16:03 03/12/2016
Mùa đông đã về, những cơn gió heo may bắt đầu hun hút thổi. Ở vùng cửa sông Hải Phòng, nước đầu nguồn đổ xuống trộn lẫn với thủy triều dâng cao cũng không còn đậm đỏ màu phù sa, ấy là lúc bắt đầu mùa sinh sản của tôm rảo. Mùa lân tinh phát sáng Mấy hôm trước, vì bận việc nên tôi không về Kiến Thụy theo lời hẹn với anh bạn tên Hạnh - người đang nhận thầu một vùng nước mênh mông bên dòng sông Văn Úc. Đợi đến ngày cuối tuần, công việc vơi bớt tôi mới khoác bao cần câu vào xe máy, chuẩn bị thêm ít đồ nghề, vừa để thăm bạn, vừa tranh thủ thư giãn giảm stress. Ghì chặt tay điều khiển chiếc xe lóc cóc nhảy qua những vết chân trâu lồi lõm trên quãng đê quai vòng theo chiều bãi bồi, cuối cùng tôi cũng đến được nơi cần đến. Dù đã hẹn trước nhưng khi đến túp lều coi đầm nằm rệ bên bờ sông, tôi vẫn không thấy chủ đâu. Đang nheo nheo mắt tìm kiếm thì nghe tiếng Hạnh vọng lên từ phía cửa cống phụ: “Đợi tí, bồi nốt mấy cửa nải này để đêm lấy nước vào”.
Thoạt đầu tôi hơi ngạc nhiên, vì hôm nay đã cuối kỳ nước nổi, rươi cũng đã lên rộ mấy hôm rồi, còn lọ mọ chỉnh trang cống nải làm gì? Chưa kịp hỏi thì cũng là lúc Hạnh xong việc, vắt vẻo đôi tay dài quá khổ người về đến nơi. Ý chừng đoán được thắc mắc của tôi, Hạnh nói: “Sửa mấy cửa nải, lấy trứng tôm về…”. Thì ra là vậy, chợt nhớ ngày trước đã nghe Hạnh nói, mùa nước rươi cũng chính là mùa tôm rảo đẻ trứng. Cái giống tôm đặc sản nhưng cũng là quái sản, có “lối sống dị” chỉ sau giống rươi, ăn no ngủ kỹ và lớn trong nước lợ, nhưng cứ đến mùa lại bỏ ra vùng mặn hú hí sinh nở. Âu cũng vì thế mà Hải Phòng, nơi có hơn 125km bờ biển với gần chục con sông nước ngọt đổ ra, hòa quyện thành một vùng lợ đặc thù, nên cũng là ven biển nhưng có nhiều loại thủy sản thì chỉ Hải Phòng mới có, tôm rảo cũng là một niềm tự hào riêng bởi thế. Nhìn bề ngoài, tôm rảo có vẻ ưa nhìn vì cái thân hình mềm óng, nhưng lúc hiếu động là chúng co mình cong cớn bật tưng tưng. Theo kinh nghiệm tích lũy được của Hạnh, thì mỗi mùa nước mặn xâm thực nhiều cũng là thời kỳ các vùng đầm nước lợ được gạn cạn, phơi để lấy rươi và tạo bãi màu cho mùa trứng tôm rảo nở. Nếu như rươi thường lên vào đầu con nước, thì tôm rảo chỉ chọn vào lúc có trăng lên. Khi nước triều dâng, chúng đẻ trứng kết thành từng đám bọt nhày, bồng bềnh trôi theo dòng thủy triều nhập về vùng lợ.
Trăng càng sáng, ánh lân tinh phát ra từ những đám trứng càng rực rỡ, nhờ thế mà những người sống dựa nghề bọt nước biết được ngày nào trứng nhiều để tháo vào đồng. Nhưng tháo nước lấy trứng tôm cũng phải thận trọng, cửa cống chính chỉ gỡ vài cánh phai bên trên cho nước tràn từ từ không bị vỡ trứng, còn cửa nải cũng hé nhỏ để kéo dài thời gian nước đầy mới lấy được nhiều trứng. Cẩn thận như thế, thảo nào ông bạn Hạnh của tôi cứ phải lọ mọ là phải. Không thẹn là đặc sản Trứng tôm rảo vào đầm, chúng bám chặt vào các gốc cói, gốc lúa rồi nở con. Sau một thời gian, tôm con to bằng đầu chiếc đũa, mình hơi xạm đen rồi bắt đầu cứng vỏ, gọi là rảo tằm. Như đã nói ở trên, tôm rảo hợp với ánh trăng. Cứ mỗi tuần trăng rảo tằm lại lột xác một lần và lớn nhanh như thổi. Chừng ba lần lột xác như thế, tôm rảo bỏ nước, bắt đầu vùi mình vào trong bùn, chỉ thò hai chiếc râu rất dài ngo ngoe trên mặt nước. Các chủ đầm bảo rằng, râu tôm rảo dài đến đâu thì nó vùi sâu đến đấy, nên có những hôm đầm cạn róc, các bãi đất trơ mình mấy ngày mà tôm rảo vẫn sống nhởn nhơ trong ấy. Điều lạ là thời kỳ này dường như tôm rảo chẳng ăn uống gì nhưng lại chính là lúc nó tích luỹ năng lượng sinh trưởng, cứ thế lớn phình trong lòng đất cho đến khi đủ độ vẫy vùng. Vào tuần trăng đầu tiên của năm mới âm lịch, tôm rảo đẫy mình vùng ra khỏi tổ, chĩa cặp râu dài ấn tượng lao vù vù trên mặt nước như tên lửa, tìm đường thoát ra sông. Lúc này là chính vụ thu hoạch, đêm đêm các chủ đầm dùng đăng chặn các dòng lạch, để hở một chỗ rồi treo đèn dẫn đường cho tôm chui vào rọ. Điều đặc biệt nữa là chưa thấy ai nhìn thấy tôm rảo mang trứng trên mình bao giờ. Mỗi chu kỳ của tôm rảo chừng khoảng 5 đến sáu tháng, rộ vụ là tháng hai, tháng ba âm lịch. Nhưng thực ra tôm rảo có quanh năm, loại chính vụ được gọi là tôm “đất”, còn loại trái vụ gọi là tôm “chân”. Tiếng họ nhà tôm nhưng tôm rảo có đời sống riêng như vậy nên chưa ai thuần được giống, đã có nhiều người dày công thử đều không thành công. Chính vì thế nguồn tôm rảo hiện nay bán trên thị trường vẫn là khai thác tự nhiên, Ngày trước, ăn tôm rảo chỉ phổ biến là món rang trần với muối, ấy vậy mà nhai với cơm gạo mới cũng đã ngọt lừ khoé miệng. Bây giờ tôm rảo được làm nhiều món hơn, dễ nhất là tôm rảo từng lạng xóc với nửa chén bia rồi hấp lá gừng, ăn nóng đến đâu làm liền đến đó. Cầu kỳ hơn thì đổ dầu lưng chảo, bếp đun vừa lửa sôi già, tôm rảo ném vào nổi phồng như bánh rán, cắn ngập răng rộm lưỡi. Cũng có người thích kiểu tẩm bột phần thân trên để thừa một cọng đuôi, rán vàng rộm bày ra đĩa nhìn cho nhấp nháy con mắt. Nhưng dân sành điệu lãng tử lại thích ăn theo lối “phàm tục”, tức là để sống nguyên con, vắt vào vài giọt chanh, nguấy thêm chút “mù tạt” và nước xì dầu, ăn rau ráu kiểu gỏi. Tôm rảo chứa hàm lượng đạm cao bậc nhất trong các loài thuỷ sản, ăn một bữa đã miệng thì cái bụng tưng tức khó tiêu thấy rõ, đêm nằm trằn trọc mất ngủ. Đấy đa phần là cách chế tôm rảo đã trưởng thành, còn người ở vùng lợ có thêm món nộm rảo tằm. Tức là bắt những con tôm rảo mới bắt đầu vào tuổi cập kê, mổ một đường dọc sống lưng, trần qua nước sôi, trộn gia giảm gồm hoa hoặc thân chuối hột thái mỏng, rau kinh giới, lá tía tô, mùi tàu… lại thêm lạc rang giã vỡ, nước dùng chua cay ngọt đủ tầm tưới lên… ăn vào đã đời, quên luôn chuyện thời cuộc. Lại đồn rằng, các bà mẹ nuôi con nhỏ khảnh ăn, mua tôm rảo về bóc nõn, cắt từng khoanh nửa đốt ngón tay, gia chút mắm nguyên chất để ngấm, dầu ăn chưng nhuyễn với cà chua, đổ tôm vào sốt kỹ, khi bắc ra thả vào vài đọn lá hành, gọi là tôm sốt. Món tôm sốt nước vừa đậm vừa sánh, rưới đều với cơm, trẻ nhỏ khảnh đến mấy cũng khó mà từ chối. Mấy năm gần đây, trào lưu công nghiệp hóa và phát triển du lịch đã làm biến chất nhiều vùng lợ ở Hải Phòng, vùng đẻ của tôm cá ven bờ không bị cát cứ cho mục đích khác thì cũng bị ô nhiễm, nên tôm rảo chỉ còn nhiều ở lưu vực sông Văn Úc, phần lớn là các vùng đầm của hai huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng. Mặt khác, khi giống tôm thẻ chân trắng có hình dáng giống tôm rảo được nuôi cao sản, nhiều người cũng dễ bị lầm, nên ra chợ có khi mua phải loại tôm thẻ mà cứ ngỡ đang được xơi tôm rảo. Nhưng nói như anh bạn Hạnh của tôi, phải khẳng định rằng, rảo là rảo, thứ quái sản này chưa thể ai nuôi, ít nhất là tới thời điểm này. Lê Minh Thắng |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết