14:39 08/09/2023 Bài 4: Nhìn lại để xốc tới 2,5 năm là chặng đường đầy khó khăn, thử thách trong thực hiện nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố. Nhưng bản lĩnh, ý chí, sự tự tin, đoàn kết, đồng thuận đã giúp thành phố vượt qua, đạt nhiều kết quả khá nổi bật, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan, còn nhiều chỉ tiêu chưa bám sát tiến độ đã định, còn nhiều kỳ vọng chưa trở thành hiện thực. Bởi thế, đây cũng chính là lúc Hải Phòng đang tự nhìn nhận lại, đánh giá khách quan kết quả đạt được và xác định rõ các mặt hạn chế, yếu kém để từ đó xốc lại tinh thần, hừng hực khí thế, quyết tâm, thực hiện thành công nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.
Dần trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại
Qua nửa đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, Hải Phòng đã và đang hiện thực hóa các mục tiêu nghị quyết đại hội 16.
Cụ thể, với mục tiêu “thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH”, đến nay, có 13 chỉ tiêu có thể đánh giá theo tinh thần NQ số 29 ngày 17-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa 13 về tiếp tục đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có 9/13 chỉ tiêu vượt mục tiêu đến năm 2030 gồm tăng trưởng GRDP bình quân; GRDP bình quân đầu người; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ trọng công nghiệp trong GRDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến chế tạo bình quân đầu người; chỉ số phát triển con người (HDI). Còn 4 chỉ tiêu thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành vào năm 2030 gồm đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế; tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; tỷ lệ đô thị hóa.
Với tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp trong GRDP năm 2022 chiếm gần 49%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế thành phố, cùng với các chỉ tiêu khác phản ảnh chất lượng tăng trưởng công nghiệp Hải Phòng đạt ở mức cao, mục tiêu “trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại” đã và đang được khẳng định. Cùng với đó, Hải Phòng tiếp tục khẳng định là một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Cảng biển Hải Phòng cùng với cảng biển Bà Rịa- Vũng Tàu là 2 cảng đặc biệt của cả nước; sản lượng hàng hóa qua các cảng biển khu vực Hải Phòng năm 2022 đạt 168 triệu tấn, chiếm gần 23% tổng hàng hóa thông qua các cảng biển cả nước.
Theo đánh giá, đến nay, Hải Phòng đã đạt đủ 5 tiêu chí đô thị loại 1. Tính đến hết tháng 6-2023, theo NQ số 26 ngày 21-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, Hải Phòng đạt 88,53/100 điểm. Dự kiến tháng 9- 2023, thành phố sẽ trình Chính phủ đề án để công nhận thành phố hải Phòng đạt tiêu chí đô thị loại 1 khi mở rộng nội thành, nội thị sang huyện An Dương, theo đó sẽ đạt 85,95 điểm (yêu cầu từ 75-100 điểm).
Mục tiêu “đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh được giữ vững” được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ đã bảo đảm mục tiêu nghị quyết đại hội 16 đề ra.
Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả. Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đạt kết quả quan trọng tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Do đó, mục tiêu “có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu
Như vậy, đối chiếu với các mục tiêu của nghị quyết đại hội 16, ngoài mục tiêu phát triển du lịch chưa đạt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, còn lại đều cơ bản bám sát yêu cầu, kế hoạch đề ra, khẳng định sự thành công của Đảng bộ Hải Phòng trong nửa đầu nhiệm kỳ.
Một thành công rất đáng ghi nhận, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của thành phố trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo là Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh Quy hoạch nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật - môi trường... của thành phố. Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, phát triển nhanh và bứt phá. Cùng với đó, với đề xuất của Hải Phòng, Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết 35 Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Hiện thành phố đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Như vậy, các yếu tố cốt lõi để thực hiện nghị quyết đại hội 16 và hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng đến năm 2045-2050 đã được hoàn thành trong nửa đầu nhiệm kỳ, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Đảng bộ thành phố với những mục tiêu, định hướng phát triển rất rõ ràng.
Dấu ấn sự thành công của Đảng bộ thành phố Hải Phòng trong nửa nhiệm kỳ qua còn thể hiện rất rõ qua việc bổ sung nội dung chuyển đổi số, ban hành nghị quyết số 03 ngày 26-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số và quyết liệt thực hiện. Đến nay, thành phố đã bố trí nguồn lực đáng kể, lên tới hơn 600 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Điển hình là xây dựng chính quyền số thành phố hải Phòng giai đoạn 2021- 2025; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về nền tảng, kho dữ liệu dùng chung; phát triển hạ tầng số; tăng nhanh tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; triển khai 5G; trung tâm điều hành thông minh...
Năm 2021, Hải Phòng xếp thứ 16/63 về chỉ số chuyển đổi số, tăng 5 bậc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số CCHC (PAR-Index) đứng thứ nhất và thứ hai cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm cao nhất cả nước; chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2021 đứng thứ 2, năm 2022 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Những kết quả nổi bật trên đã nâng cao hình ảnh và uy tín của Hải Phòng, tạo niềm tin và phấn khởi trong nhân dân thành phố. Một Hải Phòng đổi mới, quyết liệt hành động được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Một Hải Phòng năng động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện đang dần được khẳng định trong nhìn nhận và đánh giá của các nhà đầu tư, du khách trong, ngoài nước.
Đáng chú ý, cùng với phát triển kinh tế, Hải Phòng dành nhiều sự quan tâm cho phát triển giáo dục đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao… với nhiều đề án, dự án đang được xây dựng, thực hiện. Thành ủy Hải Phòng đã và đang chỉ đạo quyết liệt để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, y tế của vùng duyên hải Bắc bộ; trọng điểm phát triển khoa học và công nghệ biển của cả nước. Lĩnh vực văn hóa, thể thao thực sự khởi sắc với nhiều hoạt động nổi bật, mang đậm bản sắc Hải Phòng, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.
Nhận diện rõ những “khoảng lặng”
Do nhiều yếu tố tác động nên so với hệ thống chỉ tiêu đại hội 16 đề ra, còn có nhiều chỉ tiêu chưa được như mong muốn. Cụ thể, có 5/20 chỉ tiêu dự kiến đạt chỉ tiêu Nghị quyết gồm tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; kết nạp đảng viên; thành lập tổ chức đảng Đảng tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước và số hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Có 8/20 chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào cuối nhiệm kỳ (năm 2025) gồm kim ngạch xuất khẩu; sản lượng hàng hóa thông qua cảng; số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Có 7/20 chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, cần có các giải pháp đột phá mới có thể đạt mục tiêu Nghị quyết là tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hải Phòng trong GDP cả nước và GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; GRDP bình quân đầu người; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khách du lịch; tỷ trọng đóng góp của TFP vào GRDP.
Như vậy, để đạt được 7 chỉ tiêu này, giai đoạn 2023-2025, GRDP của Hải Phòng tăng trưởng tối thiểu 15,77%/năm; GRDP bình quân đầu người tăng 16,71%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,12%/năm; thu ngân sách nội địa phải tăng 23.000 tỷ đồng trong 2 năm 2024-2025; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần thu hút 872.000 tỷ đồng…
Ngoài ra còn có nhiều nhiêm vụ, dự án, đề án chưa thực hiện được so với Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết. Công tác chuẩn bị đầu tư; GPMB và thi công một số dự án còn chậm. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Nguồn cán bộ còn thiếu, nhất là những cán bộ được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực như quản lý kinh tế, tài chính, quy hoạch, đất đai, đô thị… Số cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn ít. Một số cán bộ được lựa chọn, bổ nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vẫn còn có biểu hiện trì trệ, sợ sai ở một số CBCC làm ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết công việc cho doanh nghiệp, người dân…
Có thể thấy, đó chính là những “khoảng lặng” trong bức tranh có nhiều mảng sáng của thành phố Hải Phòng trong hơn 2 năm qua. Vượt qua được những khoảng lặng này cần sự quyết tâm chính trị rất lớn của cả thành phố với những giải pháp đột phá, sự đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động và cần phải chạy nhanh bởi chỉ còn 2,5 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh