14:41 24/01/2025 Kết thúc Giáp Thìn – 2024, thành phố Hải Phòng bên cạnh những thành tựu xuất sắc, nổi bật trên các mặt kinh tế - xã hội (KT-XH)… còn đại diện cho cả nước tập trung mọi nỗ lực xây dựng Hồ sơ trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm theo một lộ trình hết sức bài bản, khoa học. Trước thềm xuân mới Ất Tỵ, phóng viên Chuyên đề An Ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Trước hết, xin đồng chí cho biết những yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong năm vừa qua?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực chuyên môn trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ cũng như phương hướng, mục tiêu và kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm; đánh giá các mặt hoạt động của Ban và dự báo, kiến nghị, đề xuất, trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh. Ngoài ra, căn cứ các tiêu chí và thủ tục đã được thông qua tại Khóa họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 195, Ban Vận động còn có trách nhiệm tổ chức, phát động các phong trào sáng tác về văn hóa – nghệ thuật; tổ chức trưng bày, nghiên cứu, hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm; thực hiện sưu tầm, kiểm kê, thống kê, biên soạn, xuất bản các tư liệu lịch sử liên quan tới Trạng Trình; số hóa dữ liệu, thông tin về danh nhân; hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình UNESCO…
Như vậy có thể thấy, toàn bộ quy trình xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đòi hỏi tâm sức rất lớn và sự chung tay vào cuộc của nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong một lộ trình nhất định. Việc thành lậpBan Vận động là chủ trương hết sức kịp thời, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền thành phố để sớm có kế hoạch cụ thể, huy động được đồng bộ các nguồn lực giúp các hoạt động nghiên cứu, thu thập và thống kê về thân thế, sự nghiệp, vai trò và những đóng góp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, nhất là trong quảng bá, giới thiệu về tầm vóc vĩ đại của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với toàn nhân loại.
Phóng viên: Đồng chí có thể đánh giá kỹ hơn sau 1 năm Ban Vận động đi vào hoạt động?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam: Năm 2024, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố, Ban Vận động đã rất nhanh chóng đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản. Cụ thể, các thành viên Nhóm Cố vấn và Nhóm Xây dựng hồ sơ đã làm việc hết sức mình để giúp UBND thành phố có kế hoạch xây dựng hồ sơ theo đúng chuẩn quy định của UNESCO với tiến độ, giai đoạn thực hiện cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
Căn cứ trọng trách được giao, Ban Vận động đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành thành viên và đã đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó trong năm, Ban Vận động đã sưu tầm, kiểm kê, lập thư mục 48 trước tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tiêu biểu như: Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân am thi tập tịnh tự, Bạch Vân am thi văn tập, Bạch Vân am Tiên sinh, Bạch Vân am Trình Quốc công thi tập, Bạch Vân gia huấn, Bạch Vân quốc ngữ thi tập... cùng 184 công trình nghiên cứu, sáng tạo trên các lĩnh vực về Nguyễn Bỉnh Khiêm và 253 bài viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm qua các trang tư liệu, báo, tạp chí. Trên cơ sở các tài liệu sưu tầm được, Ban Vận động đã biên soạn thư mục: “Nguyễn Bỉnh Khiêm tác gia và tác phẩm” gồm 487 tài liệu với 1.355 trang.
Cùng với đó, Ban Vận động cũng tổ chức thành công Hội thảo cấp thành phố với chủ đề: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với lịch sử dân tộc thế kỷ XVI” thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan, Viện nghiên cứu Trung ương và địa phương. Riêng Sở Văn hoá và Thể thao còn chủ trì đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng”.
Ngày 9/1/2024, nhân kỷ niệm 438 năm ngày mất của danh nhân (28/11/1585-28/11/2023 âm lịch), Ban Vận động đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đến nay, Ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận được 16 tác phẩm kịch bản sân khấu (ở cả 2 thể loại kịch nói và chèo) và gần 50 tác phẩm âm nhạc.
Đáng ghi nhận nữa, đến nay, Quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng UBND thành phố cũng đã cho tu sửa cấp thiết một số hạng mục tại Di tích với kinh phí 3,8 tỷ đồng từ ngân sách và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn được duy trì tổ chức hàng năm. Đặc biệt, Lễ Biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tại Khu di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố…
Phóng viên: Bước sang Xuân mới Ất Tỵ - 2025, Ban Vận động sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng gì trong nỗ lực hoàn thiện hồ sơ khoa học vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - thưa đồng chí Phó Chủ tịch
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam:Năm 2025, Ban Vận động sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo đúng lộ trình đã đặt ra, trong đó trọng tâm vẫn là tập trung sưu tầm, bổ sung các tài liệu về danh nhân. Cùng với đó, Ban đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa về thân thế, sự nghiệp, tầm ảnh hưởng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; trao giải Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về Trạng Trình (dự kiến vào tháng 5/2025); biên soạn và xuất bản các sáng tác văn học, nghệ thuật liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm và kết hợp dịch thuật ra tiếng Anh và tiếng Pháp. Đồng thời, tổ chức làm 3 tập phim về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Một sự kiện quan trọng nữa là Ban Vận động sẽ tham mưu UBND thành phố sẽ tổ chức Hội thảo Quốc gia về Nguyễn Bỉnh Khiêm (dự kiến tháng 9/2025); thống kê danh từ riêng về Nguyễn Bỉnh Khiêm được đặt tên cho các đường, phố và công trình công cộng trong và ngoài thành phố; số hoá các dữ liệu, thông tin về danh nhân…
Ngoài các nhiệm vụ theo kế hoạch nêu trên, Ban vận động sẽ tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu thế giới đối với các sáng tác, tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm và căn cứ các tiêu chí của UNESCO và thực tiễn của Hải Phòng, triển khai xây dựng thành phố học tập đề nghị UNESCO công nhận Hải Phòng là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời cuộc phỏng vấn của Chuyên đề An ninh Hải Phòng.
VŨ DUYÊN (thực hiện)
23:07 24/01/2025
20:06 23/01/2025
13:28 22/01/2025
Tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT và pháo
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh quan hệ nhân thân