Người đàn ông có biệt tài thổi sáo bằng lỗ mũi

16:54 27/09/2014

 

 

Ông Nâu trổ tài thổi sao bằng mũi
Ông Nâu trổ tài thổi sao bằng mũi

Không chỉ thổi sáo bằng miệng, người đàn ông ấy có thể thổi sáo bằng mũi. Hai tay hai ống sáo đưa vào mũi là lập tức phát ra những giai điệu du dương, trầm bổng hay tiếng các con vật kêu như thật. Điều kì lạ ngỡ như trong cổ tích ấy lại hiện hữu giữa đời thường, ở một xóm nhỏ thuộc ngoại thành Hải Phòng. Người đàn ông “cổ tích” ấy chính là ông Phạm Văn Nâu ở xóm 6, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên. Nhờ biệt tài thổi sáo bằng lỗ mũi mà ông trở thành “thần tượng” của người dân trong làng. Chỉ cần hỏi nhà ông Nâu, họ nhiệt tình dẫn đến tận ngôi nhà luôn có tiếng sáo véo von, trong trẻo ấy…

Khả năng thiên phú

Ngót nghét 80 tuổi nhưng ông Nâu vẫn khỏe mạnh và vô cùng minh mẫn. Ông có thể kể lại vanh vách những kỉ niệm thăng trầm, đáng nhớ của cuộc đời mình mà không hề quên một sự kiện nhỏ nào. Nhưng đáng ngưỡng mộ nhất là khả năng có thể thổi sáo bằng miệng - mũi liên tục hàng giờ đồng hồ mà không biết mệt. Ông tâm sự: Hồi nhỏ, những lúc đi chăn trâu, ông thường lấy lá cây đu đủ khoét lỗ làm sáo để thổi.

Mặc dù không được học nhạc lí và hiện nay ông cũng chẳng biết đọc nốt nhạc thành thạo nhưng chỉ cần nghe bài hát, thuộc lời là ông có thể thổi đúng giai điệu của nó. Ông có thể thổi đa dạng nhiều thể loại nhạc: từ nhạc cách mạng, nhạc thiếu nhi, dân ca cho tới những bản nhạc trữ tình miền núi… Khi nghe tiếng sáo của ông, người nghe được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc: vui tươi, sôi nổi hay say đắm, sâu lắng… như hòa mình vào chính tâm trạng, suy nghĩ của ông lúc đó. 

Thổi bằng miệng thông thạo, ông nghĩ ra cách thổi bằng mũi. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông có thể thổi sáo bằng một bên lỗ mũi, sau rồi là thổi hai chiếc sáo cùng lúc bằng hai bên lỗ mũi một cách dễ dàng. Ông bắt chước được cả tiếng động vật, tiếng đồ vật, tiếng lá cây xào xạc... vô cùng tài tình.

Say mê thổi sáo, ông có thể thổi được hàng trăm bài hát và thổi liên tục cả ngày mà không biết mệt, thổi đến khi nào khát nước, uống xong là lại thổi được ngay. Người làng biết chuyện của ông, đều cho rằng đó là “thiên phú”, ông được “trời thương” vì tuổi thơ bất hạnh, bần cùng của mình. Đến nay, đã có nhiều người xin ông theo học thổi sáo nhưng chưa có ai thành tài, con cháu ông cũng không kế thừa được tài năng đó.

Hồi còn trẻ, không chỉ thổi sáo hay, ông Nâu còn có thể kéo được đàn bầu, đàn nhị, chơi ghita, làm sáo rất khéo. Nhớ về kỉ niệm thời trai trẻ, ông chia sẻ thêm: “Năm 1962, tôi làm công nhân ở xí nghiệp bên nội thành. Vốn tính nghệ sĩ, tôi hay chơi nhạc đến đêm khiến anh em cùng phòng mất ngủ. Thế là họ bàn nhau cắt dây đàn, phá ghita của tôi. Sau cùng, tôi làm sáo thổi chơi, khi chán thì giắt ống sáo vào sau gáy rồi ngủ khiến họ không phá được. Kể từ đó, cây sáo “bầu bạn” với tôi cho tới tận bây giờ”.

Tiếng sáo Trương Chi

Tiếng sáo khiến cuộc đời ông Nâu vui tươi hơn và cũng nhờ nó, ông đã tìm được “mảnh ghép” còn thiếu của cuộc đời mình. Ông tự ví tiếng sáo của mình là “tiếng sáo Trương Chi”, tự ví mình giống chàng Trương Chi nghèo khó mà may mắn lấy được vợ đẹp, sống hạnh phúc.

Ông kể: Vợ ông - bà Lê Thị Kiến là một cô gái có nhan sắc, là cháu gái ông Tổng Lan (thuộc hàng quan to nhất nhì huyện Thủy Nguyên). Thuở đó, mỗi lần anh chàng Phạm Văn Nâu đi đến đâu là mọi người, đặc biệt là mấy cô thôn nữ đều vây quanh, chăm chú lắng nghe tiếng sáo thổi bằng mũi trong trẻo, tha thiết, say đắm lòng người của ông.

Say mê điệu sáo của chàng trai mới lớn đang căng tràn sức xuân, bà Kiến đem lòng yêu anh chàng đạp xích lô nghèo khó ấy dù có rất nhiều người theo đuổi, ngỏ lời muốn lấy làm vợ. Mặc lời dè bỉu, dèm pha của bạn bè, làng xóm, bà vẫn quyết lấy ông và sinh cho ông 5 người con kháu khỉnh. Hiện nay, bà Kiến đã mất, con cái đều thành đạt, ông Nâu ở một mình. Hàng ngày, ông lấy tiếng sáo bầu bạn, ôn lại kỉ niệm về mối tình đẹp thời xa xưa.

Ông đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, từ Bắc vào Nam, sang tận cả nước ngoài. Đi đến đâu, ông cũng được mọi người ngưỡng mộ, thích thú trước biệt tài của mình. Ông kể lại một kỉ niệm vui khi đến Huế biểu diễn: “Có lần, tôi với một cô ca sĩ người Huế cùng xướng một điệu dân ca trên sông Hương. Khi tôi thổi sáo, cô ấy vừa đánh đàn vừa mải mê lắng nghe. Đến khi kết thúc, cô ấy mới rỉ tai tôi khẽ cười nói: Bác thổi sáo hay quá khiến cháu quên mất một nhịp đàn”.

Nhờ tiếng sáo trở thành ông lang

Năm 1967, ông Nâu đi bộ đội, đóng quân ở Thanh Hóa, sau đó lên Lạng Sơn. Trong lúc ngồi buồn, ông thổi bài “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”. Chẳng ngờ, tiếng sáo ấy được lão lang nổi tiếng khắp vùng yêu mến và ngỏ ý gả con gái cho. Ông khéo léo từ chối vì đã có vợ con ở quê nhà nên được người đó truyền lại nhiều bài thuốc bí truyền chữa về răng, xương khớp... bằng thảo dược.

Ông bồi hồi ngồi ôn lại kỉ niệm xưa
Ông bồi hồi ngồi ôn lại kỉ niệm xưa

Trở về quê nhà, ông bắt đầu áp dụng những bài thuốc cổ truyền đó để giúp người quen chữa bệnh. Đến nay, ông đã có kinh nghiệm hơn 30 năm dùng thuốc Nam, chữa trị cho hàng nghìn người khắp các tỉnh từ: Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa…

Các bài thuốc dân gian của ông tuy đơn giản mà hiệu nghiệm, giúp nhiều người thoát khỏi cảnh tàn tật hay mang vết sẹo bỏng xấu xí suốt đời. Mỗi một bệnh nhân chữa khỏi đều muốn ghi lại bút tích cảm ơn ông. Vì vậy trong nhà ông hiện còn lưu trữ hàng chục quyển sổ ghi tên như vậy.

Hàng ngày, ông thích chăm sóc vườn thuốc Nam sau nhà của mình và dành thời gian học hỏi, sưu tầm thêm nhiều bài thuốc hay. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông vẫn lạc quan, vui vẻ sống. Sáng sáng, trong lúc tập thể dục, ông thường đem theo “người bạn” thân thiết của mình để vừa đi vừa thổi cho mọi người cùng nghe, đồng thời cũng là để luyện lấy hơi dài.

Ông chia sẻ: Tiếng sáo là niềm vui sống của ông. Nó giúp ông có được nhiều may mắn, mối nhân duyên tốt trong cuộc đời. Nhờ nó, ông quên đi mọi nỗi buồn, những tệ bạc, xấu xa mà người khác từng đối xử với mình. Tiếng sáo như người tri kỉ gắn bó suốt cuộc đời với ông.

Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông