14:13 04/12/2024 Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 25/4/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 08), huyện Kiến Thuỵ đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, triển khai 71 mô hình với tổng diện tích 478,48/500 ha (đạt 95,7% chỉ tiêu giai đoạn 2023 – 2025). Qua đó, tạo cơ sở vững chắc đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi phương thức sản xuất của địa phương từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu…
Đả thông tư tưởng
Để Nghị quyết 08 nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, công tác tuyên truyền được cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện chú trọng đẩy mạnh.
Riêng Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các nội dung Nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang fanpage Kiến Thụy - Hoa của đất; trang fanpage của các xã, thị trấn thường xuyên thông tin hoạt động của lãnh đạo địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất.
Đáng chú ý, để phát huy cao độ tính dân chủ trong dân, UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ đã tổ chức các buổi đối thoại với cán bộ, đảng viên, Nhân dân các xã để trực tiếp lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương còn kết hợp tuyên truyền, vận động với phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kết hợp giữa tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị xã hội với hoạt động xúc tiến của chủ đầu tư.
Nhờ đó mà nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, địa phương và Nhân dân toàn huyện có sự chuyển biến rõ nét. Tư tưởng giữ đất, giữ ruộng của một bộ phận người dân được thay đổi, tạo động lực cho cá nhân, tổ chức mạnh dạn đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
Những thành quả bước đầu
Đáng chú ý, để có căn cứ, cơ sở giúp các địa phương, các tổ chức, nhân triển khai thực hiện các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý các mô hình tích tụ, thời gian qua, UBND huyện Kiến Thuỵ đã ban hành các văn bản về việc: hướng dẫn tạm thời hồ sơ các mô hình tích tụ ruộng đất xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hướng dẫn tạm thời xây dựng, lắp dựng công trình nhà bảo vệ, nhà kho phục vụ sản xuất; hướng dẫn quy trình, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Công tác duy trì, phát triển sản phẩm OCOP được địa phương quan tâm đầu tư. Hiện, trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ có 43 sản phẩm OCOP tại 14/18 xã, thị trấn. Địa phương đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 5 mô hình sản xuất theo Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND thành phố. Dự kiến hết năm 2024, Kiến Thuỵ hoàn thành chỉ tiêu mỗi xã có 1 sản phẩm OCCOP.
Đặc biệt, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến đông đảo người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin, đại chúng, nhất là các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Thời gian qua, huyện Kiến Thuỵ đã triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Chỉ tính riêng năm 2024, huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp các mô hình tích tụ, tập trung trồng lúa để đề xuất hỗ trợ 24 mô hình có tổng diện tích 253,8 ha.
Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn huyện đã ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí thuỷ lợi nội đồng được UBND thành phố hỗ trợ theo Nghị quyết số 26/2019/NQ-HĐND với tổng kinh phí 3.290 triệu đồng để hỗ trợ nạo vét, sửa chữa các tuyến kênh mương nội đồng phục vụ các mô hình sản xuất.
Cùng với đó, nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử có thể kể đến mô hình sản xuất của ông Lã Hà Thắng (xã Đại Đồng), Hợp tác xã Thụy Hương (xã Thụy Hương), mô hình trồng sen (xã Hữu Bằng)…
Các mô hình không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, sơ chế sản phẩm mà còn đầu tư kho lạnh, máy móc, công nghệ chế biến, bao bì, cho ra đời những sản phẩm mới mang tính đặc sắc, nhận diện thương hiệu để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa.
Là địa phương đi đầu thu hút các hợp tác xã (HTX) tham gia vào tích tụ, tập trung ruộng đất đạt được những kết quả khả quan, rất đáng ghi nhận, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo xã Ngũ Đoan, ngay sau khi rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không cấy, địa phương đã tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang.
Do diện tích đất nông nghiệp đều chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến khó khăn trong công tác thuê lại ruộng. Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, các thôn lập sơ đồ thửa, số đo diện tích, giao UBND xã đứng ra làm cầu nối trung gian trong việc ký hợp đồng thuê lại diện tích đất nông nghiệp giữa HTX và Nhân dân để tái sản xuất.
Nhờ đó, ngay trong vụ mùa năm 2023, địa phương đã phối hợp với HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thuỵ Hương thuê lại 21,9 ha diện tích ruộng giao lâu dài của 210 hộ dân. Vụ chiêm năm 2024, phối hợp với HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Song Kiệt thuê lại 30,1ha diện tích đất nông nghiệp của 334 hộ dân để tiến hành cấy lúa theo hướng hữu cơ và hình thành các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo liên kết chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu và trồng rau sạch chuyên canh.
Theo kế hoạch, vụ chiêm năm 2025, xã sẽ vận động HTX Song Kiệt tiếp tục thuê thêm 6,7ha đất nông nghiệp; phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn đo đạc KTC khảo sát, thiết lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi 6,3ha diện tích sâu trũng sang trồng cây hàng năm vào năm 2025…
Hiện, sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 08, trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ đã thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, triển khai được 71 mô hình với tổng diện tích 478,48/500 ha (đạt 95,7% chỉ tiêu giai đoạn 2023 – 2025). Trong đó, khắc phục 290,51/350 ha ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất (đạt 82% chỉ tiêu giai đoạn 2023 – 2025). Riêng xã Ngũ Đoan đã tích tụ được 56,5ha diện tích đất nông nghiệp hoang hóa, phấn đấu năm 2025 tích tụ thêm 13ha.
Phấn đấu mỗi xã 1 mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch
Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đã giúp huyện từng bước khắc phục triệt để tình trạng ruộng đất hoang hóa, nhỏ lẻ, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tổ chức lại sản xuất, đầu tư hạ tầng, áp dụng KHCN vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.
Được biết, từ nay đến hết năm 2025, tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 08-NQ/HU gắn với Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, huyện Kiến Thuỵ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như:
Mỗi xã có ít nhất 1 mô hình tích tụ ruộng đất mới đáp ứng tiêu chí vùng sản xuất tập trung; tích tụ, tập trung từ 150 ha đất nông nghiệp trở lên, phấn đấu đến hết năm 2025 vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trong giai đoạn 2023 – 2025; khắc phục 150 ha ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất; xây dựng ít nhất 1 mô hình thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch…
Địa phương sẽ ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các HTX, tổ hợp tác, hộ dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của huyện. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện ngày càng trở lên khang trang, hiện đại hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao…
Bình Huệ
14:35 01/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Các hành vi bị nghiêm cấm
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Điều khoản thi hành
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế