Mô hình HTX - Loay hoay tìm hướng đi

17:28 30/11/2017

Với phần đông dân số sống ở nông thôn, hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò nhất định trong đời sống của người dân ở khu vực này. Ngay trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì Tiêu chí số 13 về có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 cũng được xem là tiêu chí “kích hoạt”, thậm chí tạo động lực thúc đẩy các tiêu chí khác. Tuy nhiên, từ nhận thức vai trò đến cơ chế, chính sách và trên thực tế, kinh tế HTX chưa được quan tâm đúng mức.

Theo báo cáo của Liên minh HTX và Doanh nghiệp, tính đến hết ngày 30-10-2017, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có tổng số 318 HTX đang hoạt động, giảm 2,76% so với thời điểm ngày 1-7-2013 (trong đó có 50 HTX thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 38 HTX giải thể).

Tổng số thành viên của HTX là 320.350 người, tăng 58,95% so với thời điểm ngày 1-7-2013. Tổng số lao động thường xuyên là 33.298 người; doanh thu bình quân của HTX là  4.266 triệu đồng/năm, tăng 90,79%;lãi bình quân của HTX là 1.441 triệu đồng/năm, tăng 69,53% và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 69,6 triệu đồng/năm, tăng 2,46 lần so với thời điểm ngày 1-7-2013.

Tổng số liên hiệp hợp tác xã:tính đến hết ngày 30-10-2017, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1 liên hiệp HTX, không tăng so với thời điểm tháng 7-2013. Đó là Liên hiệp hợp tác xã khai thác và chế biến khoáng sản Cường Thịnh, huyện Thủy Nguyên. Đây là mô hình liên hiệp hợp tác xã đầu tiên và duy nhất tại Hải Phòng được thành lập từ năm 2008.

Các HTX hoạt động trên mọi lĩnh vực: Nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại-dịch vụ, tín dụng, xây dựng, vận tải…

Tuy nhiên, theo đánh giá, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 còn chậm. Quy mô hoạt động của nhiều HTX nhỏ, năng lực còn yếu kém, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý còn hạn chế, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa xác định được mục tiêu và định hướng phát triển nên dẫn đến chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các thành viên. Các HTX còn thiếu vốn hoạt động và cũng chưa biết cách huy động vốn của các thành viên.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, với kha khá  những hạn chế trên, cũng như thời gian qua không có những đột phá, nổi bật nên chưa đánh tan được ‘định kiến” đối với kinh tế HTX.

Bên cạnh một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả như HTX dịch vụ môi trường và thương mại Thành Vinh, HTX nước sạch Hưng Đạo, HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Minh Đức, Hợp Đức, HTX vận tải đường bộ Hải Phòng, HTX chăn nuôi Thành Đạt, Vĩnh Tiến, Thái Sơn, HTX NTTS Mắt Rồng…cũng còn không ít HTX trên thực tế đã ngừng hoạt động, chỉ tồn tại trên sổ sách, không liên lạc được và cũng không tìm thấy địa chỉ?!

Nhiều HTX còn hoạt động thì cũng chưa thích nghi được với cơ chế thị trường đang „nóng” ở khu vực nông thôn, bởi vậy dẫn đến lúng túng, thiếu định hướng. Chưa kể đến, với tâm lý ỷ lại, dựa dẫm lâu nay, cùng với hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao, ít mang lại lợi ích nên các thành viên cũng không mấy mặn mà với loại hình kinh tế này.

Ông Nguyễn Hữu Đạo-Phó Chủ tịch Liên minh HTX và Doanh nghiệp giãi bày: Trải qua 3 lần (1996-2003-2012) tổ chức lại mô hình, hoạt động của HTX đã cho thấy sự cần thiết, vai trò của thành phần kinh tế này. Tuy nhiên, ngay cả Luật HTX mới đây là năm 2012 thì cũng còn nhiều vướng mắc. Sau một năm Luật HTX 2012 có hiệu lực thì năm 2013 Nghị định 193 hướng dẫn thi hành mới ra đời.

Chưa hết, có những quy định chưa được thực thi thì vừa qua, Chính phủ lại ban hành Nghị định sửa đổi và Bộ Tài chính ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Sự chậm trễ rồi tiếp tục sửa đổi, bổ sung trên đã cho thấy sự loay hoay, lúng túng ngay từ khâu hành lang pháp lý đối với loại hình kinh tế HTX.

Ngay cả khi thực thi thì vẫn có những quy định rất ‘bí” cho các HTX, thậm chí ngặt nghèo hơn cả đối với loại hình doanh nghiệp, do vậy có những HTX muốn được giải thể cũng không thực hiện được. Và những người nông dân vốn giản đơn, lại càng ngại ngần khi phải thực hiện quá nhiều những thủ tục rườm rà, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan.

Chưa hết, thời gian qua, việc quan tâm của TƯ, thành phố đối với khu vực kinh tế tập thể cũng còn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là các chính sách về nguồn vốn, đất đai. Bởi vậy, phần lớn các HTX không có trụ sở làm việc riêng, thường là ‘ở nhờ” UBND các xã và càng khó khăn khi tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, cũng theo ông Đạo thì với vai trò và đóng góp của HTX trong việc phát triển KTXH tại địa phương gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì một mặt, Liên minh vẫn tiếp tục kiến nghị với các cấp về cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy thành phần kinh tế này.

Mặt khác, sẽ triển khai hiệu quả đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX giai đoạn 2016-2020; nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, tiên tiến gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội để tham gia hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông