09:34 10/12/2024 Ngày 26-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Đây là tin vui đối với nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và bất cập cản trở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trừ trường hợp quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 Luật này và khoản 3 Điều này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Nâng mức doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh lên 200 triệu đồng/năm
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2026, cá nhân, hộ kinh doanh thu trên 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), tăng 100 triệu đồng so với hiện hành.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu đưa ra mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng một năm, số hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giảm khoảng 620.653 hộ, tương đương mỗi năm ngân sách giảm thu 2.630 tỷ đồng. Số hụt thu ngân sách tăng lên 6.383 tỷ đồng nếu nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế lên 300 triệu đồng một năm.
Do đó, để đảm bảo mức điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013 đến nay, ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh được "chốt" là 200 triệu đồng một năm. Đây cũng là ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường và được Ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào dự án Luật.
VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, tức là, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ thu hộ người mua cuối cùng thuế này, khi họ bán hàng hóa, dịch vụ.
Ngưỡng chịu thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh tăng lên 200 triệu đồng một năm kéo theo đối tượng nộp thuế ít đi, khoảng 620.653 hộ. Việc tăng ngưỡng chịu thuế này, theo chuyên gia, phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021.
Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Trước đó, Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền điều chỉnh mức doanh thu này nhằm bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp tình hình thực tế. Song theo phiếu lấy ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, trên 63% đồng ý ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với hộ, cá nhân kinh doanh là 200 triệu đồng một năm.
Chốt áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón
Một điểm mới khác rất đáng quan tâm là tại Luật Thuế GTGT (sửa đổi), mặt hàng phân bón sẽ áp thuế suất 5%.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, có nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế 5% đối với phân bón. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành; có ý kiến đề nghị áp dụng thuế suất 0% hoặc 1%, 2%. Có ý kiến đề nghị đánh giá toàn diện tác động của quy định này đối với nông dân và sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản. Có ý kiến lo ngại về khả năng doanh nghiệp trục lợi chính sách, nâng giá bán làm ảnh hưởng đến nông dân.
Giải đáp về ý kiến đề xuất đưa phân bón vào diện áp dụng thuế suất VAT 0% (hoặc 1%, 2%), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% thì sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì đều sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế VAT đầu ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm Nhà nước sẽ phải bỏ ra ngân sách để hoàn thuế cho các doanh nghiệp.
Ngoài yếu tố bất cập đối với ngân sách nhà nước (NSNN), việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế VAT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác.
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định thêm mức thuế suất 2% sẽ phải kết cấu lại Luật Thuế giá trị gia tăng như thiết kế khoản riêng về mức thuế suất, bổ sung quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này.
Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành như đã được giải trình với các đại biểu Quốc hội. .
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28/10/2024, UBTVQH đã giải trình, báo cáo về tác động đối với việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Chính phủ cũng đã có công văn số 692/CP-PL bổ sung giải trình và cung cấp số liệu minh chứng cụ thể.
Để thể hiện đúng quan điểm của Quốc hội trong việc xử lý vấn đề trên, ngày 26/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến ĐBQH về 2 phương án, một là áp thuế suất 5%, hai là giữ nguyên như quy định hiện hành. Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, 72,67% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo hướng quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản. Do đó, nội dung này đã được thể hiện tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật.
Là một doanh nghiệp bấy lâu mong chờ quyết định này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty CP DAP Vinachem phấn khởi cho biết, đây là sự thay đổi dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững của nền sản xuất tự chủ, tránh sự lệ thuộc quá mức vào mặt hàng nhập khẩu, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% là phù hợp với bản chất của thuế GTGT trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra. Việc này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam khi sửa đổi luật thuế GTGT (mở rộng phạm vi chịu thuế để đảm bảo tính hệ thống); phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Nhưng quan trọng hơn cả là doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón tác dụng cao, phân bón thế hệ mới sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất trong nước sẽ làm giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.
Cùng với đó, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT, đưa phân bón trở lại là mặt hàng chịu thuế GTGT, để tạo môi trường về thuế và cạnh tranh bình đẳng, tạo tiền đề giảm giá thành và giá bán phân bón.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy một thời kỳ mới đối với ngành sản xuất phân bón trong nước; thị trường phân bón bắt đầu, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp và nông dân.
Không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ kinh doanh thương mại điện tử
Làm rõ về ý kiến đề nghị không miễn các loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử và đề nghị quy định rõ nội dung trong Nghị quyết chung của kỳ họp về việc chấm dứt Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, UBTVQH cho biết, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử bán hàng vào Việt Nam với giá trị rất nhỏ, rất thấp, rất rẻ và rất cạnh tranh.
Do đó, UBTVQH đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về việc thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử trong cả dự thảo Luật Thuế VAT và dự thảo Luật Quản lý thuế để tăng cường hiệu quả quản lý thu thuế.
Tuy nhiên, nếu Quyết định số 78/2010/QĐ-TTG chưa chấm dứt hiệu lực thi hành thì các nội dung sửa đổi của Luật Thuế VAT và Luật Quản lý thuế sẽ chưa thể phát huy hiệu lực để bảo đảm việc thu thuế đối với thương mại điện tử.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp, yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.
Trước mắt, chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hoá vào Việt Nam.
Hồng Thanh
15:07 08/01/2025
15:06 08/01/2025
13:56 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh