Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15: Trình Quốc hội 3 dự thảo nghị quyết

15:04 21/10/2022

Sáng 21-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về 3 dự thảo nghị quyết.

                       

Quang cảnh phiên họp ngày 21-10

                                                       Sẽ thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe trên toàn quốc

          Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

          Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

        Biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.

       Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình

          Theo dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá được quyền đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.

        Với người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe sẽ không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.

        Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng được áp dụng ở các thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ đẹp theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định.

      Do vậy, mức giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó. “Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

     Về việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết dự thảo đã sửa theo hướng “Số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương”, thay vì phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương như trước.

     Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhất trí thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe trên phạm vi toàn quốc.

        Đối với mức giá khởi điểm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) và vùng 2 (các địa phương còn lại) không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa các vùng. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.

                                            Thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng

          Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất quy định của Đảng với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; giải quyết vướng mắc, bất cập quản lý trong thực tiễn.

           Theo tờ trình, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau. Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức Khiển trách thì thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Đối với hành vi vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo: thời hiệu kỷ luật đảng là 10 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình

       Do có sự khác nhau nên thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định “kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể” (khoản 10 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW) và chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng trong thời gian qua.

           Do đó, để khắc phục vướng mắc này, Chính phủ nhận thấy, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, quy trình sửa đổi luật cần có thời gian vì phải thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định. Do vậy, sau khi xin ý kiến và được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi các luật có liên quan.

                                    

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp

          Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

           Giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.

                                               Kéo dài thực hiện nghị quyết 54 đối với thành phố Hồ Chí Minh hết năm 2023

        Trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54/2017/QH14), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Nghị quyết này, Quốc hội cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực, như: Quản lý đất đai; Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

      Qua 5 năm thực hiện, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015; trong quý 1 và quý 2- 2022 cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011- 2015).

        

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tổng kết thực hiện NQ 54

       Theo đánh giá của thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

      Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố.

      Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

       Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

     Sau khi cơ chế đặc thù cho thành phố được quyết định tại Nghị quyết 54/2017/QH14, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước như: quy định HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về cơ chế ủy quyền, quy định về điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, quy định về phân cấp nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp,…

Quang cảnh phiên họp

           Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một số nội dung triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp; một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền).

     Thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, Chính phủ đề xuất, cho phép thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết này đến hết ngày 31-12- 2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15.

      Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, tại nội dung báo cáo Quốc hội lần này, Chính phủ mới chỉ dừng ở việc báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 mà chưa đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

      Để nội dung tổng kết sâu sắc, toàn diện hơn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, với tính chất là Nghị quyết thí điểm để nhân rộng mô hình, áp dụng cho một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhằm tạo sức lan tỏa trong phạm vi quốc gia thì nội dung tổng kết cần khẳng định rõ: việc thực hiện thí điểm có được coi là thành công hay không; sức lan tỏa đến đâu; hiệu quả mang lại trên các mặt kinh tế - xã hội, đối với đời sống người dân...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra

        Qua tổng kết cần đánh giá được tính hợp lý, khả thi, quy mô của chính sách thí điểm, theo đó cần làm rõ, qua 5 năm thực hiện, các chính sách có thực sự phù hợp với đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho thành phố.

        Để bảo đảm tính mạch lạc, cơ quan chủ trì thẩm tra lưu ý, cần bóc tách thành các nhóm vấn đề gồm: những cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp với thành phố, đã và đang phát huy tác dụng, cần tiếp tục áp dụng, nhân rộng; những chính sách cần thiết  nhưng chưa phát huy tác dụng do dịch bệnh, do vướng mắc với các quy định khác, cần giải quyết vướng mắc để tiếp tục áp dụng trong giai đoạn tới; chính sách không phù hợp, đề nghị bãi bỏ; những chính sách đến nay không còn là đặc thù do pháp luật đã điều chỉnh để áp dụng phổ cập.

           Đồng thời, cần đánh giá khách quan, chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế dưới góc độ vướng mắc do thể chế, pháp luật (cần làm rõ những điều khoản, văn bản nào, quy trình, thủ tục nào cản trở việc thực hiện); nhận diện thẳng thắn những hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc trách nhiệm của thành phố phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…); vướng mắc do cơ chế phối hợp…  

    Cùng với đó, cần đánh giá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện: trách nhiệm của thành phố, của các bộ, ngành liên quan, của Chính phủ, Quốc hội trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống; làm rõ những mặt tích cực trong thực hiện trách nhiệm và cả những tổ chức, cá nhân chưa làm đúng trách nhiệm (nếu có)./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông