19:19 27/04/2023 Chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Huyện ủy An Dương mới đây, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đánh giá: An Dương có nhiều tiềm lực, lợi thế để phát triển và mong muốn huyện bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là một trong những cực tăng trưởng chủ yếu của Hải Phòng. Đây cũng chính là mục tiêu phấn đấu được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện An Dương đang nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Không lâu nữa, An Dương sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp quận với định hướng phát triển khá rõ nét là đô thị công nghiệp sinh thái, logictics thông minh và nông nghiệp công nghệ cao.
Đổi mới, quyết liệt, giàu sức sống
Thường trực Thành ủy đánh giá rất cao sự đổi mới, năng động, sáng tạo và kết quả đạt được của huyện An Dương trong hơn nửa nhiệm kỳ đưa nghị quyết đại hội lần thứ 18 của Đảng bộ huyện vào cuộc sống. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhận định, An Dương đang có sức sống rất mạnh mẽ; cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong những năm gần đây và có thêm niềm tin về sự phát triển bứt phá đi lên trong những năm tới.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, An Dương là một trong những điểm sáng của thành phố về tốc độ tăng trưởng kinh tế; diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi nhanh chóng, thực sự khởi sắc. Công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ có nhiều đổi mới, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, bài bản, các vị trí sau sắp xếp đều phát huy được năng lực, sở trường, tạo sự đồng thuận thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây chính là tiền đề quan trọng để An Dương trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2025.
Theo Bí thư Huyện ủy An Dương Trần Thị Quỳnh Trang, từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự quyết liệt và tập trung lãnh đạo của Đảng bộ huyện, An Dương đạt nhiều kết quả toàn diện, 3 năm liên tục các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2020- 2022 đạt 16,53%; thu ngân sách bình quân 3 năm tăng 28,11%, tăng 8,11% so với chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra; nguồn lực đầu tư toàn xã hội đạt 114.446 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch 5 năm.
Trên địa bàn huyện hiện có 3 KCN (Tràng Duệ, An Dương, Nhật Bản- Hải Phòng) và 1 CCN An Hồng, thu hút hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn với nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương và hàng vạn lao động ngoại tỉnh.
Đáng chú ý, An Dương có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện có 125 cánh đồng với tổng diện tích 1685 ha đất sản xuất 4 vụ/năm, trong đó có 20 cánh đồng cho thu nhập từ 800 triệu đồng- 1 tỷ đồng/ha/năm; 25 cánh đồng cho thu nhập 300-500 triệu đồng/ha/năm; 85 cánh đồng cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha/năm. Trong 3 năm, huyện đã thành công trong chuyển đổi 442,6/883 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao; đồng thời tập trung phát triển sản xuất trồng hoa, cây cảnh là thế mạnh của huyện.
Chỉ tính trong dịp Tết Quý Mão 2023, tổng thu nhập từ hoa, cây cảnh của người dân huyện An Dương lên tới 258 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Số hộ giàu của huyện ngày càng nhiều hơn; đời sống, thu nhập tăng cao. Cũng là một kỳ tích khi hết năm 2022, huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí NTMKM tại 8/15 xã.
Thật đáng mừng khi đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông của huyện An Dương có sự thay đổi rõ rệt, mang lại nhiều giá trị gia tăng và sự phấn khởi trong nhân dân. Đó là các tuyến đường Máng Nước; quốc lộ 17 B đoạn qua các xã An Hòa, Hồng Phong, Lê Lợi, thị trấn An Dương và An Đồng; đường liên xã Đặng Cương- Quốc Tuấn; đường Hỗ- Hồng Phong; đường liên xã An Hưng- An Hồng; liên xã Tân Tiến- Lê Thiện; Nam Sơn- Bắc Sơn; xây mới cầu Hỗ…
Cùng với các tuyến đường NTMKM, đường đi lối lại của An Dương chưa bao giờ lại thênh thang, rộng mở, hiện đại đến thế. Nhiều khu đô thị mới liên tục mọc lên như 2 dự án nhà ở xã hội tại xã An Đồng; 3 dự án nhà ở thương mại tại các xã Đặng Cương; Lê Lợi; An Hồng… Giá trị đất đai của huyện tăng lên từng ngày; tiềm lực kinh tế của huyện ngày càng mạnh mẽ. Từ đó, huyện có điều kiện thực hiện tốt các chính sách ASXH, chăm lo gia đình chính sách; giảm nghèo (số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 chỉ còn 0,72%, tiến tới năm 2025 không còn hộ nghèo). Có thể thấy một khí thế mới, diện mạo mới, quyết tâm mới đang được thể hiện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực của huyện An Dương.
Nỗ lực đưa An Dương trở thành quận
Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định phấn đấu đưa huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2025. 3 năm qua, thành phố chỉ đạo rất sát sao và huyện An Dương chủ động phối hợp với các ngành thành phố tích cực chuẩn bị các công việc, thủ tục cần thiết và đạt được kết quả bước đầu.
Chủ tịch UBND huyện An Dương Phạm Việt Hùng cho biết, thành phố đã đồng ý phương án sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp xã thành 12 đơn vị hành chính cấp phường để xây dựng đơn vị hành chính cấp quận An Dương. Cụ thể, thành lập 8 phường trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 8 xã An Hòa, An Đồng, An Hồng, Đại Bản, Đồng Thái, Hồng Phong, Hồng Thái, Lê Thiện; sáp nhập thị trấn An Dương và xã Lê Lợi; xã Nam Sơn và Bắc Sơn; xã Đặng Cương và Quốc Tuấn; xã Tân Tiến và An Hưng để trở thành 4 phường mới. Huyện cũng tiến hành khảo sát, hoàn thiện ý tưởng lập quy hoạch phân khu đô thị 1/2000 An Dương; hoàn thiện danh mục đầu tư phát triển đô thị trình thành phố.
Tuy nhiên, huyện đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc; một khối lượng công việc khổng lồ và cần rất nhiều nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí lên phường, lên quận. Một số thủ tục về quy hoạch, phát triển đô thị đang phải chờ Quy hoạch chung của thành phố. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường sẽ làm dôi dư khoảng 49 CBCC cấp xã, 27 viên chức quản lý giáo dục là bài toán cần có phương án xử lý. Đặc biệt, các nguồn lực cần có rất lớn để đầu tư các công trình, dự án theo tiêu chí đô thị…
Mặc dù vậy, quyết tâm trở thành quận vào năm 2025 cũng rất lớn. Trên chặng đường đó, huyện An Dương có sự đồng hành, ủng hộ rất cao của lãnh đạo thành phố và các ngành. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nêu rõ, Đảng bộ huyện cần tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu này, việc gì làm trước được cần khẩn trương, không chờ đợi. BCĐ thực hiện đề án đưa huyện An Dương trở thành quận hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, có kế hoạch, kịch bản rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ nội dung công việc, sản phẩm…
Đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố tiếp tục xem xét tăng nguồn lực đầu tư cho An Dương, có thể ưu tiên để lại một số khoản thu cho huyện. Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, theo tính toán, nhu cầu của huyện cần khoảng 2900 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công 5 năm 2020- 2025 và thành phố đã bố trí cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2750 tỷ đồng, bao gồm 2000 tỷ đồng cho xây dựng NTMKM, 750 tỷ đồng phân cấp cho huyện. Mặc dù vậy, nhu cầu vốn cho phát triển của An Dương rất lớn nên Sở KHĐT đang phối hợp với các ngành thực hiện một số dự án lớn khác trên địa bàn bằng nguồn ngoài ngân sách như dự án xử lý nước thải 1600 tỷ đồng; 15 dự án khác đang được nghiên cứu trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong điều hành vốn đầu tư công, thành phố cũng sẽ xem xét, điều chỉnh vốn từ các dự án chậm triển khai để phân bổ cho An Dương. Vấn đề đặt ra là huyện cần tăng cường hơn nữa năng lực hấp thụ các nguồn vốn, các dự án, nhất là công tác GPMB, CCHC, chuyển đổi số… Huyện cũng cần chủ động giải quyết hoặc có phương án đề xuất giải quyết những áp lực, khó khăn do quá trình đô thị hóa, sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, CCN về gia tăng dân số cơ học; hệ thống y tế, giáo dục…, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.
Theo Bí thư Huyện ủy An Dương Trần Thị Quỳnh Trang, cùng với nỗ lực đưa An Dương lên quận, huyện An Dương đã xác định các khâu đột phá trong phát triển kinh tế, đó là công nghiệp công nghệ cao gắn với logictics; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đô thị sinh thái… Hiện An Dương đã tạo dựng được các nền tảng khá vững chắc. Sắp tới, huyện tiếp tục mở rộng KCN Nhật Bản- Hải Phòng thêm 200 ha; CCNTràng Duệ thêm 60 ha; CCN Lê Thiện- Đại Bản 70 ha. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các dự án giao thông; chuẩn bị khởi công 2 dự án nhà ở xã hội và hoàn thiện thủ tụ thu hút đầu tư đối với 15 dự án phát triển nhà ở với diện tích 275ha. Nông nghiệp An Dương sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; hoàn thành 15 xã NTMKM vào năm 2025.
Như vậy, tiềm năng, cơ hội, dư địa phát triển huyện An Dương vô cùng rộng mở. Có sự quan tâm hỗ trợ, giúp sức của thành phố; có sự đồng lòng, nhất trí, đổi mới, sáng tạo, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ huyện, chắc chắn An Dương sẽ thay da đổi thịt từng ngày, có sức sống mãnh liệt, tiềm lực kinh tế ngày càng tăng cao, xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của thành phố Hải Phòng./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh