Mô hình thực phẩm sạch: Cần thêm sự bứt phá

21:39 28/03/2019

Dịch tả lợn châu Phi đã và đang diễn ra trên nhiều địa phương cả nước, trong đó có Hải Phòng, đã trở thành thách thức to lớn cho thị trường thực phẩm tươi sống. Thời gian gần đây, trước những thông tin về dịch bệnh, chuyện về thực phẩm sạch tiếp tục được người tiêu dùng quan tâm.

Tiêu thụ thịt lợn sạch để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi

          Kỳ 1- Nỗi lo chỉ là tâm lý

          Dù ở quy mô nào thì dịch bệnh luôn để lại những tác động xấu đến an sinh xã hội. Về mặt kinh tế, nó không chỉ làm tổn hại một lượng lớn nguồn đầu tư của người chăn nuôi cũng như ngân sách nhà nước, khi phải chi trả cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị thiệt hại, mà còn gây khó cho mục tiêu đầu tư cho tương lai. Về mặt thị trường, nó tạo ra xu thế ảnh hưởng tâm lý, khiến người tiêu dung “ngại” sử dụng thịt lợn, dẫn đến giá trị loại thực phẩm này bị giảm sút, lượng tiêu thụ yếu, đồng thời kích giá những sản phẩm khác tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu hàng hóa.

          Theo một tiểu thương ở chợ An Đà, giá lợn hơi trên địa bàn thành phố hiện đang ở mức bình quân 38.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, tương ứng với 24%. Dẫu thiệt hại, nhưng đáng mừng là so với các địa phương khác thì giá trị hàng hóa của thịt lợn và những sản phẩm liên quan ở thị trường Hải Phòng vẫn khá cao, với mức giảm bình quân chỉ trên dưới 15% (địa phương khác có nơi giảm tới trên 30%). Tuy nhiên, khảo sát thị trường những ngày gần đây cho thấy, một số sạp hàng thịt lợn đã chuyển sang bán kèm thịt gà do lo ngại giảm lượng tiêu thụ thịt lợn. Trong khi đó, giá thủy sản cũng đã tăng bình quân 10%, tương tự giá thịt gà lông vàng tăng từ 110.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg, gà lông trắng tăng từ 55.000 đồng lên 70 nghìn đồng/kg.

          Cũng theo tiểu thương trên, thì việc thịt lợn bị giảm mức tiêu thụ là tâm lý chung, nhưng so với các đợt dịch đã từng xảy ra trong quá khứ thì thị trường Hải Phòng ổn định hơn nhiều. Để có được điều này, cơ bản nhất là thời gian qua hệ thống phân phối đã kết nối được với người tiêu dùng, hầu như tiểu thương nào cũng có mối “khách quen”, tạo ra niềm tin. Từ đó bản thân nhà phân phối không dám đưa thực phẩm “bẩn” ra tiêu thụ để giữ khách, mặt khác trình độ tiêu dùng của khách hàng cũng cao hơn nhiều nhờ nguồn thông tin thuận lợi. Nhưng điều cũng hết sức quan trọng, đó là sự xuất hiện các siêu thị, hệ thống cửa hàng “sạch” hoặc bán online đã mở ra xu hướng mới về cạnh tranh, góp phần điều chỉnh thị trường truyền thống đi vào quỹ đạo.

Thực phẩm được bảo ôn an toàn trong siêu thị

Cần phải thấy rằng, Hải Phòng là thị trường lớn, là đầu mối thương mại mang tầm khu vực. Nên nếu tính cộng cả số lượng tạm trú đến từ các doanh nghiệp, khách du lịch và người vãng lai gồm cả ngoại quốc và ngoại tỉnh, thì lượng người tham gia sinh hoạt liên quan đến thực phẩm của Hải Phòng không chỉ dừng ở con số 2 triệu người. Cùng với cả nước, những năm qua thị trường thực phẩm Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đa dạng chủng loại với đủ dạng hình sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ, dịch vụ ăn uống sẵn… Hơn thế, ngoài ẩm thực truyền thống, thị trường cũng xuất hiện rất các món ăn, đồ uống du nhập từ các địa phương khác và nước ngoài.

Mấy năm gần đây, ngoài lượng thực phẩm chủ yếu vẫn được lưu thông tại các chợ truyền thống, hoặc qua các thương lái, thị trường thành phố có nhiều siêu thị phân phối thực phẩm.  Đáng kể nhất là các siêu thị BigC, MM Mega Market, Co-opMart, Vinmart… với hàng nghìn sản phẩm từ tươi sống, sơ chế đến chế biến công nghệ. Việc phong phú hóa của thị trường thực phẩm là sự vận động tất yếu của quy luật cung cầu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Về lý thuyết, các thực phẩm vào siêu thị đều thể hiện rõ nguồn gốc, được kiểm tra chất lượng VSATTP, giữ trong môi trường bảo ôn. Trong đợt dịch lần này, các siêu thị giữ vai trò rất quan trọng, vừa đảm bảo nguồn cung, vừa góp phần giữ vững tâm lý người tiêu dùng, đồng thời cũng thể hiện vai trò đáng kể trong cân bằng giá cả thị trường.

Cùng với đó, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục phát triển những kênh phân phối thực phẩm sạch, đáp ứng một bộ phận người tiêu dùng, điển hình là phương pháp bán hàng qua mạng đang được ưa chuộng. Ông LH., chủ cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hàng Kênh cho biết, chỉ cần gõ trên bàn phím hoặc gọi điện đến đặt hàng, cửa hàng sẽ cung cấp theo nhu cầu gồm thịt, cá, rau, quả tươi có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận đảm bảo vẹ sinh an toàn thực phẩm, giao hàng miễn phí cho những hóa đơn trên 100 nghìn đồng. Ông H. chia sẻ thêm: “Trên thực tế cửa hàng không đặt mục tiêu lớn về lợi nhuận, mà chỉ mong muốn góp phần cho thị trường thực phẩm thành phố thêm thân thiện, bởi nếu trừ chi phí vận chuyển, bảo quản thì lợi nhuận không đáng kể”.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, số lượng hàng hóa được cung cấp do các siêu thị và mô hình thực phẩm sạch khác trên địa bàn thành phố còn rất khiêm tốn. Mặt khác, do phải theo quy trình, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như cơ chế tăng trưởng, mô hình sạch luôn bị đội chi phí, kéo dài thời gian, khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Trong khi đó, nguồn thực phẩm tại các vùng sản xuất sạch của Hải Phòng khó vào được hệ thống phân phối của siêu thị, còn nếu đưa ra thị trường thì không thể cạnh tranh với các nguồn cung khác, điều này đã khiến diện tích và sản lượng dành cho thực phẩm sạch của thành phố chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

                                                                                          (còn nữa)

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông