22:40 26/09/2023 Sáng 26-9, tại Hải Phòng, đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng; tỉnh Quảng Ninh; Hải Dương về thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 9 tháng năm 2023. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng dự hội nghị có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ: Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố; Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng. Cùng dự có đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ 9 tháng năm 2023. Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ, 9 tháng qua, thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu kinh tế như sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ; thu hút khách du lịch; thành lập doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội… có mức tăng trưởng khá cao.
Đặc biệt, Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng số vốn thu hút 9 tháng ước 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 72% kế hoạch thu hút đề ra cho cả năm 2023. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu chưa có sự bứt phá như xuất nhập khẩu, sản lượng hàng qua Cảng…
Về giải ngân vốn đầu tư công, đến 20-9, thành phố giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng chống tội phạm của Hải Phòng được quan tâm, đạt hiệu quả cao, góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; an ninh trật tự được bảo đảm.
Thành phố Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương 5 vấn đề. Cụ thể là tháo gỡ vướng mắc thu hồi đất quốc phòng thực hiện dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; hướng dẫn cách tính giá bán nhà ở xã hội; hướng dẫn về giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển; bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện.
Đồng thời đề nghị xem xét, chấp thuận một số dự án, công trình điện có tiến độ triển khai cấp bách để đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, gồm: điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Hải Phòng để vận hành máy biến áp của Trạm 110kV Tràng Duệ cấp điện cho dự án LG Innotek; dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ; xây dựng mạch 2 đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV Cát Bà, Dự án đường dây 110kV mạch 2 khoảng vượt Lạch Huyện.
Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương cho biết, các chỉ tiêu KTXH mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cũng cơ bản bám sát kế hoạch. Trong đó, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,94%; thu hút khách du lịch tăng 41%; kim ngạch xuất khẩu tăng 14%; giải ngân vốn đầu tư công đạt 50%… Tỉnh Hải Dương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 29%; sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%…
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng; phản ánh kết quả giải quyết kiến nghị của các địa phương tại cuộc làm việc tháng 5-2023 tại Hải Dương do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì. Đồng thời nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các định hướng phát triển; các dự án và kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp tháo gỡ…
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của 3 địa phương trong 9 tháng qua; khẳng định đây là những địa phương có mức tăng trưởng GRDP khá cao (Hải Phòng ước tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt gần 10%; Quảng Ninh 9,94%; Hải Dương 7,2%). Nhờ vậy, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, 3 địa phương bước đầu có sự kết nối, hợp tác khá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kết nối giao thông. Hiện Hải Phòng đã xây dựng nhiều cây cầu kết nối với Quảng Ninh; Hải Dương. Hệ thống cầu, đường cao tốc thông suốt từ Hà Nội, qua cầu Bạch Đằng tới cửa khẩu Móng Cái. Những yếu tố đó tạo điều kiện để các địa phương liên kết, cùng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương và cả vùng.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các kết quả nổi bật và khẳng định Hải Phòng đạt nhiều thành tích nổi bật, là một trong những điểm sáng của cả nước, nhất là về tăng trưởng GRDP; thu hút vốn FDI; giải ngân vốn đầu tư công… Phó thủ tướng mong Quảng Ninh và Hải Dương tiếp tục bứt phá hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công vì còn thấp so với kế hoạch năm. Phó thủ tướng cũng lưu ý Hải Phòng và Hải Dương nhanh chóng hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch tỉnh, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu phát triển.
Phó thủ tướng nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các địa phương đều đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, do đó tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường phối hợp, nâng cao năng lực phát hiệu, điều tra, xử lý, ngăn chặn các vụ vi phạm. Đồng thời, chú trọng bảo đảm an ninh trật tự; phòng chống cháy nổ…
Phó thủ tướng nhấn mạnh, từ sau cuộc làm việc tháng 5- 2023 tại Hải Dương, các Bộ ngành Trung ương đã giải quyết được một số kiến nghị của 3 địa phương. Tuy nhiên, số lượng tồn đọng còn nhiều, cộng với các kiến nghị mới nên thời gian tới Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tập trung xem xét, giải quyết, tuy nhiên không thể một sớm một chiều. Tiếp thu kiến nghị của các địa phương, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các địa phương; từng bước xử lý những bất cập, thiếu đồng bộ của hệ thống cơ chế, chính sách. Đồng thời sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình điều phối, tăng cường phối hợp giữa các địa phương và các Bộ, ngành với các địa phương.
Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xử lý công việc; tập trung thu ngân sách; thu hút vốn FDI; giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng huy động nguồn lực ngoài ngân sách; tập trung cao, tao sự chuyển biến trong chuyển đổi số…
Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ theo dõi thường xuyên, kịp thời thúc đẩy, tham mưu thực hiện kiến nghị của các địa phương và thông báo cho các địa phương được biết. Các địa phương cũng phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết, xử lý các công việc còn nhiều khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền trên tinh thần cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh