14:49 25/09/2024 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự tự thay đổi theo hướng tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Tình trạng này có xu hướng gia tăng và trở thành một thách thức không hề nhỏ đối với sự phát triển của của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp là yêu cầu mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII, là nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng ta, “tự diễn biến” được hiểu là sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đánh dấu bước chuyển trong tư duy của Đảng về sự nhận diện một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị ở nước ta.
Trong các văn kiện của Đảng ta, “tự chuyển hóa” được sử dụng theo nghĩa là sự biến đổi về lập trường, quan điểm, tư tưởng, thái độ, hành vi, lối sống của cán bộ, đảng viên theo hướng đối lập với trạng thái ban đầu.
Từ cách tiếp cận trên có thể hiểu “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu, sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, là quá trình biến đổi về chất các quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một tổ chức và cá nhân. “Tự chuyển hóa” chính là quá trình thay đổi về chất trong quan điểm, tư tưởng, phẩm chất và hành động của chủ thể. Đây là cấp độ cao hơn của quá trình “tự diễn biến”, biểu hiện sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống khiến cho mỗi cá nhân không còn là chính mình, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù.
Theo nghĩa đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình thay đổi từ bên trong của mỗi chủ thể theo chiều hướng xấu, từ đúng sang sai, từ tốt sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ… nếu không ngăn chặn hiệu quả, khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến tha hóa, biến chất.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay được đề cập ở đây là quá trình “tự diễn biến” theo chiều hướng suy thoái. Và từ “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, có thể từng người đến đội ngũ.
Nguy hiểm hơn là từ “tự chuyển hóa” con người, đội ngũ cán bộ, đảng viên có thể dẫn đến “tự chuyển hóa” của cả một tổ chức, nhất là tổ chức đảng và hệ thống chính trị, nếu chúng ta không có những biện pháp phòng, chống hữu hiệu. “Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên hiện nay có thể được biểu hiện ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí quyết tâm hành động với các biểu hiện cụ thể.
Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân ở sự tác động của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực tư tưởng, kinh tế, chính trị, văn hóa...; từ diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường; từ những khó khăn trong đời sống mà không đủ bản lĩnh vượt qua; từ việc coi trọng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích của cơ quan, đơn vị, thành phố và đất nước; thậm chí cả từ tư duy mang tính nhiệm kỳ…
Tác hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên cũng rất lớn. Cụ thể, sẽdần dần bị suy giảm về bản chất cách mạng, dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, xa rời hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, không còn khả năng tổ chức, tập hợp quần chúng quán triệt và thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không còn giữ được vai trò là “gốc của mọi công việc”, cuối cùng sẽ dẫn đến sự biến chất, sự chuyển hóa của cán bộ.
Đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” xác định rõ mục tiêu là: “nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Quan điểm của Đảng là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật; kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”; kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân.
Trong đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và Ban Thường vụ cấp ủy các cấp; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng như sau.
1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ; lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hoá” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
6) Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật; tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan; lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII xác định rõ quan điểm: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên; tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết quả đáng ghi nhận
Nhìn lại kết quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng hơn 5 năm qua có thể thấy Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã quy định tương đối cụ thể, đầy đủ và hệ thống về 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức đảng, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhiều cán bộ, đảng viên đã chủ động, nêu cao trách nhiệm, nhìn thẳng vào yếu kém, khuyết điểm, tự giác nhận diện mức độ biểu hiện suy thoái của bản thân và kịp thời đề ra giải pháp khắc phục, sửa chữa; đồng thời, phát hiện, góp ý cho cán bộ, đảng viên khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Tỷ lệ người dân đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đạt kết quả “đáng phấn khởi”, tăng từ 39% cuối năm 2016 lên 61% tại thời điểm khảo sát 6 tháng đầu năm 2021.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, có thể khẳng định, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên. Các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn, tự phê bình và phê bình cũng được đẩy mạnh.
Cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Từ năm 2016-2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, chiếm 60%; 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, chiếm 33%; 1.722 đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 6,9% (Báo cáo số 21-BC/BCĐ, ngày 24/10/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung ương 4 khóa XIII ).
Về suy thoái tư tưởng chính trị, số đảng viên bị xử lý kỷ luật tập trung vào nhóm hành vi không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.
Về suy thoái đạo đức, lối sống, tập trung vào nhóm hành vi đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tập trung vào nhóm hành vi nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”..
Giải pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên
Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ đảng viên, nhất là đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, các cấp ủy đảng cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái ngay từ khi mới xuất hiện.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tính chủ động, tích cực tự tu dưỡng, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là giải pháp trực tiếp quyết định đến nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Ba là, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; nêu cao đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên cần nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, tầm quan trọng của đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng để từ đó đề ra các giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, có tính định hướng đúng đắn nhằm cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề kinh tế, chính trị, đối ngoại… quan trọng của đất nước; chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và quản lý cán bộ, bảo đảm lựa chọn đúng người có đức, có tài vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo các cấp; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học để cán bộ, đảng viên không có điều kiện sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức. Chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá và xâm nhập trái phép của các thế lực thù địch.
Năm là, giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”.
Sáu là, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng mạnh về mọi mặt là chính, nhất là giữ vững ổn định chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại.
Đồng thời chăm lo xây dựng nhân tố con người, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập. Đây là biện pháp tốt nhất, tích cực, chủ động nhất để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, phức tạp, lại chịu sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực, nếu mỗi cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, xa rời mục đích, lý tưởng, sa sút về phẩm chất đạo đức sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của lợi ích cá nhân, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, đi đến phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng.
Vì vậy, muốn phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tự thân cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; có tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tư duy sáng tạo, kiến thức, bản lĩnh vững vàng; phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vũ Thị Thu Nga,Trưởng Phòng Hành chính nhân sự
Chi bộ 1 - Đảng bộ Vietcombank Hải Phòng
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh