Phòng ngừa tai nạn lao động dịp cuối năm: Không được chủ quan!

08:28 19/12/2017

Trong những năm gần đây, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) đã được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) và cháy nổ làm chết, bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm vào dịp cuối năm. Ý kiến nhiều chuyên gia, để ngăn ngừa các vụ việc về TNLĐ nghiêm trọng cần xử lý nghiêm trách nhiệm của người sử dụng lao động và chính người lao động, nếu có các vi phạm...

Công tác đảm bảo an toàn lao động dịp cuối năm cần không được chủ quan, lơ là

Vẫn diễn biến phức tạp

Thống kê của Sở LĐTB&XH cho thấy: năm 2016, toàn thành phố đã xảy ra 13 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 11 người, bị thương 16 người. Trong năm 2017, con số trên có phần giảm hơn là 12 vụ, làm 12 người chết và 3 người bị thương. Mặc dù vậy theo đánh giá, những kết quả phòng chống TNLĐ và cháy nổ thời gian qua vẫn rất “khiêm tốn” so với nguy cơ tiềm ẩn và có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Điển hình như mới đây nhất là vụ TNLĐ xảy ra tại Nhà máy đóng tàu Phà Rừng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) vào ngày 12-11, khi các công nhân đang trong quá trình lai dắt một tàu khí gas từ sông bến Rừng về khu vực đà của nhà máy để sửa chữa thì bất ngờ xảy ra nổ, cháy buồng máy. Hậu quả vụ việc đã khiến 4 người bị thương, 3 người tử vong sau đó gồm: thuyền trưởng Mai Xuân Trường, máy trưởng Trương Tuấn Minh và thợ máy Nguyễn Văn Tâm, ở xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên.

Đặc biệt, dịp cuối năm là thời điểm các đơn vị doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, công trình dự án “nước rút” hoàn thành tiến độ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNLĐ. Một số cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thường có sự lơ là trong việc kiểm soát, thực hiện các biện pháp an toàn lao động có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra TNLĐ, cháy nổ. Còn nhớ vào cuối năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng, khiến 2 người thiệt mạng thương tâm.

Đó là vào ngày 24-12-2016, chủ căn nhà trên đường Vũ Chí Thắng, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân khi đang xay giò trả hàng cho khách trên tầng 4, do bất cẩn đã bị máy xay giò cuốn vào, gây dập nát nhiều bộ phận trên cơ thể, tử vong tại chỗ. Hay trước đó, tại bãi gỗ Nam Traco, thuộc KCN Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, anh Nguyễn Văn Điệp, là công nhân trong quá trình tháo dỡ dây xích, do không tuân thủ đúng quy trình bị các khối gỗ trên xe đổ đè vào người dẫn đến tử vong.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Thời gian qua, để phòng ngừa TNLĐ các ngành cấp chức năng thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra để phát hiện sai phạm, kiến nghị khắc phục sai phạm đối với người sử dụng lao động và người lao động. Riêng 6 tháng cuối năm 2017, ngành LĐTB&XH đã tiến hành thanh kiểm tra tại 96 đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, sử dụng nhiều lao động phổ thông. Qua đó, Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 69 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ với tổng số tiền 719,5 triệu đồng (tăng 217% so với 6 tháng đầu năm).

Ngoài ra, Sở phối hợp kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đối với 30 đơn vị, trong đó có 7 công trình xây dựng trọng điểm, quy mô lớn, tập trung nhiều lao động phổ thông. Tính cả năm 2017, thanh tra ngành LĐTB&XH đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 70 người lao động, 18 đơn vị và 30 chủ sử dụng lao động với tổng số tiền 1,05 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phân tích của thanh tra ngành LĐTB&XH, việc thực hiện các quy định của pháp luật ATLĐ và phòng chống cháy nổ tại không ít đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó phổ biến như: tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLĐ không đầy đủ theo quy định, đa số cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ là kiêm nhiệm, bán chuyên trách, chỉ một số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (như xăng dầu, hóa chất) bố trí cán bộ chuyên trách; không có cán bộ y tế cơ sở hoặc ký hợp đồng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lao động với cơ quan y tế địa phương; không lập kế hoạch ATVSLĐ hàng năm và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; không thường xuyên tổ chức tự kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ của các đơn vị trực thuộc.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; huấn luyện ATLĐ chưa đúng, chưa đủ theo quy định; không thực hiện đo lường các yếu tố có hại trong sản xuất theo quy định và lập phương án xử lý sự cố, TNLĐ; không thành lập đội cấp cứu và huấn luyện sơ cứu.

Người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp không được khám bệnh nghề nghiệp; không thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc có khám nhưng không đảm bảo kỳ hạn. Về phía bản thân người lao động cũng chưa tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật và không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hoặc vì mục tiêu thu nhập mà chấp nhận làm việc trong điều kiện thiếu an toàn; làm bừa, làm ẩu.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Bách Phái cho biết, để đảm bảo an toàn lao động dịp cuối năm và Tết nguyên đán, ngành tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra thực hiện an toàn lao động tại các đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, xử lý kịp thời các vi phạm; chỉ đạo và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quyền quản lý tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động trước, trong và sau dịp tết nguyên đán; cử và phân công người trực trong dịp tết để bảo đảm xử lý kịp thời khi có tai nạn, sự cố lao động xảy ra; rà soát, tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp an toàn lao động tại các công trình xây dựng tiếp giáp với các khu đông dân cư, các đường giao thông đông người đi lại, các công trình xây dựng ngầm, các mỏ khai thác hầm lò, các công trình vui chơi công cộng...

Thiết nghĩ, vai trò quản lý nhà nước không thể là “bà đỡ” tất cả, điều tiên quyết vẫn là ý thức từ chính người sử dụng lao động và người lao động phải coi công tác đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Nhất là thời điểm cuối năm và dịp tết Nguyên đán cận kề càng không được chủ quan, việc thực hiện nghiêm túc các quy định góp phần đảm bảo đón xuân vui tươi, an toàn.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông