16:39 07/06/2014
Hôm vừa rồi, tôi có dịp đến Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để thăm một đứa cháu bị mắc sởi. Được tận mắt chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ vật vã khóc thét lên vì đau đớn, tôi thấy lòng mình như quặn lại. Cạnh đó là những người mẹ, người cha hết sức lo lắng, vỗ về động viên con trẻ. Chắc hẳn rằng, những đứa trẻ chẳng may mắc bệnh này sẽ sớm được chữa khỏi bởi sự tận tình chăm sóc của người thân và các y bác sỹ bệnh viện, để rồi các bé lại có thể cất tiếng cười hồn nhiên trong vòng tay yêu thương của bậc sinh thành. Thế nhưng, đâu đó ở ngoài kia vẫn có không ít trẻ em còn chịu nhiều bất hạnh, thiếu đi sự dìu dắt quan tâm của người thân, thậm chí nhiều em còn bị đánh đập, bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục… Nước mắt trẻ thơ Không thể phủ nhận rằng, trẻ em ngày càng có cuộc sống tốt hơn. Các em không chỉ được chăm sóc đầy đủ về thể chất, mà có đời sống tinh thần hết sức phong phú. Nhiều em được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, hiện đại, qua đó phát huy trí tuệ, sự sáng tạo để trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội. Song không phải đứa trẻ nào cũng gặp may mắn, ngược lại, nhiều em có cuộc sống lay lắt, côi cút rất đáng thương… Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, ưu tư khi tâm sự về nhiều hoàn cảnh éo le của những đứa trẻ chẳng may có bố, mẹ sa vào tệ nạn xã hội, nghiện ngập để rồi trút bất hạnh lên chính con cái họ. Như gia cảnh của bà Phạm Thị K. (70 tuổi), ở tổ Phạm Phú Thứ 2, là một ví dụ. Bà K. có một người con trai năm nay đã trên 40 tuổi nhưng đã làm bạn với ma túy hơn hai chục năm nay… Hơn 2 thập kỷ và cũng chừng ấy thời gian qua, người con trai bà K. đã lấy của người mẹ già không biết bao nhiều nước mắt đau khổ và sự tủi nhục. Tài sản khánh kiệt cùng với đứa con thân tàn ma dại khiến bà K. không dám ngước mắt nhìn thiên hạ, bà cứ lầm lũi, chán chường sống qua ngày, đoạn tháng. Điều đáng nói, tuy hư hỏng, sa đọa như vậy nhưng người con trai của bà K. lại rất đào hoa, anh ta có đến 3 đời vợ. Song tất cả đều cuốn gói ra đi, bỏ lại cho người chồng nghiện ngập hai đứa con thơ dại. Không trông mong gì vào tương lai của đứa con nghiện “xì ke”, bà K. dành hết tâm lực của mình để nuôi dạy hai đứa cháu, những mong chúng không đi theo vết xe đổ của bố, mẹ nó. “Sống trong môi trường thiếu đi bóng dáng người mẹ, lại hàng ngày đối diện với người cha nghiện ma túy, hai đứa cháu của bà K. thấy mặc cảm, tự ti lắm, nhất là đứa cháu gái (năm nay đã học lớp 11), trừ những khi lên lớp, cháu ít khi tiếp xúc với ai, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, thật tội nghiệp. Còn cháu trai (12 tuổi) thì lại rất hiếu động, nghịch ngợm, nếu không được dạy dỗ đến nơi đến chốn rất dễ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu ngoài xã hội… Thế nên Hội phụ nữ phường Hạ Lý thường xuyên cử người qua lại thăm hỏi, động viên bà K., vận động con trai bà đi cai nghiện; cho vay, hỗ trợ vốn để bà K. mở rộng chăn nuôi lợn, nuôi dạy các cháu ăn học” - chị Thu chia sẻ. Một gia đình khác cũng có hoàn cảnh hết sức thương tâm, đó là nhà bà Nguyễn Thị Ng (65 tuổi, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Trò chuyện với phóng viên, người đàn bà khắc khổ này không giấu được những giọt nước mắt lăn dài trên má. Bà kể: “Tôi sinh được 2 thằng con trai, thằng nào cũng khôi ngô, tuấn tú lắm. Thế mà, khi cơn bão ma túy quét qua, hai thằng con tôi bị cuốn vào đó. Rốt cuộc, một đứa chết cách đây đã 8 năm vì “ết”, còn thằng út đang sống dặt dẹo. Chồng thì mất sớm, con cái như vậy, thân già này giờ chỉ biết bám víu, hi vọng vào 3 đứa cháu nội cũng đang lay lắt vì nghèo đói. Đồng lương (công nhân môi trường nghỉ chế độ) được triệu tám không đủ nuôi các cháu, lại thường xuyên bị thằng út rút lõi, khổ lắm. Dù đã rất cố gắng làm lụng thêm nhưng lo ăn cho các cháu được bữa đực, bữa cái, còn chuyện học hành không biết xoay xở vào đâu đây. Chu cấp cho chúng nó đi học là rất khó, nhưng để chúng ở nhà, sinh ra chơi bời lêu lỏng, lại khổ cho chúng và cả mình nữa, nhưng mà lực bất tòng tâm thôi. Đã thế thằng con trời đánh lắm lúc phê thuốc về nhà hành hạ lũ nhóc, tôi can nó còn đánh lại mình. Chỉ thương mấy đứa cháu mỗi lần thấy bố là chết khiếp, khóc không thành tiếng”. Theo bác sỹ Trần Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS thì những hoàn cảnh như gia đình bà Ng. và bà K. ở Hải Phòng là không ít và những đứa trẻ chẳng may sinh ra trong những môi trường như vậy rất thiệt thòi nên rất cần được cộng đồng xã hội và các tổ chức nhân đạo, từ thiện quan tâm giúp đỡ. Đây cũng là lý do vì sao trong hai năm 2013 và 2014, với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS đã triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ ông bà chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Hải Phòng” trên địa bàn 2 quận Lê Chân và Hồng Bàng. Qua hoạt động của dự án, hàng trăm trẻ có cha, mẹ bị nhiễm HIV được quan tâm, hỗ trợ vật chất, tinh thần, hướng nghiệp, giúp các em vơi bớt khó khăn, hòa nhập cộng đồng và sống lành mạnh. Để trẻ em như búp trên cành! Bác sỹ Trần Thanh Thủy đã nhiều năm làm công tác xã hội, từ thiện. Đối tượng bà hướng tới là những trẻ em nghèo, bất hạnh. Thương các em bao nhiêu, bà oán trách những người gây bất hạnh cho trẻ em bấy nhiêu. Bà bảo: “có thể những bậc cha mẹ vì mải làm ăn mà thiếu đi sự chăm sóc con cái đáng trách đã là một nhẽ, đằng này có người đang tâm vứt bỏ đứa con khi mới lọt lòng thì đúng là quá độc ác. Như tháng trước đây, khoảng 6h ngày 22-5, một số người dân ở ngõ Nguyễn Tường Loan, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân, phát hiện xác bé trai sơ sinh quấn trong cái áo cũ đặt ở mép đường. Thật là chua xót, trong khi nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn mong mỏi sinh một đứa con không được, đằng này có được con trai khôi ngô thế mà nỡ lòng nào bỏ đi”…
Bác sỹ Thủy suy đoán đứa trẻ bất hạnh kia có thể là kết quả của một mối tình trẻ con vụng dại, đã vượt quá giới hạn. Song hành động bồng bột đi vứt bỏ chính đứa con của mình thì không thể chấp nhận. Đây có lẽ là hậu quả của việc không chú tâm giáo dục nhân cách tuổi mới lớn của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhiều khi họ chỉ biết sinh ra những đứa con, nhưng lại chẳng hề dạy dỗ. Đó là lý do tại sao đâu đó ta vẫn bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ lang thang làm đủ nghề để kiếm sống. Mưu sinh khó khăn, lại thiếu kiến thức xã hội, thiếu khả năng tự vệ nên các em dễ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu, những mối quan hệ không lành mạnh, và đây cũng chính là nguy cơ khiến các em sa vào tệ nạn xã hội, thậm chí trở thành tội phạm nguy hiểm… Thế nên mới có chuyện tội phạm tuổi vị thành niên đang gia tăng đến mức báo động… Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được lấy chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” đang được các cấp, ngành, địa phương hưởng ứng. Vâng, bạo lực trẻ em đã và đang vấn đề gây bức xúc trong xã hội, bởi theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho thấy, các vụ xâm hại và bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng 7 lần, trong trường học tăng 12 lần so với 10 năm về trước. Ước tính mỗi năm, cả nước có khoảng 7 nghìn đến 8 nghìn vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Riêng tại Hải Phòng, năm 2013 có 14 cháu bị xâm hại tình dục và 15 cháu bị ngược đãi, bạo hành. Đây cũng chỉ là số vụ bị phát hiện và được trình báo, còn số vụ thực tế thì còn cao hơn nhiều… Ðã đến lúc phải trả lại sự hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ cho các em. Phải để các em được sống yên lành trong một môi trường không bạo lực. Và hãy để các em được là “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”… Quảng Bình |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết