09:42 27/08/2017 Với ưu thế giá rẻ, không cần bằng lái hay phải đổ xăng mà vẫn có thể di chuyển tốc độ sánh ngang xe máy, những năm gần đây, xe đạp điện đã “lên ngôi”, trở thành loại phương tiện phổ thông nhất dành cho lứa tuổi học sinh trung học ngày hai buổi tới trường. Tuy nhiên, “lợi bất cập hại”, một trong những nguy cơ cao gây tai nạn giao thông nghiêm trọng cho học sinh, sinh viên lại đến từ loại phương tiện được xem là khá cơ động này...
Phương tiện “hai trong một”
Tốc độ nhanh và giá rẻ, xe đạp điện tích hợp được cả hai tiện ích lớn nhất của loại phương tiện dành cho học sinh, sinh viên.
Chỉ cần bỏ ra hơn chục triệu đồng là các bậc phụ huynh với túi tiền vừa phải đã có thể sắm cho con em mình một chiếc xe đạp điện. Thậm chí, nhiều nhà tiết kiệm hơn có thể tìm mua những loại xe cũ, đã qua sử dụng chỉ có giá khoảng 5-6 triệu đồng.
Đó là chưa tính đến hàng loạt những dòng xe do Trung Quốc sản xuất chỉ 3-4 triệu đồng/chiếc. Những năm gần đây, xe đạp điện được chọn mua ngày càng nhiều và xuất hiện với mật độ dày hơn trên tất cả các tuyến đường nội, ngoại thành Hải Phòng.
Chị Hoàng Nga, nhà tại quận Ngô Quyền năm nay có con vào học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn quận Lê Chân. “Thưởng” vì con đỗ vào trường như ý, chị sắm ngay cho cô con gái một chiếc xe đạp điện mới cáu cạnh với giá 17 triệu đồng. “Đây cũng là niềm mơ ước của cháu từ lâu cho “bằng chúng bằng bạn”, bởi nhiều bạn học của cháu cũng đã có từ khi học cấp hai.
Hơn nữa, từ nhà tôi tới trường cháu học là đoạn đường dài gần 5km. Vợ chồng tôi lại đều làm cơ quan hành chính nên càng khó cho việc đưa đón con hàng ngày. Nếu cháu tự đi bằng xe đạp thì phải mất nửa giờ đồng hồ đạp xe hộc tốc, mệt lử mới đến được trường.
Do vậy, khi có đủ tiền là vợ chồng tôi mua ngay cho cháu chiếc xe này. Tất nhiên, tôi cũng đã dặn cháu phải đi chậm, nhìn trước nhìn sau an toàn, nhất là những chỗ ngã ba, ngã tư...”- chị Nga phân bua.
Những cháu nhà xa được bố mẹ sắm cho xe đạp điện để con đường đến trường bớt nhọc nhằn đã đành. Song, nhiều cháu học sinh nhà chỉ cách trường hơn 2km cũng được bố mẹ cho mua xe đạp điện.
Nhà ở đường Tô Hiệu, chỉ cách trường một đoạn đường mất 15 phút đi xe đạp song cháu Thanh Vân, năm nay vào lớp 10 cũng đi học bằng xe đạp điện. Tuy đã nhiều năm đi học bằng xe đạp song với phương tiện mới có tốc độ vọt nhanh chỉ bằng một cú nhấn nhẹ khiến cho Vân phải nhiều phen hú hồn.
Đường tới trường thường tắc nghẽn giao thông vào giờ tan tầm, khi các phương tiện đã kẹt cứng, có đôi khi xe vừa vọt lên đã phải dừng đột ngột, người loạng choạng, phải chống chân sát với những chiếc bánh xe ô tô làm cho Vân không khỏi cảm thấy lạnh toát sống lưng.
Kinh hoàng những “tổ lái”
Chị Thanh Hương, nhà ở đường Lê Hồng Phong có con gái năm nay học lớp 11 thường được bạn đến nhà đón đi học bằng xe đạp điện. Mặc dù đã dặn con đi cẩn thận nhưng nhiều hôm thấy đến 2, 3 đứa đèo nhau trên một chiếc xe, mồ hôi mồ kê nhễ nhại về nhà, chị không khỏi lo lắng. “Các cháu đi thế rất nguy hiểm vì tiếng là xe đạp nhưng tốc độ của nó khá nhanh”- chị nói.
Xe đạp điện có thể chạy với tốc độ lên tới hơn 40 km/h, nhưng hiện nay phần lớn các loại xe đạp điện đang được bán và sử dụng có kết cấu khung sườn cũng như bộ phận phanh, bánh xe không bảo đảm.
Chẳng hạn một chiếc xe tốc độ tối đa 50km/h nhưng phanh xe chỉ đảm bảo cho tốc độ khoảng 20km/h, bánh xe lại quá bé, chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn bánh xe đạp thường, dễ gây trượt ngã khi vào cua với tốc độ lớn…
Anh Quốc Dũng, nhà ở quận Hồng Bàng bày tỏ nỗi khiếp sợ khi phải đi chung đường với “tay lái” trẻ du hành trên những chiếc xe đạp điện.
Hơn 20 năm cầm vô lăng xe ô tô, anh Dũng cho rằng ngay cả khi đi cùng đường với xe container cũng không đáng sợ bằng gặp phải mấy chú choai đi loại xe đạp mà đi nhanh hơn cả xe máy này. “Xe container tuy to, nhưng dù sao người lái cũng phải có bằng cấp, đi xe còn có quy luật nên mình có thể dự đoán tình hình, tránh được.
Tôi sợ nhất là khi xe đang bon nhanh, bỗng dưng phải phanh dí lại bởi một chiếc xe đạp điện nhoằng một cái từ đâu cắt ngang đầu vọt lên trước. Theo quan sát của tôi, hầu hết các xe đạp điện đi trên đường đều do các cháu học sinh, sinh viên lái. Các cháu đi đầu trần, phóng nhanh vượt ẩu cho kịp giờ học, lại hầu hết đều là trẻ con nên người lớn như tôi ra đường đều phải tránh xa.
“Không phải đầu cũng phải tai”, tôi thấy các cháu phóng nhanh mà không đội mũ bảo hiểm thì cũng gây nguy hiểm cho người đi đường khác và chính bản thân các cháu...”.
Những tai nạn đau lòng
Một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe đạp điện tại Hải Phòng phải kể đến vụ tai nạn đau lòng xảy ra đầu năm học mới của năm học trước.
Một buổi trưa khoảng đầu tháng 9-2016, tại km 46 Quốc lộ 10 (đoạn qua địa phận xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng), 3 nữ học sinh điều khiển 3 chiếc xe đạp điện trên đường đi học về đã bị một chiếc xe ô tô đi ngược chiều chạy với tốc độ cao bất ngờ đâm thẳng vào cả ba em. Hậu quả là một nữ sinh tử vong tại chỗ, một tử vong trên đường đi cấp cứu, một bị thương nặng. Ba chiếc xe đạp điện bị hư hỏng nặng.
Trước đó, một vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện xảy ra tại km 92 quốc lộ 5 thuộc quận Hồng Bàng, nạn nhân là một em học sinh lớp 10 Trường THPT Hồng Bàng. Theo người dân ở khu vực đó, chiếc xe đạp điện do 2 học sinh điều khiển chạy trên đường, bị chiếc xe chở xi-téc va vào, em ngồi sau rơi xuống đường, tử vong trên đường đưa đi cấp cứu…
Rồi vụ TNGT trên đường Lê Lai, thuộc phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, nạn nhân là một học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú. Khi đó, em điều khiển xe đạp điện bị ngã ra đường, đúng lúc có chiếc xe tải đi tới…
Nghị định 34/2010 NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài mũ đúng quy cách bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu trường hợp người vi phạm dưới 16 tuổi và là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì tạm giữ xe 10 ngày trước khi ra quyết định xử phạt.
Thiếu tá Doãn Tiến Quân - Đội phó Đội kiểm soát giao thông số 3, Phòng CSGT-CATP cho biết, trong những năm gần đây, an toàn giao thông đã trở thành một vấn đề trọng điểm, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Hàng năm, số người tử vong vì tai nạn giao thông còn rất cao và có tới 40% trong số đó là trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông cho trẻ em chủ yếu xuất phát từ người lớn, do ý thức tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn và khả năng dự đoán để phòng tránh nguy hiểm còn hạn chế.
Nhưng bên cạnh đó, bản thân các em do chưa biết cách tự bảo vệ mình tránh khỏi tai nạn giao thông, đã trở thành nạn nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Do vậy, với mong muốn xây dựng ý thức về ATGT cho các em, để các em có thể tự bảo vệ mình tránh khỏi những tai nạn giao thông đáng tiếc và để các em lớn lên trở thành những công dân có ý thức tốt về an toàn giao thông, Phòng CSGT-CATP đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền tại các nhà trường, trang bị những kiến thức bổ ích về ý nghĩa các biển báo giao thông, kỹ năng lái xe và đi xe đạp an toàn, kỹ năng xử lí các tình huống khi tham gia giao thông; đặc biệt là cảnh báo nguy cơ mất an toàn cao đối với học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện...
Hải Hậu
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết