11:03 18/06/2020 Sau thời gian giãn cách xã hội, lại tiếp tục trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài của năm nay, trẻ em khu vực nông thôn bắt đầu rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ, ao...; hoặc phụ giúp gia đình bắt ốc, cua, cá... do không cẩn thận nên dễ xảy ra tình trạng trượt chân xuống nơi có nước sâu. Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, song từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra bởi nhiều nguyên nhân…
Dạy bơi thiếu nhi tại Bể bơi ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng
Tai nạn đuối nước trẻ em vẫn tái diễn
Các vụ tai nạn đuối nước thường xảy ra do thiếu sự giám sát của người lớn và sự chủ quan của cha mẹ đối với trẻ em. Trong những ngày thời tiết nắng oi nóng, trẻ em hay rủ nhau tắm ở biển, sông, hồ, ao... song do thiếu các kỹ năng bơi lội, lại xảy ra ở những nơi vắng nên các em rất dễ bị đuối nước. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng các em cứu lẫn nhau, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ em bị chết đuối tăng lên. Hầu hết trẻ em chỉ được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè mà thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản nên khi xuống sông, ao, biển tắm gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tử vong.
Và gần đây nhất, chiều 5-6, 3 nam học sinh tiểu học rủ nhau đi tắm sông đoạn qua thôn 3, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận Trong số này, có 2 em ngồi trên bờ, 3 em còn lại là học sinh lớp 2, lớp 3 và lớp 5 của Trường tiểu học Hàm Thạnh 2 đã xuống sông tắm. Khi 2 em ngồi trên bờ phát hiện 3 bạn chới với dưới sông đã tri hô, chạy đến kêu 1 người đàn ông gần đó để huy động nhiều người đến cứu. Tuy nhiên, khi mọi người đến thì 3 em học sinh kia đã chìm mất tích. Người dân địa phương đã tổ chức tìm kiếm và sau gần 1 giờ đã vớt được thi thể của 3 học sinh xấu số...
Ở lứa tuổi nhỏ hơn, thiếu sự giám sát của người lớn, không phòng tránh cho các em ở những khu vực nguy hiểm, tai nạn thương tích đối với trẻ em dễ dàng xảy ra. Khoảng 10h ngày 26-5, hai cháu Đ.B.N và T.T.U (đều 2 tuổi, ngụ tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) ra khu vực bờ sông Tàu hút, chảy qua địa bàn xã Cồn Thoi chơi. Khi đang chơi thì cả 2 cháu bị ngã xuống sông. Người dân phát hiện, hô hoán nhau xuống sông cứu vớt, nhưng khi vớt được thì các cháu đã tử vong. 2 cháu bé bị đuối nước có quan hệ anh em, họ hàng với nhau. Trước đó 2 ngày, ngày 24-5, cũng trên tuyến sông này, cũng có 2 chị em (10 tuổi và 8 tuổi) ở xã Nga Điền (H.Nga Sơn, Thanh Hóa) trong lúc đi mò cua, bắt ốc cũng đã bị chết đuối…
Tại Hải Phòng, ngày 27-2, trong thời gian học sinh các cấp được nghỉ học phòng chống dịch COVID-19, hai anh em cháu bé 3 tuổi và 6 tuổi được gửi đến nhà ông bà chơi. Trưa cùng ngày, ông bà phát hiện hai cháu rơi xuống bể nước. Nắp bể nước của gia đình được đậy bằng miếng tôn, không có khóa. Ngay sau khi phát hiện sự việc, hai ông bà hô hoán, được người dân cùng gia đình đưa 2 cháu đến Trạm Y tế xã Đại Bản cấp cứu nhưng 2 cháu đã không qua khỏi…
Tăng cường tuyên truyền phòng chống đuối nước
Đuối nước đang là tai nạn gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em Việt Nam. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt xảy ra nhiều vào thời gian trẻ em nghỉ hè và mùa mưa bão, mùa nước nổi. Thời gian gần đây, mặc dù mới vào đầu hè nhưng tại một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn đuối nước. Điều này trở thành nỗi đau và mối lo không chỉ của riêng gia đình mà còn là của toàn xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 1715/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ quy định về an toàn khi tham gia hoạt động xã hội trong đời sống hằng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo các em không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè…
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian các em nghỉ hè; kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt... nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.
Các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm cần hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại ngoài trời, tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước…
Ngoài ra, về phía gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối,..) để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước; trẻ cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn, xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở…
HẢI HẬU
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh