10:09 20/09/2019 Với những ưu thế vượt trội, sau hơn 10 năm di nhập vào Việt Nam, tôm thẻ chân trắng đã phát triển mạnh ở khắp các tỉnh, thành phố ven biển của cả nước. Sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của loài tôm này nhanh chóng vượt qua tôm sú xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng ra các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhằm phát triển mạnh loài tôm này theo hướng bền vững, khắc phục tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp trên đàn tôm nuôi, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”, giai đoạn 2019 - 2021. Thành công bước đầu của dự án đã mở ra một hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam...
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật...
Bà Đặng Thị Thanh – Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Với những ưu thế vượt trội như chu kỳ nuôi ngắn, nuôi mật độ cao, khả năng thích ứng rộng, tôm thẻ chân trắng đang được nuôi phổ biến ở khắp các tỉnh, thành phố ven biển. Tại Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong đó có tôm thẻ chân trắng. Trước tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, diễn biến thời tiết phức tạp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Để hạn chế dịch bệnh, rủi ro, hạn chế việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm thì ứng dụng Biofloc trong nuôi trồng thủy sản được coi là phương pháp tiếp cận công nghệ sinh học theo hướng mới, dựa trên nguyên lý cơ bản của bùn hoạt tính dạng lơ lửng (AST).
Công nghệ biofloc là tập hợp các loại vi sinh vật khác nhau, chủ yếu là các chủng vi khuẩn có lợi, kết lại thành khối bông, xốp, màu vàng nâu, với trung tâm là hạt chất rắn lơ lửng trong nước.
Phương pháp này giúp giải quyết được 2 vấn đề cốt lõi hiện nay là loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, sử dụng biofloc làm thức ăn giàu chất dinh dưỡng bổ sung tại chỗ cho các loài nuôi (tôm nuôi) giúp giảm chi phí thức ăn, tăng năng suất. Ngoài ra, một số các axit béo có mặt trong biofloc là tác nhân sinh học giúp loài nuôi kháng bệnh, sản phẩm sản xuất đảm bảo ATVSTP, nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích nuôi...
Năm 2019 dự án được triển khai tại 2 tỉnh/thành Hải Phòng và Nam Định, với tổng diện tích 2,886ha, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chiếm 2.860 m2; giai đoạn 2 chiếm 2,6 ha...
Để triển khai dự án, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã kí hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông Nam Định để xây dựng mô hình tại tỉnh bạn.
Trong quá trình triển khai dự án, ngay từ khâu chọn điểm xây dựng mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng và Nam Định làm rất chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí. 8 hộ được chọn (Hải Phòng 5 hộ, Nam Định 3 hộ) với diện tích 2,6 ha đều nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, có đủ điều kiện thực hiện mô hình.
Công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật được chú trọng. Hai đơn vị đã mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc cho 120 hộ nông ngư dân là những hộ tham gia vào mô hình và những hộ có nhu cầu học tập, làm theo.
Qua đó, giúp các hộ dân nắm, hiểu được kỹ thuật nuôi, biết được những tiến bộ kỹ thuật và thấy được sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ để hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm an toàn, giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm thẻ chân trắng...
Để cho tôm được mạnh khỏe, cho chất lượng đồng đều, mô hình đã sử dụng nguồn giống chất lượng được kiểm dịch đầy đủ từ các cơ sở uy tín là Cty TNHH Phát triển Thủy sản Hoàng Hương và Cty TNHH Công nghệ thủy sản Cao Minh.
Và nguồn thức ăn công nghiệp dạng viên có độ đạm 40%, thành phần thức ăn không sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm là của Cty TNHH UNI - President Việt Nam và Cty TNHH De Heus Việt Nam.
Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật là những kỹ sư nuôi trồng thủy sản có ít nhất 8 năm kinh nghiệm trong hoạt động khuyến ngư, hiểu biết sâu về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc, tâm huyết, năng động, thường xuyên bám sát các điểm phụ trách để hướng dẫn mọi quy trình kỹ thuật: từ khâu chuẩn bị ao, lấy nước vào ao, gây màu nước, chọn giống, quản lý, chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch, hướng dẫn ghi sổ nhật ký, nhất là kỹ thuật gây biofloc, duy trì mật độ biofloc trong suốt thời gian triển khai mô hình..., nên mọi quy trình kỹ thuật, cũng như các hướng dẫn, quy định của dự án đều được các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt.
Cam kết đầu tư vốn đối ứng (50% con giống, thức ăn, thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học...) cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cũng được các hộ thực hiện đầy đủ.
Hiệu quả vượt trội...
Nhờ vậy, hiệu quả ban đầu mà dự án đạt được rất khả quan. Các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tiêu biểu có thể kể đến chỉ tiêu năng suất đạt 18,47 tấn/ha, vượt 2,6%; sản lượng đạt 48,04 tấn, vượt 14,3%; tỷ lệ sống đạt 76%, vượt 1,3%; hệ số thức ăn giảm 15% so với nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh thông thường.
Đáng chú ý, qua hoạch toán thu - chi của 8 hộ triển khai dự án cho thấy lợi nhuận mang lại đạt 2.485.261.000 đồng; lãi bình quân đạt 955.869.600 đồng/ha. Riêng đối với 5 hộ của Hải Phòng, lợi nhuận đạt cao hơn 3 hộ của Nam Định, đạt 1.492.685.000 đồng/1,5 ha; lãi bình quân đạt 995.123.000 đồng/1 ha (Nam Định lãi bình quân đạt 902.341.000 đồng/1 ha).
Ngoài hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, môi trường..., mà dự án mang lại là rất lớn. Dịch bệnh được kiểm soát tối đa, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tỉ lệ sống của tôm nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn, đảm bảo ATVSTP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu...
Đặc biệt, ở lĩnh vực liên kết tiêu thụ sản phẩm, triển khai đề án, Trung tâm khuyến nông 2 tỉnh, thành đã giới thiệu liên kết các điểm thực hiện mô hình với các doanh nghiệp là Cty TNHH Phúc Hà, Công ty TNHH Khoa Thành, Hiệp hội nông sản sạch Nam Định tiêu thụ lượng tôm thương phẩm tạo ra thông qua ký kết hợp đồng về việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi theo công nghệ Biofloc của mô hình để cung cấp cho bếp ăn tập thể, siêu thị và một số chợ đầu mối trong vùng. Việc liên kết tiêu thụ giữa nông dân và các đơn vị thu mua giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người nuôi...
Như vậy, bên cạnh một số những trở ngại nhất định như kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc cao hơn so với đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống, kinh nghiệm vận hành hệ thống nuôi theo quy trình biofloc của người dân còn hạn chế..., thì với những ưu thế vượt trội kể trên, mô hình đã giúp người nuôi trồng thủy sản của Hải Phòng, Nam Định nói riêng, cả nước nói chung từng bước thay đổi tư duy.
Vừa qua Hải Phòng đã tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình (Nam Định dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9 này). Thành công của mô hình là cơ sở để các hộ dân trong vùng đến tham quan, học tập, nhân rộng trong những năm tiếp theo. Từ đó mở ra một hướng đi mới, giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hướng tới xuất khẩu...
Khánh Chi
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết