15:37 30/09/2020 Ngày 29-9, tại TP. Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị triển khai năm học bậc giáo dục mầm non. Về phía thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố dự và phát biểu. Đánh giá tại hội nghị, bên cạnh những khó khăn như thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, một số địa phương còn “trắng” về giáo dục mầm non, thì tỷ lệ huy động trẻ mầm non giảm đáng kể…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị triển khai năm học bậc giáo dục mầm non diễn ra sáng 29-9, tại Hải Phòng
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, tỉ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp trong năm học 2019-2020 giảm 166.722 trẻ so với năm học trước. Trẻ mầm non 5 tuổi được chú trọng hơn để duy trì phổ cập giáo dục nhưng so với năm học trước số trẻ được huy động cũng giảm 0,3%, trẻ mẫu giáo được huy động giảm 1,4%. Đặc biệt, lứa tuổi nhà trẻ cả nước được huy động ra lớp chỉ đạt 28%. Tỉ lệ này cũng chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Cụ thể, tỉ lệ trẻ được huy động ra lớp ở Tây Nguyên chỉ có 13%, đồng bằng sông Cửu Long 12%... Dịch bệnh Covid-19 khiến một số cơ sở mầm non tư thục ngưng hoạt động là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ được huy động ra lớp giảm.
Về cơ sở vật chất, hiện vẫn còn 51 xã/18 tỉnh chưa có trường mầm non. Trong đó, tình trạng thiếu chỗ học mầm non đáng chú ý ở những địa bàn đông dân cư, nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể trường mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu gửi trẻ. 55,6% số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, phần lớn trẻ trong độ tuổi phải trông chờ vào nhóm/lớp mầm non tư thục. Ví dụ Bắc Giang có 75,5%, Vĩnh Phúc có 79,1%, Bắc Ninh có 97,5%, Đồng Nai có 69,9% trẻ ở khu công nghiệp phải gửi vào nhóm/lớp tư thục do trường công lập đã quá tải.
Nhiều nhóm lớp mầm non tư thục thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Còn ở trường mầm non công lập ở những khu vực này, tỉ lệ trẻ/lớp vượt quá cao so với quy định. Hiện cả nước giảm trên 2.200 điểm lẻ. Sau khi sắp xếp, sáp nhập địa giới hành chính, sáp nhập trường và điểm trường, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn vẫn còn tình trạng dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của trẻ.
Một khó khăn khác là thiếu giáo viên mầm non. Năm học 2019-2020 đã bổ sung trên 20.000 biên chế giáo viên mầm non, nhưng các cơ sở mầm non công lập vẫn thiếu 45.242 giáo viên. Hiện còn trên 48.000 giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở mầm non công lập. Tình trạng này gây khó khăn cho quản lý, thực hiện chính sách đối với giáo viên.
Đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố dự và phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh, cùng với giáo dục mầm non cả nước, giáo dục mầm non Hải Phòng trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Bên cạnh các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành về chế độ chính sách phát triển giáo dục mầm non, Thành ủy Hải Phòng đã ban Nghị quyết về phát triển giáo dục mầm non thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng 2020. Nhiều cơ chế chính sách của Hải Phòng được triển khai thực hiện như: chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng ở vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, theo đó nhân viên hợp đồng ở vị trí nấu ăn được hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ về lương theo hệ số 1,86/người/tháng theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; được hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn; phần còn lại được đảm bảo từ nguồn thu học phí và các nguồn thu hợp pháp khác của trường mầm non công lập; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non (cả công lập và ngoài công lập) từ năm học 2020-2021… Mạng lưới trường lớp mầm non Hải Phòng được mở rộng với loại hình giáo dục đa dạng. Huy động trẻ đến trường tăng mạnh hàng năm; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi đạt 72,5%; trong đó trẻ nhà trẻ đạt 34,4%; trẻ mẫu giáo đạt 95,4%. Cùng với những thành tựu và khó khăn chung của giáo dục mầm non cả nước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có những cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non, tạo hành lang pháp lý, dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ thơ Việt Nam; kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế của ngành giáo dục mầm non.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đề nghị tập trung rà soát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, bổ sung. Công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục mầm non, trong đó có giải pháp khắc phục việc trắng cơ sở mầm non ở một số xã. Việc dồn ghép trường mầm non cần tránh thực hiện cơ học, đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Bổ sung đội ngũ giáo viên, có lộ trình nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, điều chỉnh các quy định hành chính như quy định về hồ sơ, sổ sách để giảm áp lực cho giáo viên. Đánh giá tác động sau 5 năm thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, thực hiện phòng chống bạo lực trẻ mầm non. Đây là nội dung quan trọng cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục. Cần có giải pháp giải quyết vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, xây dựng chương trình nhà trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non, trong việc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non. Công tác xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục mầm non…
HẢI HẬU
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh