11:21 04/08/2017 11h45 phút trưa ngày 28-7, vụ TNGT nghiêm trọng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cướp đi cuộc sống của ông Đỗ Bá Lý, ở số 72, ngách 72, ngõ 92, đường Đại học Dân lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Cũng từ đó, hình ảnh ông già ngồi kéo đàn vỹ cầm quen thuộc trên đường phố Hải Phòng trong suốt 5 năm qua đã trở thành hoài niệm, đem đến sự nhớ thương, tiếc nuối cho những ai yêu mến tiếng đàn và cảm thông với câu chuyện buồn của “người nghệ sỹ trong lòng dân”…
Cả cuộc đời ông Đỗ Bá Lý gắn bó với mảnh đất Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở nội thành, trong ngõ Lý Tiêm khi xưa. Thời niên thiếu, ông được gia đình dạy dỗ, giáo dục hết sức bài bản.
Vì nhà có điều kiện nên ông được bố mẹ mời thầy về dạy nhiều nhạc cụ, trong đó có đàn vỹ cầm (violin). Lớn lên là thanh niên hào hoa phong nhã, ông được nhiều cô gái trẻ đem lòng say mê.
Ông lấy vợ từ sớm, sinh liền tù tì 3 đứa con. Nhưng cuộc đời không chiều lòng người, vợ ông không may qua đời vì bệnh tim, bỏ lại cho ông 3 đứa con thơ. Đang là nhạc công của Đoàn ca kịch Hải Dương, ông đành bỏ việc về Hải Phòng tìm kế sinh nhai, nuôi đàn con dại. Thế rồi, ông gá nghĩa với bà Lâm Thị Hải, một phụ nữ bất hạnh, cũng từng “qua một lần đò”, một nách nuôi 3 đứa con. Vậy là “con anh con tôi” tổng cộng 6 đứa, đang trong thời bao cấp khó khăn, ông bà không dám sinh con chung mà chỉ một mực tảo tần sớm khuya nuôi các con khôn lớn thành người.
Thế nhưng, bố mẹ nghèo con khó, các con ông cũng gặp cảnh không may, cuộc sống eo hẹp, giật gấu vá vai, cũng không giúp đỡ được nhiều cho bố mẹ. Không muốn phụ thuộc, dựa dẫm thành gánh nặng cho các con, 2 ông bà lặng lẽ thuê nhà trọ ở phường Dư Hàng Kênh, lặng lẽ làm mọi việc có thể để duy trì cuộc sống tằn tiện, tối thiểu hàng ngày.
Nhưng rồi một tai hoạ không ngờ ập đến. Cuối năm 2013, bà Hải lúc đó đang làm nghề bán rau, một sớm cất hàng ra chợ không may bị xe máy đâm gãy chân. Vợ nằm viện triền miên cùng thuốc men tốn kém đã khiến cho chút vốn liếng dành dụm cuối cùng nhanh chóng tiêu tan, bí quá, ông Đỗ Bá Lý đành “muối mặt” ra chợ đàn sáo để kiếm thêm chút tiền trang trải.
Ông Lý kể, ban đầu ông thổi sáo trúc, nhưng được vài hôm do sức khoẻ kém, làn hơi yếu, ông không thổi sáo được nữa. May sao lúc ấy có người bạn cùng làm nhạc công thủa trước cho mượn 1 cây đàn vỹ cầm.
Vậy là hàng ngày, bất kể nắng mưa, ông kéo vỹ cầm ngoài đường, sống nhờ vào lòng hảo tâm của thiên hạ.Duy có điều lạ, mặc dù cơ cảnh bần hàn, nhưng mỗi lúc ra đường chơi đàn, ông vẫn đội mũ phớt, mặc áo măng-tô, có lúc còn diện kính đẹp, và tuyệt đối không ngửa tay xin ai đồng nào. Vì thế có người lầm tưởng ông là “đại gia” hay một nghệ sỹ tay ngang, chơi đàn cho vui, không ai để ý cho tiền.
Một sự kiện làm thay đổi cuộc đời của Đỗ Bá Lý, đó là vào tháng 4 năm 2014, Báo An ninh Hải Phòng đăng phóng sự “Những giai điệu của tình yêu thương” và sau đó là nhiều báo chí khác cùng mạng xã hội đăng tải câu chuyện về ông, người dân mới thấu hiểu, cảm thông và giúp đỡ ông nhiều hơn.
May mắn hơn, kể từ khi câu chuyện về cuộc đời nghệ sỹ Đỗ Bá Lý được báo chí, mạng xã hội biết đến, đã có nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ mong ông vượt qua khó khăn. Chính quyền địa phương nơi ông Lý thuê trọ xếp hộ gia đình thuộc diện khó khăn, mua Thẻ BHYT dành cho người nghèo, tặng quà ông bà mỗi dịp lễ tết.
Sau đó, Trường THPT nhiều cấp Hai Bà Trưng, toạ lạc tại Cung văn hoá thiếu nhi thành phố đã dành hẳn 2 phòng giúp ông chiêu sinh 2 lớp dạy đàn vỹ cầm cho các cháu thiếu nhi và sinh viên đại học, để ông kiếm thêm thu nhập. Một số hội nhóm thiện nguyện cùng các nghệ sỹ tặng ông 15 cây đàn vỹ cầm để ông có đạo cụ dạy dỗ các cháu.
Tuy nhiên, thu nhập từ dạy đàn không đáng là bao vì ông lấy học phí rất thấp, nên ngoài giờ dạy trên lớp, ông vẫn ra ngoài vỉa hè kéo đàn, như là một thói quen, như là cách ông trả ơn những người đã giúp vợ chồng ông trong cơn khốn khó…
Sau khi ông qua đời, đám tang của ông Đỗ Bá Lý là một tang lễ hết sức đặc biệt, gây xúc động mạnh mẽ cho không chỉ những người tham dự. Dòng người đến viếng ông lên đến cả ngàn người, đa số là các bạn trẻ không quen biết nhưng yêu quý tiếng đàn của ông. Hàng chục bài viết trên báo chí, hàng trăm status, hàng ngàn lượt comment chia sẻ trên mạng xã hội bày tỏ nỗi tiếc nhớ đến ông. NSUT Nguyễn Văn Lượng, Phó giám đốc Đài PTTH Hải Phòng vì bận công tác đã gửi lẵng hoa đến viếng và bày tỏ trên trang facebook cá nhân: “điệu đàn khàn khàn da diết của ông Lý khi thấm đẫm nỗi nhân tình, khi bay bổng đầy ước mơ và khát vọng”.
Cảm động nhất, trong lễ tang của ông, nhóm nghệ sỹ violin thành phố do nghệ sỹ Nguyễn Thị Thu Thảo (Trường cao đẳng nghệ thuật du lịch Hải Phòng), bác sỹ Phạm Hải cùng các cựu sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và các học trò cũ của ông đã chơi những bản nhạc quen thuộc mà ông vẫn thường đàn trên phố, như là một nghĩa cử tri ân người nghệ sỹ hết lòng đam mê với nghệ thuật và tình yêu thiết tha với cuộc sống.
Tiếng vỹ cầm chơi bài “Bèo dạt mây trôi” của các nghệ sỹ và học trò trong lễ tang của ông đã nói hộ nỗi lòng của rất nhiều người yêu mến Đỗ Bá Lý - người nghệ sỹ cả đời đau đáu với những giai điệu của tình yêu thương: “Người đi xa có nhớ/Là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời/Sao chẳng thấy đâu…”.
Thế Khoa
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết