15:48 13/05/2024 Chiều 13-5, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Cùng dự có lãnh đạo các ngành thành phố và nhiều cán bộ công đoàn.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 28 điều; giữ nguyên 5 điều; thêm mới 4 điều; bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn năm 2012); quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về Công đoàn.
Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới. Trong đó, có những sửa đổi đáng chú ý như điều chỉnh cho phép người làm việc không có quan hệ lao động được gia nhập, hoạt động Công đoàn; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam...; bổ sung các quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; hoàn thiện một số quy định về cơ chế tài chính, pháp luật công đoàn... để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá về các nội dung như: quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam; quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; các quy định của pháp luật Công đoàn nhằm bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới…
Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn; quy định rõ điều kiện bảo đảm hoạt động Công đoàn; tăng thêm biên chế cho tổ chức công đoàn các địa phương (hiện đều quá tải, cường độ làm việc cao); việc sử dụng quỹ tài chính công đoàn…
Các đại biểu cũng có ý kiến cần làm rõ về cơ sở pháp lý cần thiết để giám sát phản biện xã hội của tổ chức công đoàn; chế tài xử lý vi phạm Luật Công đoàn; mối quan hệ bình đẳng hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động…
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết, phù hợp, đặc biệt là có nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động Công đoàn. Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, xuất phát từ thực tế hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tiếp thu, tổng hợp và chuyển tới ban soạn thảo và Quốc hội xem xét./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh