17:07 30/06/2017
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến việc sang chiết gas gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Mặc dù Cảnh sát PCCC thành phố thường xuyên kiểm tra hướng dẫn, xử lý vi phạm nhưng nguy cơ xảy ra sự cố trên tại Hải Phòng vẫn đang tiềm ẩn.
Nguy cơ cao về cháy nổ
Trên địa bàn Hải Phòng hiện có hàng chục kho, đại lý phân phối cùng hàng trăm cửa hàng kinh doanh, bán lẻ gas chuyên doanh hoặc không chuyên doanh với số lượng phương tiện vận chuyển không cố định. Việc chiết nạp gas tiến hành chủ yếu tại các tổng kho theo quy trình sản xuất được giám sát khá chặt chẽ của thiết bị hỗ trợ và cán bộ, công nhân viên đã được đào tạo trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, mối lo cháy nổ lại xuất phát từ chỗ nhiều cá nhân vì lợi nhuận, bất chấp sự nguy hiểm, kinh doanh trái phép bằng cách “chui lủi” tự sang chiết gas tại gia đình, những khu nhà trọ để dễ bề trốn tránh pháp luật. Tất nhiên, các cơ sở này tồn tại rất nhiều sai phạm về PCCC như: sử dụng các phương tiện thô sơ thực hiện việc sang chiết, không bảo đảm khoảng cách an toàn, không có phương tiện PCCC, nhân viên không được huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Chưa kể, hiện trên thị trường vẫn “trôi nổi” các loại bình gas lớn, nhỏ không rõ nguồn gốc, đã qua sử dụng lâu ngày, hoen rỉ, phụ kiện không được thay thế dẫn tới khi đưa vào sử dụng, nhiều bình, ống dẫn bị rò rỉ, gây mất an toàn.
Nhà sản xuất đã quy định rất rõ bình gas mini phải bảo đảm tỷ lệ 70% butan và 30% propan. Để tránh trường hợp khí giãn nở gây nổ trong môi trường nhiệt độ cao, hoặc va chạm khi vận chuyển, thông thường, nhà sản xuất chỉ bơm đầy 80% thể tích bình. Trong khi đó, các cơ sở sang chiết gas trái phép tái sử dụng vỏ bình, lại nạp gas từ bình loại 12kg hay công nghiệp loại 45kg, có tỷ lệ 50% butan - 50% propan.
Tỷ lệ này làm áp suất hơi bão hòa của gas trong bình sẽ vượt quá áp suất cho phép. Cộng với đó, việc sang chiết gas chỉ được thực hiện thủ công, không có phương tiện dụng cụ chuyên dụng và dựa trên cảm tính.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Những bình gas được sản xuất kém chất lượng sẽ xuống cấp nhanh, độ an toàn giảm, gioăng, đệm giữ kín gas hở, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Đó là một thực tế không cần phải bàn cãi. Ngoài ra, việc sang chiết gas trái phép của các hộ kinh doanh cũng tiềm ẩn nguy cơ cho chính họ. Các số liệu vụ việc điều tra của Phòng Pháp chế, điều tra - xử lý về cháy, nổ (Cảnh sát PCCC TP) đã minh chứng điều đó.
Đơn cử là vụ cháy lớn làm hư hỏng nặng ngôi nhà 2 tầng số 63/308 Hoàng Quốc Việt, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An vào 11h 23’ ngày 27-2-2014 do Trần Tuấn An và Vi Văn Quân, cùng quê xã Khải Xuân, huyện Thanh Bá, tỉnh Phú Thọ gây ra.
Cả hai thuê căn nhà trên để sang chiết gas trái phép. Trong quá trình sang chiết, khí gas đậm đặc gặp nguồn nhiệt từ bếp đang nấu nước cách đó 2m, đã gây cháy. Cảnh sát PCCC TP đã thu giữ tại đây 77 bình gas loại 12kg, 760 bình gas mini, 1 giàn sang chiết gas 3 nhánh, 3 bình gas mini. Mỗi bình gas loại 12 kg đã được đối tượng rút bớt ra khoảng 10 bình gas mini, đem bán kiếm lời từ thủ đoạn ăn bớt trên.
Tương tự là vụ cháy tại nhà bà Thái Thị Kim Thanh, ở số 316 Ngô Gia Tự, quận Hải An lúc 10h02’ ngày 11-5-2014. Tại hiện trường, Cảnh sát PCCC thu giữ 20 bình gas mini đã qua sử dụng. Bà Thanh khai nhận đã mua những bình gas này của người bán hàng rong. Vụ cháy xảy ra là do các bình gas mini đã qua sử dụng, rò rỉ khí gas đậm đặc gặp nguồn nhiệt từ bếp than tổ ong đang ủ nhiệt gây cháy, nổ và cháy lan ra xung quanh, làm 1 người bị bỏng.
Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy xảy ra lúc 2h35’ ngày 17-4-2014 tại nhà ông Nguyễn Ngọc Bảng, ở số 7/8/30 Dư Hàng, quận Lê Chân. Vụ cháy đã làm ông Bảng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh bị bỏng nặng vùng mặt, chân tay và đường hô hấp, phải điều trị nhiều tháng ở Bệnh viện bỏng Trung ương. Nguyên nhân là do vợ chồng ông Bảng khi chuẩn bị đồ nấu cỗ thuê có sử dụng bình gas, làm khí gas rò rỉ bắt lửa từ bếp than tổ ong đặt cách đó khoảng 0,75 m gây cháy.
Để hạn chế nguy cơ cháy, nổ từ gas, bảo đảm an toàn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi sử dụng, cùng với đó là sự vào cuộc đồng bộ của cả cộng đồng, nhất là cấp, ngành, lực lượng chức năng (đặc biệt là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTATXH). Cảnh sát PCCC thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện, các ngành, đơn vị, cá nhân sở hữu, quản lý cơ sở tồn chứa, chiết nạp, kinh doanh, vận chuyển gas phải thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về PCCC; giải quyết xử lý dứt điểm các cơ sở tồn chứa, chiết nạp gas chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh gas không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nhất là với cơ sở sang chiết nạp gas trái phép. Các cơ sở, cá nhân kinh doanh gas cần được sự kiểm tra thường xuyên để phát hiện, điều chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong lựa chọn phương tiện cũng như bảo đảm an toàn khi sử dụng gas. Các cơ quan chủ quản cũng nên tăng cường nghiên cứu, sản xuất các loại bình chứa, bếp, van, khóa, dây dẫn, thiết bị cảnh báo khí gas... có độ an toàn cao, tiện lợi hơn để góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc từ việc kinh doanh, sử dụng gas cho người dân trên địa bàn thành phố.
Lệ Trang
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết