Ngành Y tế: Triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS

    08:02 18/05/2022

    Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức trên con đường tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại vào năm 2030. Thực tế đó đòi hỏi sự tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
    Ngành Y tế có kế hoạch mở rộng các điểm điều trị dự phòng bằng PrEP để đông đảo người dân biết và sử dụng dịch vụ

    Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số lượng người nhiễm HIV mới phát hiện được khống chế và giảm dần (trung bình mỗi năm giảm từ 5-7%); 86% số người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) được làm xét nghiệm tải lượng virus định kỳ, trong đó có 98,5% có kết quả tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế; 98% số sản phụ nhiễm HIV sinh con được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; 97,4% số người bệnh nhiễm HIV đang được quản lý tại cơ sở chăm sóc điều trị có thẻ BHYT...

    Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn còn tiểm ẩn nguy cơ làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố đã tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại.

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố làm tốt chức năng tham mưu cho Sở Y tế kịp thời đề xuất các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn, nhất là các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng dân cư, tư vấn chăm sóc bệnh nhân AIDS để sức khỏe ổn định, hưởng BHYT kịp thời, công tác phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm đạt hiệu quả cao.

    Người bệnh đến uống thuốc Methadon tại cơ sở điều trị Methadone quận Lê Chân

    TS.BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, những năm qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục, chủ động hướng về các địa bàn cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Việc tuyên truyền đã thiết thực hơn, lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS.

    Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không tổ chức được các hoạt động đông người như hội nghị, mít tinh nên hoạt động tuyên truyền tập trung vào hình thức nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn…, phát tờ rơi, chăng treo băng rôn, khẩu hiệu ở khu dân cư, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống đài phát thanh của huyện, loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn.

    Qua đó, huy động được sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được gắn kết chặt chẽ với hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các huyện, thành phố đã gắn hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

    Cùng với tuyên truyền, ngành Y tế thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS; công tác điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV…

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, có hơn 15 nghìn người được tư vấn xét nghiệm HIV tại 11 cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn thành phố, trong đó phát hiện 178 ca dương tính, chuyển gửi điều trị ARV thành công 174 người (bằng 98%).

    Đến nay, toàn thành phố có 15 phòng khám ngoại trú (14 cơ sở khám, điều trị người lớn, 1 cơ sở khám và điều trị nhi) đang điều trị 5.288 người nhiễm HIV/AIDS. Theo TS.BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, hiện có 98% số người bệnh nhiễm HIV được quản lý tại các cơ sở chăm sóc điều trị có thẻ BHYT.

    Trong đó, 9 phòng khám ngoại trú cung cấp điều trị thuốc ARV qua nguồn BHYT; tất cả phòng khám ngoại trú thực hiện thanh toán thuốc nhiễm trùng cơ hội và xét nghiệm cơ bản, xét nghiệm tải lượng virus cho người bệnh điều trị ARV qua BHYT theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở y tế, phòng khám ngoại trú cũng làm tốt công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm viêm gan C/HIV...

    Công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS  trên địa bàn thành phố tích cực được thực hiện hướng tới mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

    Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, thành phố đã ban hành các kế hoạch về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030. Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.

    Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ thành phố đến cơ sở. Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV. Thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

    Theo Phó Giám đốc thường trực Sở Y tế thành phố cho biết, Ngành Y tế có kế hoạch mở rộng các điểm điều trị dự phòng bằng PrEP để đông đảo người dân biết và sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục phối hợp đơn vị liên quan cấp thẻ BHYT và khuyến khích người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong khám, điều trị ARV cũng như các dịch vụ khám, điều trị khác. Đồng thời, ngành phối hợp hiệu quả các chương trình dự án quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích các cơ sở điều trị PrEP sử dụng bệnh án điện tử, thường xuyên rà soát danh sách khách hàng tái khám và phối hợp các nhóm cộng đồng để gọi điện nhắc nếu khách hàng đến khám không đúng hẹn, triển khai hiệu quả hoạt động khám, điều trị ngoài giờ; triển khai tư vấn, xét nghiệm lưu động.

    Đồng thời, ngành Y tế cũng tăng cường phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan phát hiện các ca nhiễm HIV ngoài cộng đồng, rà soát đối chiếu số liệu người nhiễm trên địa bàn thành phố để có số liệu quản lý người nhiễm chính xác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm; sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, các nhà thuốc để quảng bá dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông