PCCC tại trường học - yêu cầu cấp bách

10:49 05/05/2017

Học sinh Trường THCS Đà Nẵng thực hành kỹ năng thoát nạn trong đám cháy

Công tác PCCC là một trong những yêu cầu cấp bách để bảo đảm môi trường an toàn cho nhà trường ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều cơ sở giáo dục, việc chấp hành các quy định PCCC còn mang tính đối phó, thiếu hiệu quả. Đa số các trường vẫn chưa lồng ghép kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa.

Thiếu quan tâm đúng mức

Tại khoản 2, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật.

Trao đổi vấn đề này, Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy cho biết: Thành phố hiện có trên 800 cơ sở giáo dục các cấp, nhận thức của nhiều cơ sở trên về an toàn PCCC chưa thực sự đầy đủ.

Thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy tại cơ sở trường học, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh, giáo viên như: cháy phòng văn thư lưu trữ hồ sơ ở Trường THPT Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên); cháy thư viện và phòng thí nghiệm ở Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền)...

Mới đây nhất, ngày 9-3, đã xảy ra cháy tại khu vực bếp ăn của Trường mầm non Hòa Nghĩa, phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh).

Nguy cơ cháy nổ tại trường học luôn hiện hữu, bắt nguồn từ sự thiếu an toàn của hệ thống điện, sự bất cẩn của cán bộ, giáo viên khi sử dụng lửa tại các khu vực chứa nhiều vật dụng dễ cháy… Trong khi đó, công tác tuyên truyền PCCC cho học sinh tại trường chưa được người đứng đầu quan tâm đúng mức; chủ yếu vẫn dừng lại ở đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Toàn bộ học sinh, bộ phận có số lượng đông đảo nhất, không được tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kỹ năng chữa cháy và thoát nạn. Điều này dễ dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người khi xảy ra sự cố.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, thời gian qua, công tác tuyên truyền PCCC tại các trường học đã từng bước được quan tâm, đổi mới bằng nhiều hình thức. Điển hình Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Thủy Nguyên) đã lấy việc tuyên truyền PCCC cho học sinh là một trong những hoạt động ngoại khóa thường xuyên.

Đặc biệt, hướng tới thực hiện điểm mô hình trường học an toàn PCCC và nhân rộng trên địa bàn thành phố, từ tháng 3-2015, Đoàn Thanh niên nhà trường đã kết nghĩa với Chi đoàn Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, huấn luyện PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH), hàng năm tập trung tuyên truyền PCCC cho học sinh và cán bộ nhà trường; tổ chức trại hè PCCC;  huấn luyện cho học sinh kiến thức PCCC và thoát nạn, diễn tập thoát nạn ngay tại trường trong chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ kỹ năng sống.

Tại quận Kiến An, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 phối hợp với Quận đoàn, các trường học tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về PCCC cho thanh niên, học sinh, sinh viên… Trong đó, hội thi “Chiến sĩ an ninh nhỏ tuổi” đã tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa và thiết thực cho thiếu nhi, giúp các em hiểu biết thêm về nhiệm vụ của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC. Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, UBND quận Hồng Bàng tổ chức triển khai mô hình trường học an toàn PCCC với cam kết tham gia của 43 trường học trên địa bàn.

Sau 9 tháng triển khai, đến nay mặc dù chưa trường nào hoàn thiện đầy đủ 15 tiêu chí “Trường học an toàn PCCC” nhưng nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên đã được cải thiện rõ rệt. 43 trường đều thành lập được đội PCCC cơ sở, với số lượng từ 10 đến 30 đội viên. Các đội viên được huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn PCCC, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Xuân Trường cho biết: Tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC là một nội dung trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh có kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng an toàn thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ ở mọi nơi như trong gia đình, nhà trường. Hoạt động trên còn giúp cho các trường thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Do đó, ngày 27-4 vừa qua, Sở GD - ĐT và Cảnh sát PCCC thành phố tổ chức ký Quy chế phối hợp trong công tác PCCC, CNCH và tập huấn về công tác này cho người đứng đầu của hơn 800 trường học, đơn vị giáo dục từ bậc mầm non đến bậc đại học trên toàn địa bàn.

Trong đó, 2 bên phối hợp thực hiện các nội dung trọng tâm, bao gồm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC lồng ghép vào chương trình dạy học và hoạt động ngoại khóa.

Theo Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố, việc ký kết quy chế phối hợp trên một bước cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, lực lượng trong công tác PCCC.

Việc triển khai thực hiện quy chế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, CNCH học sinh, sinh viên, để lực lượng này tham gia tích cực vào công tác bảo đảm an toàn PCCC, đưa phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Quy chế phối hợp còn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, đặc biệt nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn thành phố.

LỆ TRANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông