09:27 05/07/2020 Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dịp nghỉ hè năm học 2019-2020 muộn hơn 1 tháng so với thông lệ mọi năm. Tính từ 1-7, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn sẽ chỉ có 2 tháng nghỉ là bắt đầu bước vào năm học mới. Rất có thể các em sẽ không còn phải mang gánh nặng về học thêm, sau một năm học đầy biến động. Nhưng vấn đề đặt ra là, các em sẽ làm gì, chơi ở đâu, khi thời tiết quá nắng nóng, trong bối cảnh khi thành phố còn quá nghèo sân chơi dành cho lứa tuổi các em.
Thành phố có không ít điểm dịch vụ cộng đồng, nhưng chi phí quá cao so với thu nhập của đại chúng phụ huynh
Khổ vì không được… đến trường?
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây xáo trộn nền kinh tế, xáo trộn các hoạt động xã hội, mà còn gây biến động lớn cho ngành giáo dục, khi học sinh các cấp học phải nghỉ kéo dài, các chương trình giảng dạy cũng ít nhiều phải điều chỉnh.
Tính đến thời điểm khởi đầu của năm học mới 2020-2021 thì kỳ nghỉ năm nay sẽ ngắn hơn 1 tháng. Như vậy, thày trò các trường sẽ rất tất bật, vừa chuẩn bị cho các nội dung sinh hoạt hè, vừa dồn sức vào các kỳ thi đối với học sinh cuối cấp, vừa phải rà soát điều chỉnh lại các chương trình giáo dục cho năm học mới…
Có thể nói, những năm gần đây, việc ngành giáo dục – đào tạo ban hành quy định các trường phổ thông không tổ chức học hè, có thể coi là một giải pháp tích cực, trong bối cảnh việc dạy và học thêm vẫn còn nhiều bất cập. Nhưng lý thuyết là vậy, còn trên thực tế bản thân các phụ huynh cũng như học sinh cũng phải xây dựng những kế hoạch “khác hơn” so với những kỳ nghỉ mọi năm.
Việc sắp xếp thời gian cho trẻ nghỉ hè lại là một bài toán khó đối với nhiều gia đình. Chị Vân Anh là công nhân của một Cty may tâm sự: “Cả hai vợ chồng em làm cùng Cty rất ít thời gian nghỉ, ông bà nội ngoại đều ở quê, con em mới 4 tuổi…”. Vì vậy với chị Vân Anh, giải pháp tốt nhất lại chính là cho con… học thêm ở trường?
Chị bộc bạch rất thật: “Học thêm thực chất là thuê trường quản trẻ, hơn nữa tính cả tiền ăn và học phí trả thêm vẫn rẻ hơn rất nhiều so với thuê người giúp việc...”. Chị Vân Anh cho biết thêm, cùng hoàn cảnh như vợ chồng chị, có gia đình phải gửi con về quê, xa cách nhớ nhung là một nhẽ, nhưng tâm lý phụ huynh rất lo lắng, bởi ở quê cũng có quá nhiều nguy cơ rình rập.
Ở trường hợp khác, như vợ chồng anh Hiếu đều là viên chức ở quận Lê Chân. Vụ hè năm trước, vợ chồng anh chọn giải pháp giao cậu lớn 9 tuổi quản lý cậu em 6 tuổi, cũng “bày đặt” bắt các con hoàn thành một số bài học do bố mẹ tự soạn. Nhưng chỉ được một tuần, nhìn nỗi khắc khổ của các con mà anh chị Hiếu mủi lòng, đành phá bỏ vòng kiềm tỏa, anh Hiếu nói: “Các cháu học cả năm rồi, không ép các cháu được nữa.
Thế nhưng “nhốt” con trong nhà, để rồi đến chỗ làm mà lúc nào cũng lo ngay ngáy, nào lo ti vi, máy tính nhiều điều nhạy cảm, nào lo hiểm nguy từ cháy, nổ, điện, nước… vì ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra đối với các cháu đằng sau mấy lớp cửa khóa chặt. Vả lại, như anh Hiếu tâm sự, thì áp đặt phương pháp hà khắc quá, rất dễ đẩy các cháu tìm cách đối phó với chính bố mẹ mình.
Về chuyện sinh hoạt hè tập thể, dường như trách nhiệm này hiện Đoàn thanh niên phải gánh cả, nhưng có phải ở đâu cũng có điều kiện tổ chức cho học sinh? Được biết, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch hè 2020 với chủ đề “Vui hè an toàn – Trao ngàn yêu thương”, hy vọng sẽ đem đến cho các thầy trò cấp học phổ thông những cảm xúc mới.
Tuy nhiên, nhìn chung trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực nội thành, vấn đề đặt ra là thiếu không gian, thiếu kinh phí đã đành, nhưng giữa thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, chương trình sinh hoạt đủ sức hấp dẫn với trẻ mới là chuyện khó.
Một điểm dịch vụ vui chơi cho trẻ đang được hoàn thiện
Nhà càng nghèo, trẻ em càng khó
Thông thường như mọi năm, mỗi khi hè về một số gia đình thường cho con vào các CLB chuyên đề như thể thao, võ thuật, âm nhạc, bơi lội… Nhưng thực trang hiện nay là các cơ sở công ích của thành phố khó đáp ứng hết nhu cầu của học sinh. Hơn nữa, đây cũng chỉ là phân khúc dành riêng cho những gia đình dư dả, còn lại phần lớn các gia đình nghèo đành để con cái mình “trôi tự do”.
Theo khảo sát qua một số gia đình làm nghề lao động phổ thông hoặc viên chức nghèo, hầu như phụ huynh không có kế hoạch vui chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè. Tất cả vì thiếu thời gian và hạn hẹp về kinh tế, vì có dành dụm giỏi đến mấy cũng may ra cũng chỉ đủ cho con đi “dạo” ở các khu du lịch, vườn trẻ, công viên, thậm chí chỉ là siêu thị một đôi lần.
Chị Phương – một người kiếm sống bằng nghề buôn bán vặt ở quận Ngô Quyền tâm sự, đứa lớn nhà chị năm nay lên lớp 11, đứa nhỏ học lớp 5.
Ngay sau khi đi học trở lại sau đợt nghỉ dài vì dịch bệnh, gia đình chị đã phải đôn đáo lo tiền đóng các khoản khi nhà trường yêu cầu, cụ thể thằng lớn mất gần 5 triệu đồng cho tiền học kỳ 2, tiền lắp đặt trạm biến áp và máy điều hòa trên cơ sở vận động tự nguyện… thằng bé đóng tiền học theo tháng, cũng kèm theo khoản “hỗ trợ” lắp đặt máy điều hòa mà chủ yếu để dành cho lớp 4 (kế cận năm học sau).
Tổng cộng các khoản tiền phải nộp là quá lớn, so với một gia đình công nhân như chị Phương, nói gì đến chuyện chơi bời cho các cháu.
Trong khi đó, cũng liên quan đến hoạt động vui chơi của con mình, anh Dũng – chủ một cửa hàng xe điện trên đường Tô Hiệu, dù kinh tế có phần khá giả nhưng cũng lắc đầu: “Mọi năm nhân tiện các cháu nghỉ hè, còn cho đi chơi chỗ này chỗ nọ, năm nay thì chịu…”.
Anh Dũng cho biết, thời tiết năm nay quá nóng, anh chỉ cho hai đứa con nhỏ đi bơi vào ca cuối chiều tại một bể bơi trong nội thành, nhưng tính ra dịch vụ khá đắt đỏ, tiền vé cho 3 bố con đã hết 150 nghìn đồng/ngày. “Nhà em thuộc diện có điều kiện còn thấy chát, nói gì đến nhà khó khăn…”, anh Dũng tâm sự. Đúng là “mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh”, nhưng chắc chắn với tình hình hiện nay, những gia đình có điều kiện như anh Dũng không phải là đa số.
Đã từ lâu, thành phố không còn sân chơi công cộng miễn phí dành cho trẻ, tài sản duy nhất chỉ còn vườn hoa Kim Đồng đã đi xuyên qua hai thế kỷ, cũng vừa được giải tỏa thành không gian công viên nối liền dải trung tâm thành phố. Trong bối cảnh thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày, chỉ mấy năm gần đây đã có hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư vào các khu vui chơi dành cho người lớn, nhưng sân chơi dành cho trẻ nhỏ vẫn đìu hiu trong cảnh “đến hẹn lại lên”.
Năm nay dịch bệnh Covid-19 khiến thời gian bị lỡ hẹn, nhưng về lâu dài thì câu chuyện này vẫn là bài toán nan giải, chắc chắn chưa thể nói đến một giải pháp hữu hiệu trong tương lai gần, nhưng cũng không thể thờ ơ. Nghĩa là khi dịch bệnh qua đi, những năm học sau học sinh phổ thông lại được được nghỉ hè đúng lịch, lại thêm những lần các bậc phụ huynh lại phải trăn trở câu chuyện “làm gì, chơi gì, học gì?” cho con em mình dịp nghỉ hè.
Gia Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết