10:07 23/07/2021 Thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 21/9/2020 của UBDN thành phố về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; theo đó Hải Phòng đặt ra mục tiêu là đứng vào top 15 tỉnh, thành phố đi đầu cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.
Để thực hiện điều này, Hải Phòng cần có sự tập trung cao về nguồn lực, với những nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số đó là: chuyển đổi nhận thức, xây dựng cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, bảo đảm an toàn thông tin và nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ba trụ cột của chuyển đổi số là xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
Trong nhiều năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng luôn dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành và nhiều ứng dụng được thực hiện triển khai mang lại hiệu quả cao như: quản lý nhà trường, thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, dạy và học trực tuyến...
NGƯT-PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết: qua thực hiện Hệ thống CSDL ngành, thời gian qua, Sở GD-ĐT đã triển khai, kết nối tổng thể các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý; đánh mã định danh và số hóa thông tin hồ sơ của hơn 500 nghìn học sinh, hồ sơ của hơn 32 nghìn giáo viên thuộc gần 1000 cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn thành phố.
Dịch Covid 19 xảy ra, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã nhanh chóng tận dụng Hệ thống CSDL ngành để triển khai việc dạy - học trực tuyến, đánh dấu bước khởi đầu ấn tượng trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy và học tập, xây dựng nên nền tảng đầu tiên của chuyển đổi số trong giáo dục Hải Phòng.
Từ đây, giáo viên, học sinh Hải Phòng cùng đóng góp và được chia sẻ với hệ thống cả nước với hơn 7.000 bài giảng e-learning và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa thông qua internet.
Ngoài ra, Hệ thống này cũng hỗ trợ đắc lực công tác thống kê, báo cáo trong toàn ngành, giúp các cấp ban hành chính sách quản lý có hiệu quả, đánh giá hiện trạng thừa thiếu giáo viên ở các nhà trường theo từng cấp học, địa phương, môn học từ đó xây dựng bức tranh tổng thể toàn ngành giáo dục.
Đồng chí cũng nhấn mạnh: trong GD-ĐT thì chuyển đổi số có vai trò, nhiệm vụ không chỉ là về đổi mới công nghệ, mà còn là vấn đề văn hóa và con người. Thông qua việc số hóa kinh nghiệm học tập, cả giáo viên và học sinh đều có thể cải thiện kỹ năng của mình, với một mục tiêu chung đó là: tạo ra một quy trình giáo dục hấp dẫn, hiệu quả với mọi học sinh, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Cô giáo Vũ Thị Thảo, giáo viên lớp 3 Trường Tiểu học Núi Đèo chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT trong bài giảng đã mang lại hiệu quả giáo dục chất lượng. Bản thân cô có thêm cơ hội trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy, soạn bài giảng e-learning, thiết kế các hoạt động giáo dục bằng CNTT, xây dựng lớp học thông qua CSDL ngành..., từ đó tạo nên môi trường lớp học tích cực, hào hứng, không bị gò bó bài giảng như truyền thống.
Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học. Trường tiểu học thị trấn Núi Đèo đã thực hiện nghiêm chương trình dạy học trực tuyến gửi bài tập cho học sinh qua phần mềm Zoom, Mobella đảm bảo chương trình dạy và học, cũng như trong năm học 2020-2021 nhà trường hoàn thành tốt chương trình.
Điều đáng nói, qua các phần mềm Zoom, Mobella, Enetviet các bài giảng đều đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình, giáo án được trình bày rõ ràng, khoa học, rõ phần nội dung kiến thức trọng tâm, rõ từng hoạt động của thầy và trò, nhất là việc dạy và học theo phương pháp phát triển năng lực của học sinh.
Trong CSDL ngành từ cách quản lý thông tin học sinh đến việc tổng hợp, báo cáo các hoạt động giáo dục với nhà trường giúp đội ngũ giáo viên nhàn hơn trong việc làm giấy tờ, sổ sách và có phương pháp giáo dục cụ thể, hiệu quả với từng học sinh.
Qua đó còn giúp phụ huynh biết thông tin, tình hình học tập, hoạt động của con tại trường, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục.
Đối với xây dựng bài giảng điện tử, có thể nói: từ kênh hình, kênh chữ, âm thanh đều sống động làm cho học sinh dễ thấy, dễ tiếp thu, học sinh hứng thú tương tác tích cực với giáo viên hơn.
Trường THCS Chu Văn An là một trong những cơ sở giáo dục đi đầu trong Chuyển đổi số. Trường đã xây dựng thành công mô hình dữ liệu quản lý trong đó có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường - phụ huynh - học sinh. Thầy giáo Phạm Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THCS Chu Văn An đã thực hiện công tác quản lý hồ sơ cán bộ giáo viên nhà trường từ nhiều năm bằng nhiều hệ thống như: Scool.net; Vn.edu; Smas… của doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp.
Từ năm 2014 đến nay, nhà trường hạn chế tối đa việc sử dụng giấy viết, toàn bộ hệ thống quản lý của nhà trường, quản lý chuyên môn của giáo viên đều tích hợp trên hệ thống internet, hệ thống số hóa từ đó lưu lại theo tuần, tháng, năm. Khi cần thực hiện tra cứu lại thông tin, nhà trường hay cán bộ giáo viên đều có thể tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện ở mọi nơi mọi lúc.
Năm học 2020-2021, Trường THCS Chu Văn An đã thực hiện việc chuyển toàn bộ hồ sơ quản lý giáo viên, học sinh, giáo án lên hệ thống chuyển đổi số, bỏ hoàn toàn việc sử dụng giấy, bảng tin.
Thông qua chuyển đổi số, cán bộ giáo viên vào điểm trực tiếp trên hệ thống số hóa, sắp xếp thời khóa biểu cho lớp học cũng bằng hệ thống số hóa, quản lý học sinh trên mạng… khai thác tối đa hiệu quả từ sử dụng internet.
Việc ứng dụng CNTT từ các phần mềm đã cho thấy đây là công cụ đắc lực giúp nhà trường quản lý chất lượng giảng dạy, học tập một cách khoa học, nhanh chóng và chính xác.
Riêng hệ thống Enetviet là ứng dụng kết nối trực tuyến với CSDL ngành của ngành GD-ĐT giúp giảm bớt việc cho giáo viên và nhà trường; hỗ trợ công tác điều hành chỉ đạo từ Sở tới Phòng GD-ĐT quận, huyện đến nhà trường, giáo viên, học sinh, từ đó tạo nên sự thống nhất đồng bộ liên thông. Đây cũng là mô hình giáo dục thông minh mà thành phố và ngành GD-ĐT đang hướng đến.
Các hệ thống điều hành, quản lý, dạy học trực tuyến, thi trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay hoàn toàn phù hợp, và cũng hướng đến một xã hội tự học của học sinh, từ đó thay đổi nhận thức của phụ huynh, thầy giáo, nhà trường về phương pháp học tập.
Vừa qua, Sở GD-ĐT và Sở TT-TT ký kết hợp tác về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo với các nội dung ký kết là: Sở TT-TT sẽ hỗ trợ chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số tham gia hỗ trợ, phối hợp thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế của Sở GD-ĐT; hỗ trợ Sở GD-ĐT giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống ứng dụng CNTT ngành giáo dục; phối hợp đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; phối hợp triển khai kết nối các CSDL ngành GD-ĐT thành phố với CSDL quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố do Sở TT-TT quản lý, vận hành.
Đồng thời phối hợp xây dựng chuẩn đầu ra, phát triển nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Từ việc ký kết trên, ngành GD-ĐT Hải Phòng phấn đấu để luôn là đơn vị giữ vị trí dẫn đầu trong cả nước về chuyển đổi số.
Thiên An
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh