Một năm khó khăn của dệt may

08:27 16/12/2019

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Mặc dù có khả năng không đạt được mục tiêu đề ra nhưng ngành vẫn giữ được mức tăng trường so với cùng kỳ và có những đóng góp quan trọng đối với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước…

Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 10/2019 giảm 5,6% so với tháng 9/2019 và giảm 1,7% so với tháng 10/2018, đạt 2,69 tỷ USD. Bước sang tháng 11/2019, kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành hàng này đạt trên 29,8 tỷ USD. Tuy ngành vẫn đạt mức tăng trưởng nhưng so với mục tiêu của năm 2019 là 40 tỷ USD thì khó có khả năng hoàn thành khi thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.

Năm 2019 là năm nhiều khó khăn của ngành dệt may

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại...

Nguyên nhân của các khó khăn đó chủ yếu là do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), các mặt hàng may mặc hiện trong tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm thì đến năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng…

Nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới; đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh và Campuchia.

Tuy nhiên khó khăn của ngành dệt may là khó khăn chung của nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may trong năm. Thậm chí, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam vẫn còn được đánh giá là khả quan hơn so với các quốc gia khác.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của năm 2019 tuy không đạt được kỳ vọng nhưng vẫn phải ghi nhận ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018.

Ngành dệt may vẫn đạt được mức tăng trưởng so với năm 2018

Để chuẩn bị bước sang năm mới, sự chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng, đối tác của các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Hiện các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU. Trong đó đáng lưu ý nhất là hai thị trường tiềm năng Canada và Australia.

Song song với đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần hợp tác với nhau thông qua các chương trình liên kết, hỗ trợ của hiệp hội nhằm đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ theo cam kết tại các FTA. Đồng thời, doanh nghiệp nên chia sẻ đơn hàng cùng nhau, nhất là các doanh nghiệp nhỏ có thể hình thành chuỗi sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng lớn và đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian cũng như tạo uy tín lâu dài với đối tác nhập khẩu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp dệt may cần phải có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới cũng như chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai…

Hoàng Triệu (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông