22:52 30/07/2015
“Bắt cóc” được cô ngay sau lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Trung tâm đào tạo vận động viên thành phố Hải Phòng, nhóm phóng viên chúng tôi tranh thủ trò chuyện với nữ vận động viên TDDC hàng đầu của Việt Nam, người con của đất Cảng - Phan Thị Hà Thanh. Trái với sự rắn rỏi, dứt khoát, chuẩn xác trong từng động tác, tư thế khi biểu diễn trên đấu trường trong nước và quốc tế, ngoài đời Hà Thanh khá nhẹ nhàng, rụt rè và dường như có cả cái vẻ “ngây ngây” của một người chỉ có niềm đam mê duy nhất là… thể thao. Để trở thành một trong những nữ vận động viên TDDC hàng đầu của Việt Nam như hôm nay, Hà Thanh không giấu diếm với phóng viên: Ngày bé, em tham gia giải phong trào môn thể dục dụng cụ (TDDC) ở Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Lúc đầu chỉ là tập cho vui thôi, sau đó một năm thì các thầy cô chính thức cho tập bài bản. Vì sợ đau, em đã giả vờ khi thì đau bụng, khi thì kêu mệt để trốn tập, nghỉ ở nhà gần một tháng trời. Biết vậy, các thầy cô đã đến động viên, sau đó em mới trở lại lớp học cùng các bạn. Năm 12 tuổi, Hà Thanh chính thức gia nhập Đội tuyển TDDC quốc gia và bắt đầu bước vào hành trình những ngày khổ luyện, xa nhà. Hà Thanh tâm sự: Ngày ấy em vừa là người nhỏ tuổi nhất và cũng là vận động viên duy nhất người Hải Phòng nên thấy buồn lắm, nhớ nhà nên khóc suốt, bố mẹ và em trai phải thường xuyên lên động viên. Còn bây giờ thì Hà Thanh cười, giọng đầy tự tin: “Bố mẹ chỉ gọi điện thoại hỏi thăm xem em ăn uống, tập luyện thế nào thôi. Em đã lớn và tự lập hơn nhiều rồi”. Nữ vận động viên cho biết, mỗi ngày em dành từ 5-6 tiếng để tập luyện, mỗi tuần chỉ được nghỉ từ chiều thứ bảy đến hết ngày chủ nhật thì lại phải lo học văn hóa, nên thời gian rảnh rỗi cũng không nhiều. Năm nào lịch thi đấu dày đặc, tập trung ở nước ngoài đến cả 2 tháng thì em chỉ về quê được 1-2 lần. Tuy vậy, Hà Thanh quả quyết: Nhớ nhà vẫn có thể gác lại, quan trọng là tập luyện để có được thành tích cao. Em tâm sự: Những lời động viên của thầy cô, bố mẹ, các bác tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia luôn nhắc nhở em mỗi khi lên đường thi đấu và cũng là động lực để em luôn cố gắng đạt được thành tích cao, không phụ lòng mong mỏi của mọi người. Khi ấy, em thường được cô Thúy (huấn luyện viên Nguyễn Thị Thanh Thúy) thưởng cho bộ quần áo thi đấu mới. Cô cũng vất vả vì chúng em lắm, hai em nhà cô đều đang tuổi ăn, học, thi cử nhưng cô cũng chỉ có thể dạy dỗ, chỉ bảo qua điện thoại thôi. Trong lúc trò chuyện, người viết nhận thấy hai cánh tay của cô bé mới 24 tuổi có các đường gân xanh nổi gờ lên rõ nét. Như hiểu được ý phóng viên, Hà Thanh xoa tay chia sẻ: Thế mạnh của em là có đôi chân khỏe, còn tay thì hơi yếu nên cũng phải tập luyện nhiều hơn. Em rất ngại môn xà lệch. Mặc dù có điểm mạnh là đôi chân, song Hà Thanh cũng đang gặp những chấn thương ở đầu gối mà em đang phải nén đau khắc phục, vượt qua. Các bác sỹ chẩn đoán em bị sưng phù tủy xương, dãn dây chằng và thường xuyên tràn dịch gối. Ngay trước khi thi đấu tại Seagame, Hà Thanh đã bị đau dữ dội, có đêm không thể ngủ được, nhưng nghĩ đến công sức của cả ban huấn luyện bỏ ra cả năm trời nên em lại cố gắng để hoàn thành tốt bài thi. Cống hiến những động tác uyển chuyển, đẹp mắt la vậy nhưng mấy ai biết được Hà Thanh vẫn đang phải nén những cái đau nhói đến tận óc để mỉm cười với ban giám khảo, để rồi đón nhận những chiếc huy chương lấp lánh, tự hào đấy nhưng cũng đong đầy nước mắt, đau đớn của khổ luyện, nghị lực. Được biết, đến nay qua 5 kỳ Seagame, em đã đoạt 8 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ, một thành tích đáng nể khiến không ít vận động viên nước ngoài, dù cao hơn Hà Thanh cả cái đầu, song vẫn phải…ngước nhìn! Trước câu hỏi của phóng viên: Em có tủi thân khi thấy các vận động viên của điền kinh, bơi lội được các nhà tài trợ quan tâm? Hà Thanh rụt rè trả lời: Chỉ một chút thôi ạ, điều quan trọng đối với chúng em là thi đấu và có thành tích! Về dự định cho tương lai, Hà Thanh có chút ngậm ngùi: Em nỗ lực giành vé vào thi đấu Olympic Rio 2016, sau đó điều trị dứt điểm chấn thương. Điều đó cũng đồng nghĩa việc giữ phong độ thi đấu đỉnh cao của em cũng sẽ không còn nữa. Em sẽ theo nghề của cô (cô Thúy - huấn luyện viên hiện tại của Hà Thanh). Tại đội tuyển TDDC bây giờ cũng đã có thêm 3 em ở Hải Phòng lên học tập trung. Sau khi tập luyện xong phần của mình, bằng kinh nghiệm, em vẫn dành thời gian để chỉ bảo cho các em hoặc động viên khi các em nhớ nhà, giống như mình trước đây. Cuộc trò chuyện kết thúc khi đã hơn 12 giờ trưa, từ chối bữa cơm với các anh chị tại Trung tâm đào tạo vận động viên TP, Hà Thanh vội vã về nhà ăn bữa cơm với gia đình để một rưỡi chiều lên Hà Nội tập trung. Năm 2014 là năm thứ tư liên tiếp, Phan Thị Hà Thanh được chọn là gương mặt tiêu biểu của thành phố. Đây cũng là thành quả tất yếu của quá trình lao động cật lực, nghiêm túc của bông hồng thể thao đất cảng. PV
|
13:05 27/12/2024
08:33 16/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh