09:19 16/05/2020 Những biến động về kinh tế, chính trị trên toàn cầu, nhất là giai đoạn cuối năm 2019 đến nay, đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư kinh doanh trong cả nước nói chung, đem đến những thách thức cho sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng và Nhựa Tiền Phong nói riêng. Song, với sự năng động, sáng tạo, tập thể CBCNV Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã vững vàng trước sóng cả, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2019 và quý 1-2020, tạo tiền đề đạt mục tiêu doanh thu 5100 tỷ đồng và lợi nhuận 465 tỷ đồng, đánh dấu cột mốc tròn 60 năm xây dựng và phát triển trong năm 2020.
Theo ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ, trong suốt quá trình hình thành và xây dựng thương hiệu, Nhựa Tiền Phong đã không ít lần tận dụng những cơ hội phát triển nhưng cũng đương đầu với vô vàn thách thức đến từ nhiều phía.
Song, Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Công ty đã nỗ lực không ngừng, biến thách thức thành động lực để đạt được những kết quả đáng khích lệ và tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu.
Cụ thể, trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, công ty đã triển khai đồng loạt các giải pháp, toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm mới, quản trị nguồn lực và hệ thống…
Ngoài việc duy trì hoạt động sản xuất tại ba nhà máy ở Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương, cuối năm 2019 Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam cũng đã khánh thành nhà máy thứ hai tại khu đất liền kề có diện tích 11ha với tổng giá trị đầu tư gần 500 tỷ đồng, sẽ đáp ứng kỳ vọng nâng cao tổng năng lực sản xuất lên 190.000 tấn sản phẩm/năm, đồng thời góp phần vào tổng doanh thu 2019 gần 6.000 tỷ của Nhựa Tiền Phong tại 03 miền Bắc, Trung, Nam.
Cùng với việc mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh, Nhựa Tiền Phong cũng chú trọng tổ chức các Hội thảo để đưa sản phẩm tới các khách hàng tiềm năng. Trong năm 2019, có 10 hội thảo tỉnh được tổ chức với sự tham dự của hơn 5.000 khách hàng và tháng 12/2019, hội thảo sản phẩm được tổ chức đã giới thiệu đến các đối tác, nhà khoa học, nhà quản lý…
Nhiều sản phẩm mới với tính năng đa dạng, chất lượng tốt, đón đầu xu thế trong nước và khu vực, phụ tùng uPVC theo tiêu chuẩn ISO 3633, ống uPVC lõi xoắn, van Zacco PVC công nghệ Nhật… đã góp phần hiện thực hoá chiến lược phát triển của Nhựa Tiền Phong trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Công ty cũng phát triển hệ thống phân phối với 09 trung tâm phân phối, gần 400 đại lý và khoảng 16.000 cửa hàng trên toàn quốc với các chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng, nêu cao chữ Tín….đã giúp thương hiệu Nhựa Tiền Phong có mặt trên mọi nẻo đường với hàng triệu công trình lớn nhỏ, từ đó phát triển doanh thu và sản lượng tiêu thụ.
Càng khẳng định vị thế trên thị trường thì Nhựa Tiền Phong càng có trách nhiệm với người tiêu dùng và cộng đồng. Thời gian qua, Công ty đã làm tốt công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi các đơn vị bán hàng cũng như của người tiêu dùng trực tiếp.
Từ việc theo dõi, tích cực phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật triệt phá các vụ án làm giả tinh vi sản phẩm nhựa ghi thương hiệu Tiền Phong tại các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… tiêu huỷ hàng ngàn sản phẩm ống nhựa kém chất lượng, đưa ra xét xử nhiều đối tượng có hành vi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, công ty vẫn tiếp tục duy trì, đồng hành với nhiều chương trình thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước, tiêu biểu là chương trình Cầu nối Yêu thương xây cầu dân sinh phục vụ cho các cháu thiếu niên nhi đồng đến trường và cuộc sống của người dân trên toàn quốc với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại các địa phương.
Với những nỗ lực kể trên, năm 2019 và quý 1-2020 Nhựa Tiền Phong đã đạt được những kết quả đáng mừng, là nguồn động viên, khích lệ của hơn 1.300 CBCNV công ty. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất năm 2019 của doanh nghiệp đạt xấp xỉ 4.760 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 471,2 tỷ đồng. Còn quý 1-2020, trong khi đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao với hàng nghìn nhà máy, doanh nghiệp phải giãn, ngừng sản xuất, hàng triệu lao động mất việc làm thì Nhựa Tiền Phong vẫn đạt gần 960 tỷ doanh thu và lợi nhuận trước thuế suýt soát 85 tỷ đồng.
Việc tăng lợi nhuận trong bối cảnh trên, một phần là do giá nguyên liệu đầu vào giảm, và phần quan trọng nữa là doanh nghiệp đã nhận định và sự chủ động trong dự trữ nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất trong khoảng thời gian đang nhiều biến động này.
Song, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nửa cuối năm 2020 kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa cũng sẽ đầy cam go.
Tuy nhiên, đây sẽ là thời điểm mà toàn thể CBCNV Nhựa Tiền Phong sẽ phải ưu tiên hơn cho hoạt động kinh doanh, với nhiều chính sách phù hợp dành cho khách hàng, đồng lòng thực hiện các biện pháp để đạt mục tiêu doanh thu 5.100 tỷ đồng trong năm 2020 và đưa thương hiệu Nhựa Tiền Phong ra thị trường quốc tế./.
Kim Oanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh