02:32 02/02/2017
“Em và con thương nhớ nhiều! Chắc giờ này ở quê ta nhộn nhịp không khí Tết lắm rồi em nhỉ? Thời tiết ngoài mình có rét lắm không em? Anh nghe đài báo quê nhà có rét đậm rét hại mà thương mẹ con em vô cùng. Vậy là cu Tít năm nay đón xuân mà không có bố ở bên. Bố nhớ hai mẹ con nhiều lắm, hai mẹ con có biết không? Em yêu, những ngày này, ai mà chẳng muốn được quây quần cùng gia đình đón năm mới, nhưng anh là người lính, người lính Cảnh sát biển nên anh cùng đồng đội phải cùng con tàu làm nhiệm vụ trực Tết ngoài khơi xa. Đó vừa là sự hy sinh nhưng cũng là trách nhiệm, niềm vinh dự của một người chiến sĩ đối với quê hương, với cuộc sống yên bình của nhân dân, trong đó có gia đình ta, em ạ…!”. Đó là một đoạn trong cuốn nhật ký mà tôi đọc được của trung úy Thành, tàu CSB 8003 trong chuyến công tác vừa qua. Thành chia sẻ, những dòng nhật ký này em viết cho mẹ con cu Tít khi em cùng con tàu thực hiện nhiệm vụ trực Tết tại khu vực đảo Cồn Cỏ với thời gian 45 ngày. 45 ngày trên biển, chỉ có sóng và sóng. Biển vào mùa động, trời thì âm u, trong khi đó ở đất liền khắp nơi đang nô nức đón xuân làm mình nhớ nhà kinh khủng. Tôi nhìn Thành ngỡ ngàng, cứ tưởng giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, điện thoại đa chức năng, máy tính bảng, internet chạy vèo vèo… sẽ bóp chết cái lối viết thư truyền thống cũng như sở thích viết nhật ký một thời của nhiều người. Quả thật tôi đã nhầm. Những người lính biển khi phải xa đất liền, xa phố phường, xa những công nghệ truyền tin hiện đại thì họ vẫn giữ cho mình cái nếp cũ thật bình dị mà thân thương vô cùng. Thiếu tá Thuận, nhân viên máy, chàng trai quê Hải Hậu da đen trũi, dáng người gầy với nụ cười đôn hậu. Anh đã có gần hai mươi lăm năm làm lính tàu, đã từng rong ruổi không biết bao nhiêu chuyến làm nhiệm vụ và cũng có không ít lần đón giao thừa trên biển. Thuận tâm sự: “Những ngày Tết cổ truyền dân tộc, được sum vầy bên người thân, gia đình luôn là điều mong ước của bất kỳ người Việt Nam nào. Song vì nhiệm vụ, không ít người, trong đó có những người lính biển chúng tôi phải đón Tết trên biển khơi. Dẫu rất nhớ nhà, nhớ đất liền nhưng mình cảm thấy tự hào vì đã góp phần mang lại hạnh phúc, bình yên cho đất nước!”. Nghe Thuận tâm sự như vậy làm tôi cũng tự liên tưởng đến mình. Chừng ấy năm sống cùng biển, thức cùng biển nên không chỉ riêng tôi mà cả những đồng đội của tôi ai mà chẳng có một vài lần đón giao thừa trên biển. Thú thực một điều rằng, chúng ta ai chẳng có một quê hương, một gia đình, một mái ấm nên trong sâu thẳm tận đáy lòng, tết nhất không ai là không muốn được trở về nơi chốn ấy. Ngày Tết là ngày đoàn tụ của những người lính quanh năm biền biệt xa quê với mẹ cha, với anh em, vợ con, bạn bè, họ mạc... Nhưng, nếu ai cũng muốn về quê trong những ngày thiêng liêng, ấm cúng ấy thì lấy ai là người thức cùng biển đảo, với con tàu để đón xuân? Nghe tôi hỏi về chuyến trực tết năm vừa rồi, Thuận và Thành hào hứng kể, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng lớn mạnh và không ngừng đầu tư đóng mới nhiều trang bị, phương tiện hiện đại, trong đó có nhiều tàu lớn nên cuộc sống, sinh hoạt của anh em cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã được cải thiện rất nhiều. Trước mỗi chuyến lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, tàu đã được Đảng ủy, Thủ trưởng các cấp quan tâm sâu sát, bảo đảm đầy đủ về chế độ, tiêu chuẩn cũng như các trang thiết bị vật chất, tinh thần khi đón xuân ngoài khơi xa. Trước Tết mấy hôm, anh em trên tàu cũng tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng, trang trí bàn thờ tổ quốc trong câu lạc bộ của tàu. Trong đêm giao thừa, anh em tổ chức đọc thơ, bình báo tường, hái hoa dân chủ làm cho không khí mùa xuân tràn ngập biển khơi. Điều đặc biệt nhất từ trước đến nay là tàu CSB 8003 đã được lắp đặt hệ thống Vinasat nên dù ở biển xa, anh em vẫn theo dõi được truyền hình. Do vậy, mọi xa xôi, cách trở dường như được kéo gần lại. Trong dịp này, tàu đã cập vào âu đảo. Anh em cán bộ, chiến sĩ của tàu được lên chúc Tết chính quyền và bà con nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ, tổ chức giao hữu bóng chuyền, văn hóa văn nghệ. Các hoạt động ấy góp phần làm cho chuyến trực tết thêm nhiều ý nghĩa và làm thắt chặt thêm tình cảm quân dân sâu nặng. Hạ sĩ Khánh tâm sự với tôi về những cảm xúc khi lần đầu tiên ăn Tết trên biển rằng: “Ý thức được trách nhiệm của mình nên em luôn xác định tốt tư tưởng. Dù phải đón cái tết đầu tiên xa nhà, lại ở trên biển nhưng tinh thần rất thoải mái, chỉ hơi nhớ nhà chút ít mà thôi anh ạ! Vì nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, em cảm thấy đây là niềm vinh dự, tự hào. Em chỉ mong gia đình, người thân luôn mạnh khỏe, vững vàng để em yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ!”. “Thế còn người yêu? Cô ấy có giận em không?” - Tôi hỏi. Không chút do dự, Khánh đáp nhanh: “Em nay 20 tuổi nhưng thú thực là chưa có người yêu. Hy vọng trong năm mới sẽ tìm được cô gái hiểu và thông cảm công việc đặc thù của em!”. Nghe câu trả lời của Khánh, tôi càng hiểu thêm bản lĩnh, sức trẻ và lòng tự hào nghề nghiệp của những người lính biển đang ngày đêm đối mặt với bao sóng gió, hiểm nguy để giữ cho biển được bình yên. Trở lại câu chuyện với thiếu tá Thuận, tôi hỏi anh: “Trong đêm giao thừa trên biển, người mà anh nghĩ nhiều nhất đó là ai?”. Thuận đáp: “Tôi đã nhiều lần đón tết trên biển rồi nên cái cảm giác nhớ mong, khao khát được sum vầy gia đình nó cũng không đến nỗi ghê gớm lắm. Vợ tôi cũng đã quá quen với công việc của chồng. Có lẽ người mà tôi nghĩ nhiều nhất trong thời khắc bước sang năm mới là đứa con gái của tôi. Cháu năm nay lên 8 tuổi nhưng bị bệnh tim bẩm sinh. Ban đầu dự tính ăn tết xong là vợ chồng tôi đưa cháu lên Hà Nội để khám và phẫu thuật cho cháu. Nhưng tôi lại nhận lệnh lên đường đột xuất, ra ngoài tết mới về nên chỉ kịp gọi điện về dặn cô ấy “nếu anh không về kịp thì em sắp xếp công việc rồi một mình đưa con đi bệnh viện”. Nghe Thuận kể mà tôi cũng thấy trào dâng niềm xúc cảm. Anh đã cho tôi hiểu thêm được góc khuất trong cuộc sống, tình cảm của mỗi người lính luôn phải biền biệt xa nhà vì nhiệm vụ. Thuận nói về vợ mình bằng tình cảm trìu mến và cả sự hàm ơn: “Vì nhà neo người nên những lúc công to việc lớn, giỗ chạp hay bố mẹ ốm đau, cô ấy đều một tay gánh vác thay chồng. Anh chị em bên chồng thì mỗi người một phương, kinh tế cũng chẳng dư giả gì nên không giúp đỡ được nhiều cho gia đình chồng. Lúc tôi vắng nhà, mọi việc đều do cô ấy tự sắp xếp, lo liệu. Tôi cảm ơn cô ấy rất nhiều!”. Những ngày trực tết trên biển là những ngày cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu Cảnh sát biển luôn phải căng mình làm nhiệm vụ. Bởi lợi dụng thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, sóng gió to và chọn đúng thời điểm tết nhất cận kề, lực lượng chức năng có thể lơ là việc tuần tra, canh gác nên nhiều tàu nước ngoài thường xâm nhập sâu vào vùng biển của ta để đánh bắt trộm hải sản, hoặc các đối tượng làm ăn phi pháp gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, gây mất an ninh trật tự trên cả một vùng biển, đảo của tổ quốc. Do vậy, những con tàu lên đường trực tết đều thực hiện phương châm “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”. Dù đang vui mừng chào đón năm mới nhưng hễ nhận được lệnh của Sở Chỉ huy là ngay lập tức, con tàu băng băng rẽ sóng lao đi để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên cả một vùng biển rộng lớn được giao. Những người lính đã từng được đón xuân trên biển, ai nấy đều có niềm hãnh diện và tự hào vì được góp sức mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và để cho biển đảo quê mình mãi mãi được bình yên… Lam Giang |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết