20:03 08/12/2022 Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, chiều 8-12, HĐND thành phố đã dành trọn thời gian cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trả lời chất vấn tại hội trường hàng loạt vấn đề cử tri thành phố quan tâm liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, đầu tư công, chỉnh trang đô thị, an toàn giao thông, công thương… được đánh giá là thẳng thắn, rõ trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Việt Tuấn về một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu không đạt kế hoạch năm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng xác nhận, theo báo cáo kinh tế- xã hội năm 2022 có 5/19 chỉ tiêu dự kiến không hoàn thành kế hoạch năm, trong đó có chỉ tiêu GRDP, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP), tổng vốn đầu tư toàn xã hội… Tuy nhiên, điều “lo” nhất theo Chủ tịch UBND thành phố là chỉ tiêu về thu ngân sách nội địa không đạt theo kế hoạch (41.000 tỷ đồng), mặc dù tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và hải quan vẫn đạt kế hoạch với con số hơn 108.000 tỷ đồng. “Thu nội địa 11 tháng đạt khoảng hơn 32.000 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán giao.
Nguyên nhân là khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường giảm do ảnh hưởng chính sách miễn giảm thuế để phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, các khoản thu từ khu vực ngoài quốc doanh và thu tiền sử dụng đất đều hụt thu, chủ yếu do Cty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast chuyển sang sản xuất xe điện nên thuế tiêu thụ đặc biệt của Cty hụt, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ và hụt hơn 3.4000 tỷ đồng so với tiến độ thu bình quân dự toán giao…”, Chủ tịch UBND thành phố cho hay.
Về tình hình thực hiện chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IPP), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong 11 tháng năm 2022 ước tăng 14,1% so với cùng kỳ và dự kiến cả năm tăng 14,5% so với năm 2021 trong khi theo kế hoạch là 19-20% năm. Nguyên nhân năm 2022, tình hình thế giới và trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các đơn hàng, khu vực xuất khẩu vẫn bị cắt giảm. Mặt khác đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu nên không đủ nguyên liệu sản xuất, một số ngành sản xuất đã phải cơ cấu, điều chỉnh lại sản xuất. “Mặc dù năm nay chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp không đạt kế hoạch nhưng thành phố vẫn đặt ra mục tiêu nỗ lực thực hiện. Về giải pháp, Hải Phòng sẽ tiếp tục tập trung GPMB, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để có mặt bằng cho các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND thành phố, Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố đã xác định danh mục dự án trọng điểm năm 2022 gồm 29 dự án, trong đó có 5 dự án dự kiến khánh thành và 21 dự án dự kiến khởi công trong năm 2022. Tuy nhiên, còn tình trạng dự án trọng điểm chậm tiến độ. Điển hình, các dự án dự kiến khánh thành như dự án cải tạo quốc lộ 10, cải tạo tuyến đường 359 (Thủy Nguyên), tuyến đường bộ ven biển, Quốc lộ 37… đều không đạt tiến độ. Các công trình chưa được khởi công theo kế hoạch như công trình Trung tâm chính trị- hành chính, Trung tâm hội nghị biểu diễn thành phố. Ngoài ra, các dự án ngoài ngân sách như Trung tâm thương mại Chợ Sắt hiện cũng chưa được tiếp tục thi công, các dự án: khu số 4 Trần Phú, KCN Tràng Duệ 3 chưa được khởi công.
Nguyên nhân là do những vướng mắc trong công tác GPMB và quy hoạch; một số dự án phải thực hiện thủ tục thi tuyển phương án kiến trúc, điều chỉnh chủ trương đầu tư và thực hiện các thủ tục thẩm định liên quan đến cơ quan TW mất nhiều thời gian dẫn tới chậm tiến độ thực hiện. Về khách quan, biến động tăng giá vật tư, nhiên vật liệu, lãi suất ngân hàng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Về trách nhiệm, Chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn nhận trách nhiệm trong đó có cả trách nhiệm của các sở ngành, địa phương đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tập trung cao công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra các cơ quan trong các khâu, các bước chuẩn bị và thực hiện dự án.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND cho biết, kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là hơn 20.000 tỷ đồng. Đến ngày 30-11-2022, thành phố đã giải ngân được hơn 9.000 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch HĐND thành phố giao và bằng 77% Thủ tướng Chính phủ giao. “Nếu so sánh giá trị tuyệt đối trong 2 năm 2021 và 2022 là tương đương do khối lượng vốn giải ngân trong năm 2022 lớn hơn. Để khắc phục việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố cam kết chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu, tập trung nguồn lực thi công. Các chủ đầu tư, các sở ngành, quận huyện khi lập chủ trương đầu tư dự án cần sát với thực tế và tập trung cao cho công tác GPMB các dự án, phấn đấu đến hết tháng 1-2023 sẽ cơ bản giải ngân hết vốn cho các dự án.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Thích Quảng Tùng và Phạm Văn Hà về nội dung nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, Chủ tịchUBND thành phố cho biết, theo đề án thành phố sẽ triển khai xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho khoảng 8.600 hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ, góp phần giải quyết đồng bộ, triệt để các vấn đề chung cư cũ, tập trung tại các quận: Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, Đồ Sơn…
Tại quận Ngô Quyền, thành phố đã lựa chọn khu đất tại Tổng kho 3 Lạc Viên, phường Máy Chai và Cầu Tre, hiện đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tại quận Lê Chân, thành phố đã lựa chọn vị trí 2 khu vực, tại quận Đồ Sơn đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án Khu chung cư Đồ Sơn bằng nguồn vốn xã hội hóa, dự kiến năm 2024 sẽ đưa vào sử dụng. Trên địa bàn quận Kiến An, dự kiến xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu đô thị phường Đồng Hòa, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
Đối với việc xây dựng các chung cư mới thay thế chung cư cũ, Chủ tịch UBND thành phố thông tin, đến nay thành phố đã xây dựng hoàn thành chung cư U19 Lam Sơn, N1-N2 Lê Lợi và HH3-HH4 Đổng Quốc Bình. Tuy nhiên, qua đánh giá, tiến độ đưa các hộ dân về chung cư mới cơ bản đảm bảo tiến độ nhưng việc đưa các hộ về chung cư HH3, Đổng Quốc Bình còn chậm.
Cụ thể, công trình này đã được chủ đầu tư bàn giao cho thành phố từ ngày 26-4 song đến nay vẫn chưa ban hành được nguyên tắc bố trí, sắp xếp các hộ dân về chung cư mới, trong khi các hộ vẫn phải ở tạm cư do thành phố bố trí hoặc thuê nhà tạm cư. Trách nhiệm trên thuộc về Sở Xây dựng và quận Ngô Quyền do đã chậm triển khai chỉ đạo của UBND thành phố.
Mặt khác cũng có trường hợp người dân chưa tích cực phối hợp trong việc thiết lập hồ sơ, cung cấp đầy đủ tài liệu theo quy định. “UBND thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các sở ngành khẩn trương thực hiện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân dân, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Liên quan đến an toàn giao thông tại khu vực cổng KCN Nomura giao với tuyến quốc lộ 5 cũ, Chủ tịch UBND thành phố cho hay, UBND thành phố đã giao cho Ban quản lý các dự án giao thong thành phố nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Theo Chủ tịch UBND thành phố, việc đầu tư cải tạo nút giao thông tại khu vực này không lớn song gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thủ tục đầu tư liên quan đến Bộ Giao thông vận tải. Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục xin ý kiến của Chính phủ và các bộ ngành xây dựng phương án xử lý, đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt UBND thành phố sẽ chỉ đạo CATP tăng cường đảm bảo TTATGT khu vực trên.
Cũng tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề về tình hình thực hiện chương trình cây xanh, công viên; giải pháp cho các điểm, bãi đỗ xetrong khu vực nội thành…
THỦY NGUYÊN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh