15:48 29/05/2021 Ngày 19/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua: “Thay đổi vì trường học hạnh phúc”. Đây là chủ đề được Sở GD-ĐT thành phố phối hợp với Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục, Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua.
“Thay đổi vì trường học hạnh phúc” nhằm mục đích xây dựng một môi trường giáo dục thực sự an toàn. Ở đó, học sinh được học tập trong không gian tích cực, thân thiện; được tôn trọng, yêu thương, được phát huy năng lực, phẩm chất của mình trong hành trình hoàn thiện chính mình, và cũng là để tìm tòi học hỏi và dần trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. Cùng với đó, mỗi cán bộ, giáo viên trong nhà trường cũng được sống và dạy học trong niềm đam mê, thực hiện đạo dạy học, thực hiện sứ mệnh dạy làm người, đáp ứng đúng cái cần, cái mong mỏi của phụ huynh, học sinh. Sở GD-ĐT Hải Phòng kỳ vọng, mỗi trường sẽ tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, tất cả cơ sở giáo dục phải làm bật lên được mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”.
Kế hoạch trên bao gồm nhiều nội dung với yêu cầu các đơn vị trực thuộc trước hết nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện rà soát nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sạch đẹp, an toàn, gần gũi với thiên nhiên; khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên quan tâm tìm hiểu nội dung các chương trình liên quan được thông tin trên trên mạng xã hội của ngành Giáo dục Hải Phòng. Cụ thể: Các trường, các Trung tâm giáo dục thường xuyên phải xây dựng và ban hành các quy tắc ứng xử giữa trò với trò, giữa trò với thầy cô và giữa giáo viên với giáo viên phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường. Đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giúp các em có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực, giá trị bản thân. Ở đây cần chấp nhận sự khác biệt về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh, nhưng không có phân biệt đối xử. Ngoài ra, các biện pháp giáo dục kỷ luật học trò phải tích cực, bao dung, có sự phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh cũng như các đơn vị liên quan; không xếp loại thứ tự học sinh trong lớp, trong các trường. Các đơn vị, cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa đọc nhằm làm giàu thế giới nội tâm học sinh và mở rộng hiểu biết từ nguồn tri thức nhân loại..
Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Quốc Tiến cho biết: Trường học hạnh phúc (Happy Schools) được tổ chức UNESCO lần đầu tiên ghi nhận vào năm 2016, dưới báo cáo thường niên: “Trường học hạnh phúc: Khuôn khổ cho người học ở châu Á-Thái Bình Dương”. Nơi đó, sự truyền cảm hứng, sáng tạo không ngừng được phát huy và lan tỏa. Nơi học sinh được bơi trong dòng suối tri thức mát lạnh của thầy cô, được phát huy điểm mạnh nhất của mình trong hành trình hoàn thiện chính mình, tìm tòi, học hỏi và dần trở thành những công dân hạnh phúc có ích cho gia đình và xã hội. Thầy cô như những nghệ nhân, say mê, nhiệt huyết trong việc chế tác những viên kim cương, để đời và để lại nhiều đời. Trường học hạnh phúc còn là nơi ngập tràn sự yêu thương, chia sẻ, nơi mà mỗi người luôn tâm niệm“Còn sống còn yêu thương”, còn sống còn hết lòng tận tâm, tận trung với công việc và người khác. Đó cũng là nơi những thầy cô giáo vào lớp hạnh phúc, niềm vui ấy, hạnh phúc ấy được lan tỏa. Cả thày và trò cùng sống trong dòng chảy hạnh phúc, vui vẻ, nhiệt huyết, điều này giúp cho việc trao truyền, tiếp nhận kiến thức được nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Sự gắn kết thầy/trò sẽ bền chặt và chia sẻ trân quý, yêu thương. Muốn học sinh thành công thì thầy cô phải thành công. Muốn học sinh hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc. Do vậy nó cần sự chung tay, chung sức của tất cả mọi người. Xây dựng một ngôi trường như vậy không hề đơn giản, nó cũng sẽ không trở thành hiện thực trong 1 hoặc 2 năm ngắn ngủi.
Để có được điều đó, bản thân mỗi nhà giáo, nhà quản lý giáo dục phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhất. Trường học hạnh phúc, hiểu một cách đơn giản nhất, là mỗi ngày đến trường cả giáo viên, học sinh đều vui. Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô bây giờ, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà đó còn là làm thế nào để trường học trở thành một nơi thú vị để học tập và khám phá chính bản thân mình. Đó là một mục tiêu mà tất cả những người làm công tác giáo dục đều hướng đến vì tương lai của học sinh, những công dân của thế kỷ tri thức số. Chính vì thế, việc triển khai phong trào thi đua thay đổi vì “trường học hạnh phúc” theo kế hoạch của Sở GD-ĐT trên toàn địa bàn thành phố cần thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc để sứ mệnh của người thầy càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết.
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh