14:16 28/12/2023 Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính -ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đến dự và chỉ đạo có đồng chí Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ.
Dự tại điểm cầu Hải Phòng có lãnh đạo Sở Tài chính, Cục thuế Hải Phòng, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Cục dự trữ khu vực Đông Bắc...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết 25-12-2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4,5%) dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương (NSTW) tăng 4,6%; ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 4,4% so với dự toán). Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.
Tổng số chi NSNN đến ngày 31-12- 2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.
Đáng lưu ý, trong điều hành, Bộ Tài chính đã ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ngay từ khâu phân bổ dự toán và phân bổ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW, nhất là đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối liên vùng (3 năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025, cả nước đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao đường cao tốc lên 1.900km).
Năm 2024, dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%. Dự toán chi NSNN là 2,12 triệu tỷ đồng. Trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6 GDP.
Để thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính xác định 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổ chức điều hành chính sách tài khoá chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương kết quả ngành Tài chính đạt được trong công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2023, khẳng định trong thành tích chung đáng tự hào của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Đồng thời đề nghị ngành Tài chính cần điều hành chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, để cùng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm chi nhất là các khoản chi không cần thiết; kiểm soát chặt bội chi và nợ công; quản lý hiệu quả tài sản công... tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh