00:41 30/09/2023 Bài 3: Rộng mở cơ hội phát triển KCN, KKT Hải Phòng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; NQ 30 của Bộ Chính trị về về phát triển KTXH và bảo đảm QPAN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định rõ, Hải Phòng phải là địa phương đi đầu và về trước cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, phát triển các KCN, KKT tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng, đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẳng định: cơ hội phát triển KCN, KKT của Hải Phòng rất rộng mở. Thành tựu 30 năm qua là nền tảng quan trọng và ý chí, bản lĩnh, sự quyết tâm, quyết liệt hành động là yếu tố quyết định để Hải Phòng thực hiện bằng được các mục tiêu phát triển đề ra.
- Đâu là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các KCN, KKT Hải Phòng trong 30 năm qua, thưa đồng chí?
- Kết quả, thành tựu nổi bật đó là nhờ sự nỗ lực, kiên trì cùng những định hướng phát triển KCN, KKT đúng đắn của thành phố trong suốt 30 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, cùng những nỗ lực đổi mới tư duy, cải cách toàn diện, hành động quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các cấp, các ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Sự thông thoáng và cơ chế chính sách ưu đãi của Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải là yếu tố quan trọng, tác động tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Cùng với đó vị thế, tiềm năng của Hải Phòng, với hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại, vượt trội bao gồm cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc kết nối cao, hệ thống giao thông thủy thuận tiện và đường sắt đang được tích cực nâng cấp… thực sự thuyết phục nhà đầu tư, trong đó có nhiều Tập đoàn lớn nằm trong top 500 của thế giới đã đến với Hải Phòng.
Hơn 40 tỷ USD vốn đầu tư thu hút trong 30 năm (cả FDI và DDI), trong đó chỉ riêng gần 3 năm 2021-2023 đã đạt hơn 10 tỷ USD vốn FDI, chiếm chiếm tỷ trọng khoảng gần 40% tổng số vốn FDI của 30 năm cộng lại thật sự là kỳ tích. Nhất là khi giai đoạn này, thành phố và cả nước phải ứng phó với đại dịch COVID-19 nhưng thu hút đầu tư FDI vào các KCN không hề giảm sút (năm 2021 đạt 5,298 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 2,083 tỷ USD và năm 2023 tới thời điểm này đạt gần 3 tỷ USD, xuất sắc về trước kế hoạch năm trước 4 tháng).
Đáng chú ý, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021- 2022 với nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD, chủ yếu là công nghệ cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng, tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho công nghiệp Hải Phòng. Nhiều sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh… Những con số về kim ngạch xuất khẩu; số nộp ngân sách; tạo việc làm cho hơn 191.000 lao động… đã phản ánh rõ nét vai trò và sự đóng góp của các KCN, KKT Hải Phòng.
- Theo đánh giá, sự phát triển các KCN, KKT mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vậy quan điểm, mục tiêu cũng như các cơ hội phát triển KCN, KKT của Hải Phòng trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
- Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp có bề dày lịch sử và trình độ phát triển cao hơn hầu hết các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa của thành phố những năm gần đây cao hơn đa số các địa phương trong vùng và cả nước.
Cùng với đó, NQ 45; NQ 30 của Bộ Chính trị; NQ đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững”.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung phát triển Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050 cụ thể hóa và xác định rất rõ nét định hướng phát triển công nghiệp, các KCN, đặc biệt cho phép Hải Phòng nghiên cứu, thành lập Khu kinh tế mới tạo động lực phát triển. Đây là thời cơ, vận hội phát triển KCN, KKT Hải Phòng.
Bên cạnh đó, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập thế giới; hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc; sự phát triển của công nghiệp 4.0… cũng mang lại nhiều cơ hội phát triển KCN, KKT của Hải Phòng. Hiện Hải Phòng đang trong giai đoạn phát triển bứt phá của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn để phát triển các KCN, KKT.
Quan điểm chung đã được thống nhất là tập trung phát triển các KCN, KKT có sức hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ; có tính cạnh tranh quốc tế; là điển hình trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đến năm 2030, hình thành hệ thống KCN, KKT phát triển ổn định, đồng bộ, hiện đại, hài hòa về kinh tế, môi trường và xã hội; phát triển công nghiệp phụ trợ;đi đầu trong cả nước trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; tạo thêm quỹ đất thu hút và hình thành địa bàn chiến lược của các tập đoàn lớn trên thế giới.
- Các mục tiêu cụ thể là gì, thưa đồng chí?
- BQL Khu Kinh tế đề xuất với thành phố, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy 14 KCN đã được thành lập đạt trên 70% và thành lập thêm 4 – 6 KCN mới; thực hiện chuyển đổi 2-3 KCN sinh thái; 1 KCN công nghệ cao; bảo đảm 100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu hút FDI vào các KCN, KKT đạt 12,5 - 15 tỷ USD; thu hút DDI đạt 10 - 15 tỷ USD; bình quân thu nhập người lao động tại KCN, KKT đạt 20 triệu đồng/người/tháng; hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha.
Đến năm 2030, thành lập thêm các KCN với diện tích khoảng 1.433 ha. KCN, KKT đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; thu hút FDI đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI đạt 12 - 16 tỷ USD; cơ bản đảm bảo nhà ở và các thiết chế cho công nhân, người lao động.
Một số KCN đã được quy hoạch thành lập là KCN Tràng Duệ 3 diện tích 620ha; KCN Thủy Nguyên 1000 ha; KCN An Hưng- Đại Bản 255 ha; KCN nam Tràng Cát 200ha; KCN Tân Trào 500-550 ha ; KCN Ngũ Phúc 450-500 ha; KCN Cầu Cựu 115ha; KCN Giang Biên 2 diện tích 370ha; KCN An Hòa 110 ha; KCN Vinh Quang, Vĩnh Bảo 310ha; KCN Vinh Quang, Tiên Lãng 1380ha; KCN Tam Cường 1300 ha; KCN sân bay Tiên Lãng 540ha; KCN Tam Hưng- Ngũ Lão 156ha; KCN thị trấn Vĩnh Bảo 880ha…
- BQL Khu Kinh tế tham mưu đề xuất và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phát triển KCN, KKT như thế nào, thưa đồng chí?
- BQL Khu Kinh tế tiếp tục tham mưu, đề xuất với thành phố các giải pháp thu hút đầu tư, trong đó coi thu hút FDI là động lực phát triển. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thu hút các nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng để đặt trụ sở và thực hiện các dự án tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Cụ thể lựa chọn một số tập đoàn trong nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu để xúc tiến đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo; điện tử - tin học; công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nâng cao tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng tăng suất đầu tư trên một diện tích đất; tăng tỷ lệ lao động kỹ năng, lao động có trình độ đại học trong tổng số lao động dự án; giảm hoặc hạn chế các dự án thâm dụng lao động.
Đối với vốn đầu tư trong nước, tập trung lựa chọn và thu hút các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đặt trụ sở và dự án sản xuất tại thành phố tạo ra việc làm chất lượng cao, nguồn thu thuế, sự đầu tư và gắn bó lâu dài với quá trình phát triển của Hải Phòng; tổ chức các hoạt động kết nối một cách thực chất và hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước với các doanh nghiệp FDI...
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các KCN đã được cấp phép (Tiên Thanh; Xuân Cầu; DEEP C3; Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ); giải quyết khó khăn công tác hỗ trợ, đền bù GPMB Khu công nghiệp VSIP..., Ban tham mưu, đề xuất nhanh chóng thành lập một số KCN mới, nhất là KCN Tràng Duệ 3; thành lập Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng... Đồng thời lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong Khu Kinh tế để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN.
Ban cũng tham mưu nghiên cứu ban hành một số chính sách của thành phố để khuyến khích phát triển công nghiệp, như chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách về phát triển liên kết ngành, chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp; đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời phát triển dịch vụ logistics và các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong KCN: hỗ trợ mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chi phí đào tạo, học nghề; hỗ trợ một số chi phí sinh hoạt.
Cùng với đó, kiện toàn, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước; chú trọng công tác hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao tính chuyên nghiệp; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; làm hài lòng nhà đầu tư; tất cả vì sự phát triển của các KCN, KKT và thành phố Hải Phòng.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Thanh thực hiện
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh