18:13 09/01/2022 Sáng 9-1, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Công thương do đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng, có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực, cơ bản giữ được chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành; 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, trong đó thành phố Hải Phòng tăng 18,2%; … Bộ Công thương đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú và cách ly y tế,…
Hoạt động XNK của Việt Nam trong năm 2021 đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của ngành kinh tế, tổng kim ngạch XNK đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Cung cầu hàng hóa được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước; các hình thức thương mại như thương mại điện tử, mua bán trên nền tảng số… được khai thác tốt, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho các chợ đầu mối, siêu thị, phục vụ cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm của người dân, đặc biệt người dân trong vùng dịch…
Ngoài ra, các mặt công tác khác như quản lý thị trường; quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức cán bộ; cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử;… trong năm 2021 được Bộ Công thương tập trung đẩy mạnh. Qua đó, các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và Chính phủ được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bối cảnh trong nước và quốc tế tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với những cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt là dịch Covid -19 với những biến chủng mới đã và đang diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài và cần nhiều thời gian để nền kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2021, trong năm 2022, ngành Công thương đặt ra mục tiêu tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”.
Theo đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6-6,5%, ngành Công thương phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7-8%; tổng kim ngạch xuất khẩu từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hòa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 7-8% so với năm 2021,…
Để hoàn thành những mục tiêu trên, ngành Công thương đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid -19, vừa phục hồi và phát triển ngành Công thương trong trạng thái bình thường mới; Ban hành và tập trung triển khai ngay Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành Công thương trong thời kỳ mới; Xác định quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả quy hoạch phát triển ngành quốc gia; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 4 quy hoạch lớn của ngành (quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản Việt Nam và quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia).
Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu ngành Công thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, năng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành; Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường XK, quản lý có hiệu quả NK…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà ngành Công thương đã đạt được trong năm 2021. Có được những kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Công thương.
Nhấn mạnh tại Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ngành công nghiệp đã đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2021, ngành điện đảm bảo ổn định, an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; ngành dầu khí thực hiện trọn vẹn mục tiêu phát triển và phòng, chống dịch Covid -19, các chỉ tiêu đề ra đều vượt và hoàn thành trước so với thời hạn. Bên cạnh đó, các quan hệ hợp tác quốc tế liên quan tới năng lượng, dầu khí đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2022 dự đoán có những cơ hội và thách thức đan xen, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 đã được Bộ Công thương đề ra, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Công thương tập trung cao cho công tác quy hoạch điện, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và coi đây là một trong những nhiệm vụ có nghĩa đặc biệt quan trọng đòi hỏi ngành Công thương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, đề nghị Bộ Công thương đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có những giải pháp căn cơ, hiệu quả trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, phát triển thương mại điện tử, nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường, đấu tranh với hàng giả, gian lận thương mại đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng…
Với bề dày kinh nghiệm và những thành tích của ngành Công thương, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Văn Thành tin tưởng tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong năm 2022.
Hội nghị cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành phát triển ngành Công thương Việt Nam” cho các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Bộ Công thương đã có nhiều thành tích, đóng góp vào sự phát triển của ngành Công thương Việt Nam.
LIÊM ĐOÀN – HOÀNG LÂM
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh