22:25 20/06/2023 Bài 2: Sự hưởng ứng của thành phố Hải Phòng Là đô thị lớn thứ 3 cả nước, thị trường BĐS có tác động đáng kể tới sự phát triển của Hải Phòng. Bởi vậy, ngay sau khi NQ 33 được ban hành, cùng với sự chuẩn bị từ trước, Hải Phòng đã có những động thái rất quyết liệt nhằm phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được ưu tiên hàng đầu.
Xây dựng hệ sinh thái nhà ở xã hội
Từ năm 2021-2022, Hải Phòng đã xúc tiến các chương trình xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, thành phố dành quỹ đất, kêu gọi các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp trên địa bàn, đồng thời là nơi an cư mới cho các hộ dân mấy chục năm liền sinh sống trong các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm. Đây được coi là hướng đi phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng được sự mong mói của người dân.
Sau khi có NQ 33, chương trình xây dựng nhà ở xã hội Hải Phòng như được tiếp thêm sức mạnh. Từ đây, những quan điểm, chủ trương về xây dựng nhà ở xã hội Hải Phòng có điểm tựa vững vàng và ngày càng hoàn thiện. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định, chủ trương nhất quán của lãnh đạo thành phố đối với những vấn đề xã hội là phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển các vấn đề về xã hội; nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố thì chính nhân dân cũng phải được thụ hưởng những thành quả, giá trị to lớn của quá trình đó.
Theo đó, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân được thánh phố xác định là vấn đề rất cần thiết và cấp thiết đối với người dân. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực, tập trung triển khai các dự án về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và đến nay, thành phố đã chuẩn bị để có thể phát triển gần 47.000 căn nhà ở xã hội, vượt xa so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố đến năm 2025 và 2030.
Tuy nhiên, đáng quan tâm là bên cạnh mục tiêu về số lượng, lãnh đạo thành phố đang nỗ lực thay đổi, chuyển hóa quan điểm của nhiều người cho rằng nhà ở xã hội là “không gian cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ”. Thay vào đó, thành phố chỉ đạo và mong muốn xây dựng nhà ở xã hội là “không gian ở mới, đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và các dịch vụ thiết yếu, quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân”.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh, từ thay đổi quan điểm tiếp cận sẽ dẫn đến thay đổi cách làm; thành phố ưu tiên nhà ở xã hội gắn liền với đô thị và gắn liền với các khu vực sản xuất, các khu vực dịch vụ và tạo ra công ăn, việc làm; hạn chế dần các dự án nhỏ và dần chuyển sang mô hình dự án nhà ở xã hội là “khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi” với quy mô lớn. Tới đây, khi xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì quan điểm này sẽ được cụ thể hóa.
Và cũng từ NQ 33, nhiều vấn đề về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; về lựa chọn chủ đầu tư; về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách... mà Hải Phòng đang còn lúng túng, băn khoăn cũng có hướng tháo gỡ.
Đối với nguồn vốn, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng theo NQ 33 của Chính phủ. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng, Hải Phòng 3.892 tỷ đồng...
Từ “cú hích” NQ 33 mà những ngày gần đây, Hải Phòng liên tiếp khởi công các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tiêu biểu là dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên với quy mô gần 4500 căn hộ. Tiếp đó là dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ, huyện An Dương với quy mô 10 tòa chung cư cao 15 tầng, tổng vốn đầu tư hơn 1600 tỷ đồng, khi hoàn thiện sẽ cung cấp 2538 căn hộ có diện tích từ 26m2 đến 68m2 - phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động.
Khu nhà ở công nhân viên của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam mới khởi công có diện tích 5,04ha, được xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đủ các tiện ích xã hội với 10 tòa nhà cao tầng, tổng mức đầu tư 68,3 triệu USD (tương đương khoảng 1.600 tỷ đồng), khi hoàn thành toàn bộ dự án đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân. Ngoài ra, còn có một số dự án nhà ở xã hội khác đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, thành phố đã chuẩn bị chương trình, kế hoạch để xây dựng nhiều khu nhà ở xã hội khác trên địa bàn quận Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Đồ Sơn…
T ạo điều kiện cho các dự án phát triển đô thị
Cùng chung với sự ảm đạm của thị trường BĐS cả nước nhưng Hải Phòng có cách làm riêng nhằm thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đó là thành phố không ngừng đầu tư hoàn thiện hệ thống kế cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tạo nền tảng, cơ sở để phát triển thị trường BĐS. Quan điểm chung là cùng với đầu tư hạ tầng, chú trọng phát triển thị trường BĐS ở hai bên đường, tạo nên những giá trị gia tăng mới.
Chỉ tính trong thời gian gần đây, thành phố khởi công, khánh thành một loạt dự án lớn như đường Đỗ Mười kéo dài; cầu Rừng, cầu Lại Xuân, đường kênh Hòa Bình (huyện Kiến Thụy); khởi công Trung tâm Chính trị- Hành chính; Trung tâm Hội nghị- Biểu diễn bắc sông Cấm; một số nút giao thông; đang chuẩn bị thực hiện các dự án đường vành đai 2, cầu Nguyễn Trãi; kêu gọi đầu tư các bến cảng nước sâu Lạch Huyện; đẩy nhanh tiến độ đường ven biển…
Theo các nhà đầu tư, đây là điểm nhấn quan trọng nhất để kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS. Ngoài một số khu đô thị lớn, văn minh, hiện đại đã hình thành như Vinhomes Imperia; Vinhomes Marina; Khu đô thị ven sông Lạch Tray; Làng Việt kiều…, Hải Phòng đang có thêm nhiều dự án phát triển đô thị quy mô lớn, hiện đại tại huyện Kiến Thụy; quận Dương Kinh, Đồ Sơn; Kiến An; khu đô thị Hoàng Xá (An Lão); khu dân cư thị trấn Vĩnh Bảo do Công ty CP May Diêm Sài Gòn là chủ đầu tư.
Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh, với 6 khu vực phát triển tại tất cả các quận, huyện, mở ra tiềm năng, dư địa rất lớn cho thị trường bất động sản. Dự báo dân số Hải Phòng đến năm 2030 khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0-2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74-76%; dân số đến năm 2040 khoảng 3,9-4,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2-4,0 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 80-86% được coi là tiềm năng rất lớn của thị trường bất động sản.
Đặc biệt, quy hoạch định hướng thiết kế đô thị tổng thể của Hải Phòng là xây dựng một “Đô thị hướng sông - Đô thị hướng biển” là hình ảnh, chủ đề cho mọi giải pháp thiết kế đô thị mức tổng thể cũng như chi tiết; kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan “Đô thị hàng hải toàn cầu” với hạ tầng hiện đại, thông minh với ba trụ cột phát triển gồm: Cảng - Công nghiệp - Du lịch, dịch vụ. Tất cả những điều đó mang lại sự hấp dẫn cho thị trường bất động sản Hải Phòng và chắc chắn thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần, xứng đáng với tầm vóc, vị thế của thành phố Hải Phòng, động lực phát triển của cả vùng, cả nước./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh