Ô nhiễm trầm trọng nguồn nước thô

09:32 14/05/2019

Chưa bao giờ nguồn nước thô tự nhiên phục vụ sản xuất nước sạch trên địa bàn Hải Phòng bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Đây chính là hệ lụy đã được báo trước từ việc xả thải bừa bãi, không qua xử lý xuống thẳng các con sông và sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành trong suốt thời gian vừa qua. Phóng viên Báo ANHP đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Quý, Phó tổng giám đốc Cty CP cấp nước Hải Phòng về vấn đề này.
Ông Cao Văn Quý, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng

PV: Trước hết, xin ông cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất nước nước sạch như thế nào?

Ông Cao Văn Quý:

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô trên địa bàn thành phố có thể nói rất phức tạp, đang ở mức nghiêm trọng, khó kiểm soát. Theo kết quả trắc mới nhất của Sở Tài nguyên - Môi trường, nguồn nước của sông Đa Độ, sông Giá và sông Rế đều đang trong mức báo động. Cụ thể, trong tổng số 30 mẫu lấy quan trắc tại sông Đa Độ chỉ có 47% mẫu đạt chỉ tiêu đầu vào cung cấp nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt và có tới 10% mẫu bị ô nhiễm nặng. Sông Đa Độ được đánh giá đang ô nhiễm nặng nhất vì hiện nay, trên hệ thống sông Đa Độ có tới 120 cơ sở công nghiệp, trang trại và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ và gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, còn có hàng loạt khu dân cư tập trung đang xả nước thải sinh hoạt ra khu vực lòng sông.  

Với góc độ là đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch lớn nhất của thành phố, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng thường xuyên phải làm quan trắc kiểm tra mức độ ô nhiễm của nước. Kết quả chung cho thấy, các chỉ tiêu hợp chất có trong nước ngày càng cao và càng vượt xa các tiêu chuẩn cho phép gồm: các chất hữu cơ, amoni, nitrit, mangan hòa tan trong nước.

Hệ thống bể lắng nước thô tại NHà máy nước An Dương
Thi công bể lọc sinh học tại Nhà máy nước An Dương

PV: Với tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt như hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước thô và Công ty có những giải pháp khắc phục gì thưa ông?

Ông Cao Văn Quý:

Trước hết, Công ty đang áp dụng nhiều biện pháp về mặt kỹ thuật để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhân dân đạt và vượt các tiêu chuẩn đã đăng ký. Cụ thể, Công ty đang sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước thô. Điển hình là việc hợp tác với Cục cấp thoát nước Nhật Bản áp dụng thành công giải pháp xử lý nước tiên tiến công nghệ lọc tiếp xúc sinh học (U- BCF)  đã nhiều năm nay. Tại Hải Phòng, hiệu quả của công nghệ này đã được kiểm chứng qua giai đoạn thử nghiệm trên các cột lọc thí nghiệm và trên khối bể lọc U- BCF công suất 5.000m3/ ngày tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo do Cty CP cấp nước Hải Phòng quản lý từ năm 2012. Hiện, chúng tôi cũng đang triển khai dự án xây dựng các khối bể lọc U- BCF với công suất 100 nghìn m3/ ngày cho Nhà máy nước An Dương và 20 nghìn m3/ ngày cho Nhà máy nước Vật Cách. Ngoài ra Cty chủ động sản xuất cát măng – gan để xử lý chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thô, làm giảm giá thành sản phẩm phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn là vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn ô nhiễm từ các doanh nghiệp, xi nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại nông nghiệp, bệnh viện. Ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước thô của chính người dân, hỗ trợ công ty trong công tác bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là các vù, tuyến sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trọng điểm ví dụ như các khu vực làng nghề tràng Minh (kiến Am) trên sông Đa Độ; khu vực quy hoạch trang trại chăn nuôi xã Tân Viên (An Lão) ven sông; Khu vực trang trại ven sông Rế thuộc huyện An Dương…

PV: Hoạt động thu gom tái chế rác thải ở làng nghề phường Tràng Minh, quận Kiến An đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước thô trên sông Đa Độ đã nhiều năm nay. Xin ông cho biết giải pháp xử lý vấn đề này?

Ông Cao Văn Quý:

 Làng nghề Tràng Minh quận Kiến An đã tồn tại từ nhiều năm. Bà con nhân dân chủ yếu làm nghề thu gom, tái chế rác thải. Rác thải chủ yếu là vỏ chai nhựa, bao bì, túi ni-lon các loại; trong đó có cả vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật,  thuốc trừ có, hóa chất độc hại. Quy trình tái chế thô sơ như rửa, nghiền nhỏ là chính. Nước rửa rác thải do các hộ dân bơm hút và xả trực tiếp xuống sông Đa Độ, gây ô nhiễm cho nguồn nước, mầm bệnh từ nơi khác về đây, rất đáng báo động. Giải quyết tài toán ô nhiễm từ làng nghề Tràng Minh là trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Những năm qua,  Cty CP cấp nước Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ủng hộ trong việc bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có việc bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, làng nghề, trang trại phát triển nhanh, Công ty mong muốn người dân ở trong làng nghề nhận thức rõ sự nguy hại và nêu cao ý thức trách nhiệm. Điều này vô cùng quan trọng cho cả trước mắt và tương lai. Vì ô nhiễm càng cao thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất nước sạch, tăng giá thành mỗi m3 nước và cũng là tăng chi phí sinh hoạt của mỗi hộ dân. Bảo vệ ô nhiễm nguồn nước thô chính là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, vừa ích nước, lợi nhà.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Lanh thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông