Phát triển kinh tế biển tại Hải Phòng: Biến tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực thực tế (Kỳ 2)

11:06 07/08/2024

Kỳ 2: Vươn mạnh ra biển, làm giàu từ biển Tiềm năng, lợi thế lớn, đã từng bước biến thành nguồn lực thực tế để phát triển Hải Phòng nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì mới chỉ khai thác một phần nhỏ, nguồn tài nguyên biển đang bị lãng phí. Nhận thức được điều đó, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự quyết tâm cao của thành phố, Hải Phòng đang tiếp tục vươn mạnh ra biển, làm giàu từ biển.

                                                                       Khắc phục những điểm nghẽn

          Trong phát triển kinh tế biển, Hải Phòng đang có một số điểm nghẽn.Mặc dù  hệ thống cảng biển Hải Phòng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua nhưng đi kèm theo đó là sự manh mún, nhỏ bé bởi sự chia cắt, cạnh tranh lẫn nhau, làm giảm tính hiệu quả. Khu vực Hải Phòng hiện có tới gần 40 cảng lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, chỉ có một số cảng lớn khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện được đầu tư bài bản, thiết bị hiện đại, còn lại hầu hết đầu tư từ vài chục năm nay, chậm đổi mới. Đáng lưu ý khi sự cạnh tranh về giá dịch vụ diễn ra khá căng thẳng, có thời kỳ các cảng thi nhau hạ giá để thu hút khách hàng dẫn tới làm giảm sức hấp dẫn của cảng biển, nhất là về lợi nhuận. Sự cạnh tranh, giẫm chân nhau, mạnh ai nấy làm, thiếu tính liên kết cũng có tác động không nhỏ tới năng suất bốc xếp và mong muốn đầu tư hiện đại hóa.

                                          Cát Bà được đánh giá là đảo ngọc, khu du lịch biển nổi tiếng của Hải Phòng

          Bên cạnh đó, luồng tàu cũng là một vấn đề lớn, vẫn loanh quanh luẩn quẩn với bài toán nạo vét hàng năm, để rồi năm nào luồng cũng bị sa bồi, không đủ chuẩn tắc thiết kế và năm nào cũng nạo vét muộn.

          Đối với hệ thống giao thông kết nối, chỉ có đường bộ là tương đối thuận tiện, còn đường sắt, đường thủy nội địa còn nhiều bất cập. Tình trạng quá tải, tắc đường liên tục xảy ra.  Sự đầu tư cho các khu du lịch biển chưa tương xứng, còn bị kiềm chế bởi lợi ích kinh tế của một số cơ quan, tổ chức nên chưa thu hút được nguồn lực lớn khác đầu tư đồng bộ cho ra tấm ra miếng. Hơn thế nữa, thực hiện Chiến lược biển cũng phải chú trọng tới những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

           Còn rất nhiều vấn đề lớn, bất cập, những khó khăn, vướng mắc khác liên quan tới quy hoạch, kế hoạch, quản lý hành chính, khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển… Tất cả những điều đó đang làm ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện Chiến lược biển Việt Nam tới năm 2045 tại Hải Phòng.

                    Tăng tốc bứt phá

           Nhận diện rõ những điểm nghẽn, Hải Phòng đang từng bước có giải pháp khắc phục. Theo đó, về phát triển Cảng biển, thành phố chủ trương tiến xa tại khu bến cảng nước sâu Lạch Huyện với hàng chục bến cảng đang được khẩn trương xây dựng. Khắc phục bất cập về chiều dài bến cảng của các bến 1,2,3,4 (tổng chiều dài bến 750 m nên khó thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu có tải trọng lớn, dẫn tới đón 1 tàu thì thừa, 2 tàu thì thiếu, lãng phí nguồn lực đầu tư trong khi xu hướng đóng mới và khai thác tàu tải trọng và chiều dài lớn ngày càng phát triển, hầu hết các đơn đóng mới tàu có tải trọng hơn 10.000 TEU), 2 bến số 5,số 6 đã tăng lên dài 900m và đây cũng là xu hướng của các bến tiếp theo.

                                       Khu công nghiệp, dịch vụ và phi thuế quan Xuân Cầu được khởi công tháng 5- 2023

Không lâu nữa, bến cảng Hoàng Diệu sẽ được di dời để xây dựng những công trình mới; các bến cảng nhỏ nằm sâu trong nội địa cũng sẽ được quy hoạch lại và tiến mạnh về phía Đình Vũ, Lạch Huyện. Gần đây, thành phố đang xúc tiến các công việc cụ thể để xây dựng cảng nam Đồ Sơn và như vậy thì Hải Phòng có thế mạnh riêng có về cảng biển ở khu vực phía Bắc mà không địa phương nào có được.

          Cùng với đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không; đường sắt, đường thủy nội địa…, các khó khăn, vướng mắc, bất cập của Hải Phòng đã được chú ý để khắc phục, giải quyết. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có 4 tuyến đường sắt liên quan đến khu vực thành phố Hải Phòng.

      Cụ thể, xây mới tuyến đường sắt mới đường đôi, khổ 1.435mm Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến chạy dọc tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (phía nam đường cao tốc) đến ga Nam Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn, Lạch Huyện, dự kiến thực hiện năm 2030; xây mới đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến song song với đường bộ ven biển, dự kiến thực hiện vào năm 2030; nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt nối đường sắt Yên Viên - Hạ Long đi cảng Lạch Huyện. Đây sẽ là tuyến phục vụ vận tải hàng hóa (qua thành phố mới Thủy Nguyên) khi có nhu cầu, dự kiến thực hiện vào năm 2030.

           Bộ Giao thông Vận tải cũng đang nghiên cứu phương án tuyến vận tải thủy nội địa kiểu mẫu kết nối nguồn hàng từ các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và các tỉnh lân cận gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội về cảng biển Hải Phòng bằng Đường thủy nội địa thông qua các tuyến: Kênh Cái Tráp - sông Cấm - sông Hàn- sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống.quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long).

           Cùng với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, nâng công suất; Cảng Hàng không quốc tế Tiên Lãng đã được đưa vào quy hoạch để thực hiện. Hệ thống giao thông đường bộ ngày càng đồng bộ, hiện đại với một loạt tuyến đường cao tốc; các cây cầu kết nối liên vùng. Như vậy, 5 loại hình giao thông của Hải Phòng đã được quan tâm, đầu tư bằng cả nguồn lực Trung ương, thành phố; nguồn lực tại doanh nghiệp để ngày càng thuận tiện, đồng bộ, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển của Hải Phòng.

          Đặc biệt, trong năm 2024, Hải Phòng tập trung cao độ thực hiện xây dựng đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam. Hiện đề án đã hoàn thiện và đang trình Chính phủ phê duyệt. Với đề án này, dư địa phát triển kinh tế biển Hải Phòng ngày càng rộng mở với đề xuất thành lập Khu Thương mại tự do gắn liền với cảng nam Đồ Sơn; Cảng Hàng không quốc tế Tiên Lãng, tuyến đường bộ ven biển và hàng chục KCN; khu đô thị mới ven biển; các trung tâm logistics; trung tâm thương mại…

                                               Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng đánh thức tiềm năng du lịch biển tại quận Đồ Sơn

          Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đang tập trung kêu gọi phát triển điện gió ngoài khơi để khai thác tiềm năng, thế mạnh biển. Hiện Hải Phòng đã có Khu công nghiệp, dịch vụ và khu phi thuế quan Xuân Cầu hơn 752 ha tại khu vực Lạch Huyện hứa hẹn có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư, khi có thêm Khu Thương mại tự do và  Khu Kinh tế ven biển phía nam, chắc chắn các mục tiêu phát triển kinh tế biển của Hải Phòng sẽ hoàn thành và tăng tốc, bứt phá.

Nghị quyết số 36-NQ/TW khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ, “Về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030” yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biển cần nỗ lực cao, đổi mới sáng tạo, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển.

Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng…

          Có thể nói, đây chính là cơ sở để cùng với các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng sẽ khai thác, phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả miền bắc; là động lực phát triển của cả vùng, miền Bắc và cả nước./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông