21:53 07/02/2023 Năm 2023, Hải Phòng tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP ở mức cao (12,7-13%). Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khó lường, Hải Phòng cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu và đặt ra các trọng tâm phát triển cần ưu tiên nhằm tạo nên sự bứt phá. Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, trọng tâm chính vẫn là phát triển công nghiệp và thương mại- dịch vụ.
Xác định rõ quy mô kinh tế của Hải Phòng
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng (GRDP) tăng 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước (GDP cả nước tăng 8,02%), xếp thứ 8 cả nước và thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là năm thứ 7 liên tục từ năm 2015 đến nay Hải Phòng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, quy mô kinh tế (GRDP tính theo giá hiện hành) của Hải Phòng đạt trên 365,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 16 tỷ USD, chiếm 3,84% trong quy mô kinh tế cả nước (quy mô GDP cả nước theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9.513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD). So với năm 2020 thì quy mô kinh tế của Hải Phòng tăng 131%. Với tốc độ này, Hải Phòng vẫn duy trì vị trí thứ 6 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu), nhưng tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng cao hơn và khoảng cách về quy mô kinh tế đã thu hẹp lại so với 5 tỉnh thành phố này, đặc biệt là so với Đồng Nai (khoảng cách năm 2020 là 96 tỷ USD; năm 2022 là 69 tỷ USD) và Bà Rịa Vũng Tàu (khoảng cách năm 2020 là 37 tỷ USD; năm 2022 là 25 tỷ USD) và cao hơn tỉnh Quảng Ninh 36% (12 tỷ USD).
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu Hải Phòng duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 12% từ nay đến hết năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu về tăng trưởng GRDP nêu trong Nghị quyết 45 trong giai đoạn 2018-2025 (tăng trưởng tối thiểu là 13%). Hải Phòng hoàn toàn có thể bứt phá để vươn lên vị trí cao hơn về quy mô kinh tế trong thời gian tới (có thể vươn lên vị trí thứ 5 thậm trí thứ 4 của cả nước về quy mô kinh tế.
Nỗ lực giữ vững mức tăng trưởng cao
Từ sự phân tích nêu trên, có thể thấy, duy trì mức tăng trưởng GRDP cao trong năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố Hải Phòng trên con đường hiện thực hóa các khát vọng phát triển theo tinh thần nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố. Và để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao đó, cần ưu tiên một số trọng tâm, trọng điểm.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, bước sang năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn khó khăn hơn so với năm 2022. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo 1/3 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay bởi 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều đang chậm lại.
Trong khi đó, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2023 đã được Thành ủy, HĐND thành phố thông qua đều tăng cao so với năm 2022 như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 12,7 đến 13%; thu nội địa 42.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt 190 nghìn tỷ đồng; thu hút từ 2,0 đến 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài...
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GRDP thành phố năm 2023 tiếp tục là mức cao, trong bối cảnh cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, thấp hơn mức tăng khoảng 8% của năm 2022 cho thấy quyết tâm phấn đấu rất lớn của toàn thành phố, đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực, chủ động nỗ lực, cố gắng triển khai ngay từ những ngày, những tháng đầu năm để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Trên cơ sở phân tích và nhận định đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đề xuất tập trung vào 2 trọng tâm là công nghiệp và thương mại dịch vụ. Bởi lẽ, công nghiệp vẫn đóng vai trò là động lực chủ lực trong tăng trưởng kinh tế thành phố với tỷ trọng giá trị tăng thêm lớn nhất trong các khu vực kinh tế, năm 2022 tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chiếm gần 49% trong GRDP thành phố (năm 2016, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP chỉ chiếm có 33,55%).
Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đề ra từ 12,7-13% thì IIP tăng 15% trở lên. Trong đó, cần tập trung cao trong công tác thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp (thành phố cần phải thu hút tối thiểu khoảng 2 tỷ USD/năm); giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội/nhà ở công nhân.
Muốn vậy, cần ưu tiên, đặt trọng tâm trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp phép và đồng hành cùng các nhà đầu tư thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới để tạo đủ quỹ đất sạch thu hút các nguồn lực đầu tư mới.
Hiện tại, quỹ đất công nghiệp sạch, sẵn sàng cho thu hút đầu tư của thành phố còn hạn chế, trong khi đó thành phố cũng phải đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các Khu kinh tế ven biển của tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình. Đây là giải pháp cấp bách, đòi hỏi thành phố tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cũng là giải pháp căn cơ cho sự phát triển bền vững, ổn định của thành phố đến năm 2045. Cụ thể, tập trung giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN Tiên Thanh, KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, KCN Nam Đình Vũ Khu 1, KCN Nam Đình Vũ Khu 2, KCN VSIP, KCN Cầu Kiền...
Đồng thời, hoàn thành các thủ tục thành lập 4 KCN mới: KCN Nam Tràng Cát, KCN Thủy Nguyên, KCN Tràng Duệ 3, KCN Giang Biên 2; triển khai các thủ tục đầu tư khu công nghiệp Vinh Quang, khu công nghiệp An Hòa, huyện Vĩnh Bảo và khu công nghiệp Tân Trào.Bên cạnh đó, đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) đã có quyết định đầu tư như: Giang Biên, Tiên Cường 2, Đại Thắng; đồng thời hoàn thành các thủ tục đầu tư thành lập mới các CCN Quang Phục, Dũng Tiến, An Thọ...
Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố cần nhanh chóng lựa chọn nhà đầu tư, khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở huyện Thủy Nguyên, huyện An Dương, quận Hải An (nơi có nhiều Khu công nghiệp hoạt động) nhằm bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động, nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố trong thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động nhập cư.
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2023, Hải Phòng sẽ khánh thành hệ thống tuyến đường bộ ven biển; khởi công xây dựng các tuyến đường vành đai 2 và 3; các cầu, đường kết nối với tỉnh Quảng Ninh (cầu Lại Xuân), Thái Bình (cầu Nghìn 2) nhằm mở rộng không gian kinh tế của thành phố để hỗ trợ cho thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.
Khu vực thương mại - dịch vụ có tỷ trọng đóng góp khoảng 37% trong GRDP thành phố trong năm 2022 (năm 2016 đã chiếm 48,03%). Do đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực cảng biển, logistics và du lịch… là những lĩnh vực có thế mạnh, ưu thế cạnh tranh chiến lược của thành phố.
Theo Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, cần tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; thu hút đầu tư xây dựng các bến tiếp theo thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch xây dựng khu dịch vụ logistics cấp quốc gia và quốc tế dọc tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai làm cơ sở thu hút đầu tư; khởi động tìm kiếm, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư Cảng biển Nam Đồ Sơn.
Một số công việc cần được quan tâm riết róng trong năm 2023 là giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến mặt bằng để khởi công xây dựng nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế tại Đồ Sơn và Cát Bà: thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch tại Cát Bà và khởi công trong năm 2023 như: dự án khu du lịch dịch vụ Vịnh trung tâm Cát Bà, Khu đô thị du lịch dịch vụ Cát Đồn, Khu đô thị suối nước nóng tại Xuân Đám...
Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng; Dự án Khu du lịch Cái Giá - Cát Bà (Cát Bà Amanita); đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại khu vực chợ Sắt; dự án xây dựng công trình đa chức năng tại số 4 Trần Phú;..; thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại các huyện ven đô.
Có thể thấy, đây là các trọng tâm phát triển rất đúng và trúng, mở ra nhiều dư địa phát triển, góp phần để Hải Phòng đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 12,7-13% trong năm 2023./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh