vậy làng Kim còn có vè : mồng 3 ăn cốn/mồng 4 ngồi trơ/mồng 5 đợi chờ/ mồng 6 lại ăn.

Với ý nghĩa là lệ tục tâm linh cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt... “rước lợn ông bồ” cũng là lễ hội hoành tráng nhưng là lệ riêng của làng Kỳ Sơn (cùng xã Tân Trào). Người ta quan niệm “bồ” nghĩa là to, tục này để khuyến khích việc nuôi lợn giỏi. Chuẩn bị cho lễ tế đám, làng định rằng nhà nào sinh con trai được gánh tế, thì nhà ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn do người trong giáp đóng tiền mua giống.

Đến mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nghi lễ tế rước được chuẩn bị cầu kỳ, lợn được làm sạch, đặt xoãi bốn chân trên mâm, vẽ vời hoa văn, trang trí hồng điều, kèm theo có mâm bánh dày, ngũ quả…Trong nhịp trống hội tưng bừng, hàng nghìn người của các giáp kính cẩn rước ông “bồ” về đình, được hội đồng cao niên chấm điểm, lợn của giáp nào to nhất thì được trao giải và mang thủ về khao.

Kỳ Sơn còn được biết đến với hội chạy đá, thường được mở vào mồng 5 tháng Giêng. Chạy đá có ý nghĩa như một môn thể thao, khuyến khích con người rèn luyện thân thể chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. Ở hội này, hòn đá nặng khoảng 10kg được trang trọng rước từ đình làng ra thả xuống dưới giếng chùa.

Thanh niên trẻ khoẻ chia làm bốn giáp, mỗi giáp từ ba đến năm người, khi “ra ràng”, các giáp nhảy múa theo nhịp trống hội, cuồng đảo ba lần rồi lao vào mò tìm đá. Các giáp tranh giành chuyền đá cho nhau như môn bóng ném, bên nào tranh được đá chạy về đình là thắng cuộc, đá to nặng, vừa cần khoẻ lại đòi hỏi khéo léo mưu trí, “chạy đá” là trò vui mà đậm tinh thần thượng võ.

Hội đua thuyền rồng trên sông Đa Độ (thị trấn Núi Đối – Kiến Thụy)

Nói đến đua thuyền thì khởi nguồn ở làng Quần Mục (xã Đại Hợp) mới thật là truyền thống, cứ vào đầu xuân, nhằm đúng ngày con nước dừng, hội đua lại mở. Mỗi xóm lập một đội, chọn 12 tay chèo và 1 thuyền trưởng theo phương thức phóng thẻ trong nhóm tình nguyện. Chính hội, sau 3 hồi trống, các thuỷ thủ mặc lễ phục cổ, đầu quấn khăn nhiễu, lưng thắt bao tượng, ào ào đổ vào cuộc đua. Lệ đặt ra là trên quãng mặt biển chừng 1 cây số có cắm các cọc vè, thuyền đua phải đi 3 vòng và về 3 vòng, nhổ đủ số cọc quy ước về trước là thắng cuộc.

Kế đến là trò đi kheo, nét độc đáo này chỉ dân miền biển mới có, kheo là dụng cụ “kéo dài chân”, người ta dùng để lội xuống chỗ nước sâu te tôm bắt cá, dài ngắn tuỳ theo, nhưng có chiếc cao tới 5 mét. Khi diễn trò đi kheo, người tham dự được cầm gậy để múa may hứng tác, đây thực sự là môn nghệ thuật, đòi hỏi người diễn phải dày công luyện tập.

Một trong những lễ hội độc nhất vô nhị của Kiến Thụy cũng như cả nước là hội “Minh thề” ở làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên), xuất hiện từ thế kỷ thứ 16, hội mang đậm màu sắc văn hoá tín ngưỡng.

Buổi khai hội ngày rằm tháng Giêng, đông đảo Nhân dân trong làng cũng như con em xa quê đã tề tựu ở đình làng, quần áo chỉnh tề xếp hàng theo thứ bậc, trong không khí trang nghiêm, một vị lão niên của làng cắt lấy tiết con gà trống, hoà vào rượu trắng và cùng mọi người thề chúc cho những điều tốt đẹp, tâm nguyện trong sáng.

          Còn lệ vật cầu đảo ở đền Mõ (xã Ngũ Phúc) lại gắn với tích Quỳnh Trân công chúa Trần triều, thuyết truyền rằng ngày bà về chốn này nương nhờ của Phật. Một hôm trời hạn hán, có bọn trẻ trâu vào chùa xin nước, bà nói: “các cháu thử cùng nhau thi vật xem được thua thế nào, ta sẽ cho nước uống…”.

Bọn trẻ vâng lời vờn tay đấu vật, công chúa cả mừng ban phép, nghiệm thay trời đổ mưa xuống, mát mẻ chan hoà khắp vùng. Công chúa nhân đó đổi tên chùa là Đồng Mục, dân làng xưng tụng bà là Thiên thánh, giữ lệ vật cầu đảo vào ngày khánh hạ 12-2 âm lịch cho đến tận bây giờ.

Cứ đến ngày này, các cháu trai “đồng tử” tuổi không quá 14, đóng khố để trần, diễn lại tích “mục đồng xin nước” ngày xưa. Nhiều người kể rằng, chẳng biết ngẫu nhiên hay bởi thánh thiêng, năm nào cũng vậy mà cứ vật cầu đảo xong là trời đổ mưa, chắc là theo ngọc phả thì Quỳnh Trân công chúa vốn thạo địa lý thiên văn nên bà biết được đến ngày khánh hạ trời sẽ đổ mưa chăng?

          Trên đây mới là những phong tục tiêu biểu của Kiến Thụy mà chủ yếu dưới hình thức lễ hội được lưu truyền hoặc phục hồi, ngoài ra còn có thể kể đến tục thả diều, đập pháo đất ở Đông Phương; đốt pháo đùng ở Đại Đồng; giỗ trận ở xã Kiến Quốc… Tiếc rằng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến những bông hoa mùa hội ở Kiến Thụy tạm ngưng bung nở, nhưng đó chỉ là tạm thời, còn nhìn từ mọi góc độ, phong lệ độc đáo của Kiến Thụy không chỉ có giá trị về mặt văn hoá, mà còn là tiềm năng du lịch dồi dào, cần được tổ chức khai thác.

Về Kiến Thụy những ngày này, dù không còn xôn xao những lời hẹn ngày hội, nhưng phóng tầm mắt hưởng thụ không gian khoáng đạt đến mênh mông của vựng sông Đa Độ, khoan thai giữa non nước thanh bình, mà thấy lòng cứ rạo rực muốn tưng tưng, hoài niệm về không khí lễ hội dư âm.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông