Phòng chống cháy, nổ tại các chợ và trung tâm thương mại ở Thái Bình: Đừng để nước xa… cứu lửa gần

17:29 06/09/2017

Nói về 4 đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng quan ngại và cũng là khó phòng tránh, người xưa đã sắp xếp giảm dần theo mức độ qua câu nói: "Thuỷ, hoả, đạo, tặc". Dù chỉ "đứng" thứ hai trong tứ đại họa, nhưng có lẽ hiểm họa do hỏa hoạn gây ra lại là mối nguy hiểm thường trực nhất đối với cuộc sống con người. Đặc biệt, tại những nơi tập trung đông người, nhiều hàng hóa, dễ cháy nổ như chợ, trung tâm thương mại thì hiểm họa ấy thường xuyên hiện hữu.

Một số hoạt động kiểm tra và tập huấn PCCC của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thái Bình. ( Ảnh: Quang Đảm)

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có hàng trăm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị thuộc diện quản lý về PCCC trong đó có nhiều cơ sở lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Theo kết quả kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC thì các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã mở hồ sơ quản lý PCCC, ban hành nội quy, quy định PCCC.

Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong công tác PCCC được thực hiện ngay từ khi thiết kế và xây dựng công trình, hệ thống PCCC được thiết kế lắp đặt đồng bộ.

Tuy nhiên, một số chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ lâu nên không có hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, cơ sở vật chất tại các chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, do đó tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ; các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC còn thiếu, chưa đầy đủ.

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết đều trong tình trạng quá tải nên các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, thay đổi công năng sử dụng công trình, kinh doanh các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Khối lượng hàng hóa lớn dẫn tới việc các tiểu thương sắp xếp bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, cửa, hành lang thoát nạn.

Tại nhiều chợ, các hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy khác làm cản trở giao thông phục vụ xe chữa cháy đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Vẫn còn rất phổ biến tình trạng các hộ kéo mắc dây điện lộn xộn, không luồn vào ống nhựa bảo vệ, sử dụng các thiết bị không an toàn, treo mắc quần áo che lấp các ổ điện.

 

Ngoài ra, tại các khu chợ, hệ thống cấp nước chữa cháy còn sơ sài. Khi có hỏa hoạn xảy ra thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận hút nước phục vụ chữa cháy.

Nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các chợ hầu hết đều không đạt yêu cầu. Lực lượng chữa cháy tại chỗ còn mỏng, thiếu kỹ năng.

Nước xa sao cứu lửa gần?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 129 vụ cháy chợ và trung tâm thương mại, làm chết và bị thương 12 người, thiệt hại trực tiếp về tài sản ước tính khoảng 892 tỷ đồng. Trong đó có 18 vụ cháy lớn, gây thiệt hại lên tới 772,683 tỷ đồng.

Ở Thái Bình, hơn 70% các vụ cháy có nguyên nhân do chập điện. Những con số thống kê ấy, cùng với thực tế tình hình phòng chống cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh hiện nay, có thể khẳng định: Nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn sẽ ngày càng gia tăng nếu như công tác PCCC ở cơ sở không được quan tâm, chú trọng.

Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các công ty, doanh nghiệp trực tiếp quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị phải tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, quy định về PCCC; tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC đối với các hộ kinh doanh.

Dành một phần kinh phí để phục vụ cho công tác tuyên tuyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, mua sắm bổ sung phương tiện chữa cháy và thực tập phương án chữa cháy.

Trên thực tế, không ít người vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Những bài học sau mỗi vụ cháy, nổ đã chỉ ra rằng, trách nhiệm phòng chống cháy nổ không phải của riêng ai, mà là của toàn xã hội.

Công tác PCCC không chỉ của lực lượng chuyên môn, mà là của mọi người, mọi cấp và quan trọng nhất vẫn là tự ý thức của mỗi công dân.

Vì dù có cố gắng nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì những việc làm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng không thể ngăn hỏa hoạn xảy ra mà chỉ hạn chế được phần nào thiệt hại. Bởi lẽ: Nước xa sao có thể cứu được... lửa gần!

Hồ Tuyên

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông