17:31 22/11/2014
Một chiều mùa đông, trời se lạnh, tôi có mặt tại xưởng may của nhóm Tự lực Sống tích cực, ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Trong tiếng lào xào của những chiếc máy khâu, tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng cảm xúc khó tả khi nghe chuyện về những phận đời đã từng phải sống lay lắt, tủi khổ vì HIV. Nhưng giờ đây, vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của cuộc đời, họ đã đứng lên bằng sức mạnh của ý chí và sự khát khao… Sự nghiệt ngã… Nhìn vóc dáng khỏe khoắn, xinh đẹp và rất trẻ trung, tôi không nghĩ chị Đoàn Thị Khuyên năm nay đã ngoài ba mươi và có hơn 10 năm chung sống với vi rút HIV. Ngay cả bản thân Khuyên cũng thừa nhận rằng mình lúc nào cũng tràn trề sức sống và gần như chẳng biết ốm đau là gì. Cuộc sống sung túc bên hai đứa con ngoan và người chồng giỏi giang, rất mực yêu thương vợ con, đối với chị như một giấc mơ có thật. Tuy nhiên để được như hôm nay, Khuyên đã phải trải qua một quãng đời khổ đau, bất hạnh. Kể về thuở hàn vi, đôi mắt chị Khuyên rơm rớm… Là con thứ 5 trong một gia đình nghèo ở xã Bắc Hưng (Tiên Lãng), từ nhỏ Khuyên đã phải chân lấm tay bùn theo bố mẹ, anh chị ra đồng làm lụng kiếm miếng ăn. Khi mà những thành quả lao động của cả nhà khá hơn một chút thì một tai họa ập đến. Đó là năm Khuyên mới học lớp 3, một tai nạn khủng khiếp đã cướp đi một bên chân của bố. Kinh tế gia đình khánh kiệt, cùng với việc mất đi một lao động trụ cột khiến gia đình Khuyên càng thêm khốn đốn. Người mẹ khắc khổ chỉ biết gạt nước mắt động viên các con phải thật mạnh mẽ, cố gắng vượt qua cơn bĩ cực. Và thực tế, các thành viên trong gia đình đã không ngại khó, ngại khổ, làm việc nhiều hơn để mong thoát khỏi cảnh nghèo. Thế nhưng, thêm một lần nữa, gia đình Khuyên lại chịu một sự mất mát lớn, đứa em gái út của Khuyên trong một lần đi bắt cáy đã bị đuối nước và mãi không trở về. Sự ra đi đột ngột đó khiến bố mẹ Khuyên suy sụp hẳn… Thương bố mẹ và đứa em vắn số, nhưng là phận nữ nhi, Khuyên chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chăm lo đồng áng và quyết học thật giỏi để thi đỗ đại học. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp làm thí sinh mà giảng đường đại học đối với Khuyên vẫn chỉ là giấc mơ. Thôi thì “học tài thi phận”, Khuyên đành gác lại chuyện thi cử để đi làm công nhân, giải quyết nhu cầu cuộc sống. Vốn xinh đẹp, ngoan hiền nên khi đi làm cho Cty TNHH Sao Vàng (ở An Tràng, An Lão), Khuyên được nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có anh M., nhà ở đường Tô Hiệu, quận Lê Chân. Dù M. không đẹp trai lắm, lại khá “chảnh” những chẳng hiểu sao trái tim của Khuyên đã giành trọn cho M. chỉ sau một thời gian ngắn quen biết…
Do bố của M. bị ung thư giai đoạn cuối nên mới yêu nhau được mấy tháng, gia đình M. giục cưới. Ở vào hoàn cảnh đó, Khuyên không còn cách nào khác đành phải gật đầu. Một đám cưới gọn nhẹ diễn ra, Khuyên rạng rỡ trong chiếc váy cưới cùng chồng nhận những lời chúc phúc của bạn bè, người thân, mà không ngờ rằng giây phút thiêng liêng này là khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh đang đón đợi chị… Sự thực chồng của Khuyên là người đã làm bạn với ma túy nhiều năm trước đó nhưng lại cố tình giấu chị. Gia đình mong sau khi lấy vợ, M. sẽ cai được nghiện và quá khứ hư hỏng của con trai họ sẽ là bí mật mãi mãi. Mặc dù vậy, đang lúc mà Khuyên vẫn tin tưởng chồng mình là một chàng trai ngoan thì một sự thật phũ phàng xảy đến. Đó là khi đứa con trai đầu lòng của Khuyên mới hơn 1 tuổi thì sức khỏe của M. ngày càng sa sút, thân thể gầy rộc. Đưa chồng đi khám, Khuyên choáng váng khi biết M. bị nhiễm HIV, và cô thực sự đau đớn đến ngã quỵ khi biết mình và đứa con trai cũng bị dương tính với con virut chết người đó… Cố nén niềm đau vào trong, Khuyên tỏ ra là một phụ nữ cứng cỏi, là người vợ, người mẹ đảm đang, lo lắng thuốc thang cho chồng. Chị và gia đình chồng còn thu xếp xây được một ngôi nhà nho nhỏ ở phường Phù Liễn, Kiến An. Ấy vậy, anh M. chưa kịp cùng vợ con dọn về nhà mới đã vội lìa bỏ cuộc đời. Ngày đưa tang chồng, Khuyên như một cái xác không hồn, chị hết nước mắt để khóc, lầm lũi lê từng bước chân đưa chồng ra nghĩa địa. Khuyên cũng hiểu rằng, trước mắt chị là những ngày tháng đen tối của cuộc đời… Chiến thắng số phận Sau ngày chồng mất, chị Khuyên cùng đứa con nhỏ sống rất chật vật. Không những vậy Khuyên còn chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của mọi người khi chị công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. Con đau ốm liên miên nên hầu như chị phải thường trực ở bệnh viện, thời gian còn lại Khuyên đi bán vé số để kiếm tiền nuôi con. Thấu hiểu hoàn cảnh và ý chí muốn vượt lên bệnh tật của mẹ con chị, dần dà nhiều người tốt bụng tìm đến giúp đỡ hai mẹ con ổn định cuộc sống. Biết trên địa bàn phường Phù Liễn có CLB Hoa Hải Đường (một CLB của những người có H) nên chị Khuyên đã xin gia nhập và trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Tham gia CLB cũng khiến cho Khuyên không còn thấy mặc cảm, tự ti nữa, chị hiểu ra rằng tương lai của mẹ còn chị và những người cùng cảnh ngộ không phải hoàn toàn màu đen, nếu có nghị lực thì những khó khăn, bệnh tật sẽ lùi xa. Cũng chính vì sự nhiệt tình và bản lĩnh đó, chị đã được cử làm Chủ nhiệm CLB Hoa Hải Đường, kể từ đây cuộc đời của mẹ con Khuyên bước sang một trang mới.
Nhờ sự năng động của mình, năm 2008, Khuyên được lựa chọn làm cán bộ của Cơ quan Hợp tác phát triển Italia (Cesvi) tại Việt Nam. Trong quá trình làm việc tại Dự án phòng chống HIV của Cesvi, Khuyên cùng 10 người khác đã thành lập nhóm tự lực mang tên “Nhóm sống tích cực Hải Phòng”. Và 2 năm sau, nhóm được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn triển khai dự án “Chăm sóc, tư vấn và phòng chống HIV/AIDS” tại Hải Phòng do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Dưới sự điều hành của trưởng nhóm Đoàn Thị Khuyên, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay "Nhóm sống tích cực Hải Phòng" có hơn 128 thành viên. Bên cạnh việc tư vấn cách sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, các thành viên thường xuyên đi cơ sở để phát bao cao su, tiếp xúc, tư vấn cho những người có nguy cơ nhiễm HIV như gái mại dâm, đồng tính nam, lái xe đường dài, nam công nhân xa nhà... Ngoài ra, nhóm gây quỹ với số vốn hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ 35 thành viên phát triển kinh tế thông qua mô hình chăn nuôi, mở xưởng may, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng thành viên. Cũng chính việc tham gia các hoạt động xã hội về phòng chống HIV, Khuyên đã quen và yêu anh Đỗ Văn Hải (sinh 1980), ở phường Anh Dũng, quận Dương. Hai người đến với nhau bởi sự đồng cảm cảnh ngộ của nhau. Giống như Khuyên, Hải cũng đang mang trong mình vi rút HIV, vợ Hải cũng đã qua đời khá lâu. Gặp Hải, trong Khuyên lại bừng lên khát vọng hạnh phúc với người đàn ông từng một thời lạc lối. Thế rồi, chuyện tình cảm đó cũng được cụ thể hóa bằng một đám cưới đơn giản nhưng ấm nồng hạnh phúc. Và một phép màu xảy ra, nhờ sự can thiệp của y tế, năm 2013, một cậu con trai kháu khỉnh ra đời mà không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Điều này càng khiến vợ chồng Khuyên thêm nghị lực và nguyện sẽ cống hiến hết mình cho công tác truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Để tạo sinh kế cho những người có H, anh chị đã mở một xưởng may gần nhà, tạo công ăn việc làm cho khá nhiều thành viên khó khăn. Cũng từ xưởng may nhân ái này, những người nhiễm HIV đã dần quên đi mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Với thu nhập bình quân của mỗi công nhân trong xưởng của chị từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, dù không cao song ai nấy đều cảm thấy vững tâm và tin tưởng vào tương lai phía trước, vì dù gì họ đã tự kiếm sống, không còn là gánh nặng cho gia đình. Hiện nhóm Sống tích cực đã thành lập Hợp tác xã STC do Khuyên làm giám đốc. HTX triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như may mặc, chăn nuôi, sửa chữa xe máy và buôn bán nhỏ…, tạo việc làm cho các thành viên. Tại xưởng may của HTX, tôi còn nghe được một câu chuyện cảm động về hai chị em mồ côi đang được chị Khuyên và mọi người cưu mang. Đó là bé Nga 17 tuổi và cô em Quỳnh (tên đã được thay đổi) ít hơn 2 tuổi ở Tân Trào, Kiến Thụy. Theo chị Khuyên, hoàn cảnh gia đình cô bé này rất đặc biệt, bố mất sớm, mẹ thì không nghề nghiệp nhưng lại có tính mải chơi đến nỗi không còn tấc đất cắm dùi, thế là dắt hai đứa con gái đi lang bạt khắp nơi. Tội nghiệp hai đứa nhỏ, cách đây 2 năm, chị Khuyên bàn với các thành viên trong nhóm đưa Nga và Quỳnh về nuôi dưỡng, dạy cho các em nghề may. Từ chỗ gầy gò, ốm yếu, nay Quỳnh và Nga thành những thiếu nữ xinh đẹp và mỗi em kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng từ nghề may. Giao phó hai con lại cho chị Khuyên, mẹ của Nga và Quỳnh gần như mất tích, nghe đâu đi bán hàng nước mãi trên Hà Nội. Ở cái tuổi “nhạy cảm” của Quỳnh và Nga, chị Khuyên phải sát sao lắm để hướng các em tới cuộc sống lành mạnh, không bị lôi kéo bởi những cám dỗ ngoài xã hội… Quảng Bình |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết