15:01 10/03/2023 Trong cuộc làm việc mới đây của Thường trực Thành ủy tại huyện Tiên Lãng, hầu hết các ý kiến nhận định: muốn Tiên Lãng phát triển bứt phá, cần nhanh chóng thoát khỏi thế thuần nông. Từ đó, định hướng được xác định cho huyện là: đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp; phát huy tiềm năng để phát triển kinh tế biển; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao… Trên chặng đường đó, Tiên Lãng đã có sự quan tâm, đầu tư của thành phố. Việc còn lại chính là sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hành động, phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện.
Rà soát lại các khâu đột phá
Theo Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng Nguyễn Thị Mai Phương, nghị quyết đại hội lần thứ 29 của Đảng bộ huyện đề ra 3 khâu đột phá trong phát triển giai đoạn 2020-2025. Đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, xây dựng Tiên Lãng trở thành trung tâm sản xuất và thu mua và chế biến rau, củ, quả phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khâu đột phá thứ hai là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh nguồn thu ngân sách. Khâu đột phá thứ ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, sau gần nửa nhiệm kỳ nhìn lại, Tiên Lãng cần có sự rà soát, đánh giá cụ thể về hiệu quả để bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy nêu rõ: mục tiêu đưa Tiên Lãng trở thành trung tâm sản xuất, thu mua và chế biến rau, củ, quả đang đứng trước rất nhiều thách thức. Bối cảnh mà Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu này là có sự đầu tư của Nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood và các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Nay dự án dừng hoạt động nên ảnh hưởng không nhỏ tới khâu đột phá đầu tiên mà huyện đề ra và cần phải có ngay các giải pháp khắc phục. Hơn nữa, với chỉ tiêu thu ngân sách, kết quả chưa thật bền vững, có thời điểm còn đi thụt lùi, còn phụ thuộc nhiều vào tiền đất nên cũng cần phải đánh giá, xem xét lại.
Đồng chí Đào Trọng Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cũng nhận xét: trong 3 khâu đột phá thì có tới 2 khâu kết quả đạt được chưa thật rõ nét. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác cán bộ cả hiện tại và cho nhiệm kỳ sau có cơ cấu, chuyên môn đào tạo chưa cân đối, còn thiếu nhân lực về kinh tế, kỹ thuật, quản lý đất đai…
Chính vì vậy, mặc dù Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng Nguyễn Thị Mai Phương dự kiến 15/15 chỉ tiêu lớn huyện thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Đại hội 29 đề ra nhưng muốn phát triển nhanh và bứt phá, Tiên Lãng cần nhìn lại và xác định các định hướng phát triển phù hợp hơn.
Bước đi vững chắc trên cả 3 chân
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Gia Khánh, Tiên Lãng có diện tích trồng trọt lớn thứ hai thành phố; có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất thành phố; có diện tích nuôi trồng thủy sản cũng lớn nhất thành phố với rất nhiều mô hình hiệu quả.
Quả thật, với 40% diện tích lúa đặc sản hàng năm; hơn 1000 ha diện tích thuốc lào; 87 vùng sản xuất tập trung; 13 vùng canh tác hữu cơ; 156 trang trại chăn nuôi; 7 vùng sản xuất và 2 trang trại được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; 7 vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng; 10 sản phẩm được công nhận và đang chờ công nhận sản phẩm OCOP; 9 sản phẩm được bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử…, thế mạnh về nông nghiệp của Tiên Lãng đã nhìn thấy rõ và đang được phát huy khá hiệu quả.
Bên cạnh đó, Tiên Lãng đi đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu Kiến Thiết, Cấp Tiến, Tiên Thắng; đang triển khai tiếp tại 5 xã Tự Cường, Bạch Đằng, Tây Hưng, Hùng Thắng, Vinh Quang và khả năng tới năm 2025, 100% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Thế nhưng, để đi lên, Tiên Lãng không thể chỉ trông chờ vào nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ: nhằm tạo điều kiện cho Tiên Lãng phát triển, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực khá lớn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của huyện.
Đó là cầu Đăng, cầu Hàn; là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện; đường từ ngã ba Đoàn Lập- cầu Hàn; quốc lộ 37 (từ ngã ba đường Rồng đến ngã ba Đoàn Lập); đường từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường phòng chống lụt bão và đường liên xã Bắc Hưng- Nam Hưng- Đông Hưng- Tây Hưng; đường bao phía nam kênh Huyện đội; đầu tư xây dựng hạ tầng các xã nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu…
Quan trọng hơn cả là thành phố đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư Khu Công nghiệp Tiên Thanh với diện tích hơn 400 ha; thành lập các cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng; Đại Thắng; Tiên Cường 2; Quang Phục và đang tiếp tục xem xét một số cụm công nghiệp khác. Cùng với đó là đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án KCN Tiên Thanh; đường vào KCN Tiên Thanh và các dự án trên địa bàn…
Như thế, lực đẩy đã có và Tiên Lãng phải phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm GPMB; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để các dự án phát triển công nghiệp này đi vào hoạt động, tạo nên những giá trị gia tăng lớn cho huyện. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu chỉ rõ: huyện cần tăng tốc, đi trước đón đầu trong đào tạo nông dân thành công nhân và cả thành công nhân nông nghiệp. Đây là yếu tố mấu chốt cơ bản để huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cao, tăng thu ngân sách và tăng thu nhập cho người dân.
Một mũi tiến công thứ ba của Tiên Lãng chính là phát huy lợi thế về sông, biển. Tiên Lãng có 3 mặt giáp sông; 1 mặt giáp biển, có lợi thế sa bồi và mở rộng diện tích tự nhiên ra phía biển… Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là triển khai và thực hiện quy hoạch nuôi nhuyễn thể tại khu vực biển của xã Vinh Quang theo chỉ đạo của thành phố…
Có thể thấy, Tiên Lãng là vùng đất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển rất rộng mở. Các định hướng phát triển đã khá rõ ràng, nhiều nguồn lực lớn đang được khơi thông. Trong đó, đáng chú ý chính là nguồn sức mạnh nội lực của huyện. Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nêu rõ: Tiên Lãng là địa phương giàu truyền thống cách mạng; anh dũng chống càn, phá càn; là huyện Anh hùng; có 11 xã Anh hùng; có những người con bất khuất kiên trung, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ thành phố và đất nước. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, Tiên Lãng cũng đi đầu trên nhiều lĩnh vực.
Đây chính là nguồn lực quan trọng nhất của huyện, là động lực để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện nỗ lực vươn lên, thực hiện bằng được khát vọng phát triển. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, trong giai đoạn hiện nay, Tiên Lãng càng phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực quan trọng này, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; chính quyền hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất tạo thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thành công. Đặc biệt là phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm…, chắc chắn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Trong giai đoạn phát triển mới, Tiên Lãng có sự ủng hộ, giúp sức rất lớn của thành phố. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đều nhất trí cao với đề xuất của huyện về nghiên cứu đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường 354 từ ngã năm Kiến An tới Thái Bình, đoạn qua quận Kiến An, huyện An Lão và Tiên Lãng, trong đó có cầu Khuể nối giữa An Lão và Tiên Lãng; về tiếp tục thành lập các cụm công nghiệp; về phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao… Có sự quan tâm, ủng hộ của thành phố cùng sự chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh nội lực của địa phương, Tiên Lãng sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Hồng Thanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh