Cây phong ba giữa đảo tiền tiêu

19:19 23/11/2021

Với Nguyễn Chính Xuân, khó có thể kể xiết bao nỗi đau mà anh đã phải chịu đựng khi chứng kiến những người thân yêu của mình lần lượt mang trong mình hậu quả tàn khốc của chất độc da cam. Song vượt lên tất cả, 21 năm qua, giữa nắng gió biển khơi, anh vẫn lặng lẽ bám trụ như cây phong ba bảo vệ hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Nỗi đau mang tên da cam

Tôi gặp Thiếu tá QNCN Nguyễn Chính Xuân, Đại đội Bảo quản, Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ - Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng, vào một chiều Đông khi anh đang cùng các chiến sĩ của đơn vị trở về sau một ngày huấn luyện căng thẳng. Nước da bánh mật, gương mặt có phần khắc khổ, người lính ấy đã có quãng thời gian 21 năm gắn bó với hòn đảo này.

Giọng nói nhỏ nhẹ, Thiếu tá Xuân, người con xứ Thanh kể, sau khi sinh được chị gái và anh trai ở quê, năm 1971, bố Xuân lên đường vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong những trận đánh ông tham gia có trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đầy cam go, ác liệt. Sau hai năm ở vùng đất lửa, năm 1973, ông quay ra Bắc đi học mà không hề biết đã mang trong mình chất độc da cam mà đế quốc Mỹ đã rải xuống.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Chính Xuân - Nhân viên thuộc Đại đội Bảo quản, Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng

Năm 1975, bố mẹ sinh Xuân khỏe mạnh bình thường. 12 năm sau, em gái Xuân chào đời. Do bị di chứng da cam nên em không nói được, sức khỏe yếu. Gia đình đã đưa em đi nhiều nơi chữa trị nhưng bệnh tình không hề biến chuyển. Đến năm 2019, em gái anh đã vĩnh viễn ra đi.

Tiếp nối truyền thống gia đình, hai anh em Xuân lần lượt nhập ngũ. Năm 1996, khi đang học Trường Trung cấp kỹ thuật Quân khí, Nguyễn Chính Xuân đem lòng yêu cô gái ở xã Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Hai người tổ chức lễ cưới năm 1999. Cũng vào cuối năm đó, Xuân có quyết định điều động ra đảo Bạch Long Vĩ nhận công tác cho đến nay. Vì tình yêu, vợ anh luôn là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác nơi đảo xa.

Năm 2000, con gái đầu lòng ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình, họ hàng. Bốn năm sau, vợ chồng Xuân lại sinh tiếp một bé gái được đặt tên là Nguyễn Thị Nguyên Hồng. Lần này, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cháu lúc sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến hai tuổi vẫn chưa biết đi.

Hai vợ chồng bế con đi khắp nơi để kiểm tra và nhận được kết luận: cháu bị thiểu năng trí tuệ, bị liệt một nửa bên trái, không nói được do nhiễm chất độc hóa học. Nghe thông báo từ bác sĩ mà vợ chồng anh như chết lặng. Với bản lĩnh của một người lính, Xuân giấu nỗi đau vào trong và an ủi, động viên vợ cố gắng vượt qua.

Cho tới năm 2012, vợ chồng anh quyết định sinh thêm 1 cháu nữa. Rất may cháu gái hiện nay đã 9 tuổi và khỏe mạnh bình thường. Xuân kể với tôi bằng ánh mắt long lanh: “Cháu gái đầu hiện nay 21 tuổi, đang là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp may tại Hà Nội. Vợ mình thì vẫn xoay xở mọi việc để chăm sóc bố mẹ, em chồng và nuôi con ở quê. Cô ấy còn làm 6 sào ruộng, lúc nông nhàn thì nhận thêm việc may câu đối, hồng kỳ để kiếm thêm thu nhập”. “Thế còn Nguyên Hồng giờ ra sao?”- Tôi hỏi.

“Thương lắm anh ạ, cháu giờ đã 17 tuổi rồi. Thỉnh thoảng em gọi điện thoại hình ảnh về nhà. Nhìn cháu tươi cười, nước dãi chảy ướt cằm, miệng nói ngọng nghịu không thành lời nhưng em hiểu được ngôn ngữ của cháu “Con nhớ bố, con yêu bố lắm!” - Xuân mỉm cười kể với tôi mà ánh mắt rưng rưng.

Vượt lên nghịch cảnh

Tưởng chừng như những nỗi đau, sự nghiệt ngã của số phận sẽ quật ngã Nguyễn Chính Xuân. Nhưng ngược lại, bằng nghị lực, niềm tin của mình, Xuân vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và đạt nhiều thành tích, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đảo Bạch Long Vĩ

 

Với chức trách là nhân viên Thống kê quân khí, anh luôn tích cực chủ động làm tốt công tác kiểm tra, nắm chắc số lượng, chất lượng, bảo quản, bảo dưỡng một lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật trên đảo, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Được đào tạo chuyên ngành sửa chữa quân khí, Xuân đã chủ động tận dụng thời gian, vận dụng vật tư tại chỗ để sửa chữa được nhiều lượt pháo, súng bộ binh.

Đặc biệt, trong quá trình công tác nhiều năm ở đảo, qua thực tiễn bắn đạn thật B41, Nguyễn Chính Xuân luôn trăn trở về chất lượng vũ khí trang bị, đạn dược do đã qua nhiều năm trong khi việc bảo quản, bảo dưỡng rất khó khăn do điều kiện khí hậu thời tiết trên đảo tương đối khắc nghiệt. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đồng đội khi sử dụng, năm 2016, sau khi báo cáo về ý tưởng và được chỉ huy nhất trí, Nguyễn Chính Xuân đã nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm “Giá giật cò và hiệu chỉnh súng B41”.

Thử nghiệm tại thực địa đã cho kết quả rất tốt, 3/3 quả đều trúng mục tiêu, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Sáng kiến đã được lựa chọn tham gia Hội thi sáng kiến mô hình học cụ cấp Quân khu, được cơ quan chức năng đánh giá cao về tính sáng tạo, kinh phí đầu tư ít mà hiệu quả thiết thực, có thể ứng dụng rộng rãi.

Năm 2017, Nguyễn Chính Xuân tiếp tục sáng chế sản phẩm “Giá bắn hiệu chỉnh súng tiểu liên AK” vừa bảo đảm tiết kiệm được thời gian, nhân lực, độ chính xác cao, an toàn. Cũng trong năm 2017, anh còn trực tiếp làm mới 5 bộ cửa kho hầm đạn chất lượng tốt. Năm 2018, Nguyễn Chính Xuân lại hoàn thành sáng kiến có tên “Thiết bị bắn gián tiếp súng B41” và năm 2020, tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Giá cổ động thao trường đa năng”.

Với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, Thiếu tá Nguyễn Chính Xuân đã được thủ trưởng các cấp ghi nhận và khen thưởng. Năm 2016, 2017, anh được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng, là đại biểu và nhận Bằng khen tại Hội nghị điển hình tiên tiến sơ kết 3 năm cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tổ chức năm 2017.

Năm 2018, anh được UBND thành phố Hải Phòng tặng giấy khen về thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Giấy khen của Quân khu 3 và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng về thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Thiếu tá Nguyễn Chính Xuân đang chuẩn bị đón cái Tết thứ 12 trên hòn đảo tiền tiêu. Giữa ầm ào tiếng sóng biển, lẫn đâu đây tiếng vọng thân thương từ quê nhà. Ở đó, ánh mắt và tiếng nói ngọng nghịu của Nguyên Hồng như nhắc anh cần phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với truyền thống gia đình và hình ảnh “anh bộ đội Cụ Hồ”.

Mạnh Thường

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông