09:41 21/07/2023 Sau 20 năm tổ chức (2003-2023), Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã thu hút hàng triệu lượt người dân trên địa bàn thành phố tham dự, thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, là dịp để Nhân dân giao lưu, củng cố, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, cổ vũ, động viên, thôi thúc các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thắt chặt tinh thần cố kết cộng đồng dân cư
Xác định Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, hằng năm, cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp đều có văn bản chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn, phân công trách nhiệm các cấp, ngành, địa phương trong việc tổ chức ngày hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân.
Theo đó, song song với việc chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, để ngày hội được tổ chức đảm bảo tính thống nhất trong nội dung, cách thức, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đều hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức làm điểm tại 2 địa phương gồm: 1 thôn trên địa bàn huyện và 1 tổ dân phố để qua đó rút kinh nghiệm đối với các địa phương còn lại.
Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Thành ủy, bố trí lịch và điều kiện đảm bảo để các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tham dự ngày hội tại các địa phương để vun đắp mối liên hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân.
Với cách làm bài bản như trên, từ năm 2003 đến nay, Hải Phòng đã có gần 27.600 khu dân cư tổ chức phần lễ (90%), trên 17.000 khu dân cư tổ chức phần hội (70%); gần 18.700 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội (75%), 20.702 khu dân cư (65%) tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”, thu hút hàng triệu lượt người dân tham dự; có trên 106.000 tập thể, gần 204.400 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng.
Tại một số địa phương các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Trung ương, thành phố đã về dự và phát biểu động viên.
Đặc biệt nhất là ngày 15-11-2017, huyện Vĩnh Bảo vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn về dự ngày hội tại thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang. Ngày hội đã để lại ấn tượng sâu sắc và là nguồn động viên lớn lao về mặt tinh thần đối với các tầng lớp Nhân dân địa phương và thành phố.
20 năm triển khai, ngày hội đã khẳng định giá trị thực tiễn, ý nghĩa to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước; phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng dân cư; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu mạnh.
Đơn cử, khi mỗi địa phương tổ chức ngày hội đã tạo ra cơ hội, là dịp cho những người con đang sinh sống, học tập, làm việc xa quê được trở về tham dự và đóng góp công sức xây dựng quê hương. Tại ngày hội, các địa phương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà gia đình chính sách, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tại ngày hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, nhất là phần hội với các hoạt động mang đậm giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc như: tổ chức các trò chơi dân gian, hội chợ nông thôn, các CLB thơ, cầu lông, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh…. Qua đó, góp phần gắn kết, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tinh thần cố kết cộng đồng dân cư.
Đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương
Cũng tại ngày hội, các địa phương đã tổ chức công bố danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 80% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu Thôn, Tổ dân phố văn hóa; gần 94% số hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; trên 500 làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, hơn 3.000 hộ gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc được các cấp tuyên dương, khen thưởng.
Các gia đình văn hoá đều là những điển hình trong việc phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật, hương ước, quy ước; vận động gia đình và cộng đồng tham gia giữ gìn ANTT, không mắc các tệ nạn xã hội, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái. Từ đó, góp phần tạo đà cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển và có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Đáng chú ý, ngày hội được tổ chức ở khu dân cư đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng; huy động mọi nguồn lực, động viên Nhân dân đóng góp công sức, vật chất tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong xã hội tích cực tham gia, ủng hộ các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu phải kể đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”.
Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn thành phố có 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn NTM, 42/137 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 8/137 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM. Thành phố đã thu hồi 10.488 ha đất của 613 tổ chức, 53.916 hộ gia đình, cá nhân.
Trong đó có 10.988 hộ phải bố trí tái định cư để triển khai các dự án trọng điểm, không xảy ra khiếu kiện phức tạp kéo dài. Nhân dân khu vực ngoại thành đã hiến trên 1.011.058 m2 đất thổ cư, đất canh tác, đóng góp 310,184 tỷ đồng, 952.003 ngày công lao động tham gia làm mới, sửa chữa 4.951 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 11.633 tuyến đường nội đồng, thôn xóm, nội bộ nghĩa trang với tổng chiều dài 1.446,15 km, trồng được trên 20.000 cây xanh trên các tuyến đường giao thông nông thôn.
Đồng thời sửa chữa, xây mới 307 cầu, cống thuỷ lợi, trên 78 trạm bơm điện, kiên cố hóa được 122,72 km kênh. Nhờ đó, hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh đảm bảo phục vụ tiêu nước cho trên 100.000 ha, cấp nước tưới cho 58.253 ha đất canh tác.
Cùng với đó, toàn thành phố đã đầu tư, mở rộng, xây mới 422 công trình trường học các cấp; xây mới, cải tạo 366 công trình văn hoá, sân thể thao, trên 154 chợ nông thôn; huy động xã hội hóa các nguồn lực xây mới và sửa chữa trên 18.000 căn nhà Đại đoàn kết. Trong đó, Mặt trận đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 4.088 căn và trao 1.325 căn nhà Đại đoàn kết trong dịp tổ chức ngày hội…
Ở khu vực đô thị, người dân tham gia đóng góp vật tư, tiền công, hiến đất để cải tạo, mở rộng, chỉnh trang, nâng cấp 1.967 tuyến ngõ, ngách với tổng chiều dài 153 km, lát gạch vỉa hè tại 26 tuyến đường, ngõ với diện tích 27.540 m2, lắp 5.588 pha đèn LED chiếu sáng công cộng, trồng mới gần 6.000 cây xanh ...
Ngoài ra, tích cực hưởng ứng phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất làm kinh tế gia đình” đã có 82.116/84.731 hộ gia đình nông thôn đăng kí đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi; giúp hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo, hàng vạn lượt người có việc làm.
Nhiều hộ nghèo nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, có được cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn. Đặc biệt, thông qua ngày hội, quần chúng Nhân dân đã đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Qua đó, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm ANCT, TTATXH ngay tại cơ sở; tạo môi trường an toàn, lành mạnh thúc đẩy KT-XH thành phố phát triển.
Khánh Chi
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh