Ngành gạo Việt tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu

09:27 07/11/2019

Năm 2019 được coi là một năm khá khó khăn của xuất khẩu gạo Việt khi thị trường thế giới không ngừng biến động. Do đó theo tính toán, mặc dù sản lượng xuất khẩu gạo của nước ta những tháng qua có tăng nhưng trị giá kim ngạch lại sụt giảm…

Năm 2018, gạo được đánh giá là điểm sáng của nhóm hàng nông, thủy sản của nước ta khi đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh về kim ngạch và giá bán. Theo phân tích của các chuyên gia, kết quả trên có được là do xu hướng tăng giá gạo của 2018, tuy nhiên sang năm 2019 thì tình hình đã có nhiều thay đổi.

Xuất khẩu gạo của nước ta đang nỗ lực tìm kiếm mở rộng thị trường

Một số nước trong khu vực trước đây nhập khẩu gạo nhiều thì nay đẩy mạnh tự cung tự cấp, thậm chí còn sản xuất dư thừa để xuất khẩu. Do đó, thị trường của gạo Việt càng ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, Trung Quốc - quốc gia 1,4 tỉ dân – mặc dù vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam nhưng đã không còn là thị trường dễ tính của gạo Việt khi nước này siết chặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc hay siết chặt quản lí biên giới.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 211 triệu USD với 479.363 tấn; giảm 20,4% về lượng và 21,7% về giá trị so với tháng 8. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 5,060 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt trên 2,2 tỷ USD; tăng 3,7% về lượng nhưng lại giảm tới 10,2% về trị giá. Bước sang nửa kỳ đầu tháng 10 (từ 1 đến 15/10), Việt Nam xuất khẩu được 226.630 tấn gạo với giá trị kim ngạch đạt hơn 103 triệu USD.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đạt 2,4 tỷ USD, lượng tăng 6,1% nhưng giảm 7,8% về giá trị.

Nguyên nhân lượng tăng nhưng giá trị xuất khẩu gạo giảm được phân tích là do tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chủ lực của Việt Nam giảm nhu cầu nhập gạo. Bên cạnh đó, trong tháng 9, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục. Đồng Baht tăng trở lại cũng giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần 1 năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo tại thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn.

Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc. Không chỉ khó khăn từ thị trường Trung Quốc; xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như: Indonesia, Bangladesh, Philippines… cũng không thuận lợi do các nước này đều giảm nhập khẩu.

Trên thực tế tình hình trên đã được dự đoán từ trước, ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định xuất khẩu gạo năm 2019 sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Khó khăn thấy rõ là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch do có thêm các  nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc. Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Bên cạnh đó, có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng…

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới cần thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh là Philippines, châu Phi…Về lâu dài, chiến lược hướng đến là giảm diện tích trồng lúa, không thể giữ diện tích như hiện nay, cơ cấu các giống lúa cho phù hợp những nhóm thị trường trên. Đồng thời chuyển đổi sang các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác hiệu quả hơn. Về thị trường xuất khẩu cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông; những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines...

Ngành lúa gạo cần tập trung chế biến sâu hơn nữa, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu, kể cả sản phẩm gạo cũng phải đa dạng như: gạo hữu cơ, gạo dược liệu… mới đem lại hiệu quả.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông