11:29 22/08/2024 Bài 3: Cơ chế, chính sách tạo nên nguồn lực Một trong những nội dung quan trọng, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển được ghi trong NQ45 là “cơ chế, chính sách”. Thành phố Hải Phòng xác định đây chính là lợi thế, là nguồn lực để hiện thực hóa các khát vọng phát triển. Bởi vậy, 5 năm qua, thực hiện NQ45, Trung ương đã ban hành cho Hải Phòng nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế chính sách đặc thù và Hải Phòng cũng tự nghiên cứu, ban hành các chính sách theo thẩm quyền với mục tiêu cao cả nhất là đưa thành phố phát triển bứt phá theo tinh thần NQ45.
Những cơ chế, chính sách đột phá
NQ45 nêu rõ: “xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi cao, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước”. Có thể nói, đây chính là yếu tố quan trọng, là nguồn lực, động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Theo đó, ngày 13-11-2021, Quốc hội ban hành nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đây là sự cụ thể hóa các nội dung của NQ45, tiếp sức cho Hải Phòng phát triển. Từ NQ35 của Quốc hội, HĐND thành phố ban hành 12 nghị quyết; UBND thành phố Hải Phòng ban hành 4 quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn và sau 3 năm đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, theo NQ35 của Quốc hội, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã tăng đáng kể nguồn lực cho đầu tư phát triển thành phố. Cụ thể,cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đã khuyến khích thành phố Hải Phòng phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước, vừa đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương vừa để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố Hải Phòng.
Thực tế những năm qua, số thu ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách nội địa của Hải Phòng tăng mỗi năm từ 4000- 7000 tỷ đồng, bổ sung đáng kể chi cho đầu tư phát triển. Cũng từ cơ chế tài chính ngân sách đặc thù, 2 năm liền (2021-2022), Hải Phòng đã được Trung ương thưởng vượt thu thuế xuất nhập khẩu hơn 2700 tỷ đồng. Còn theo Bộ Tài chính, tính chung trong giai đoạn 2019- 2023 về thực hiện Nghị định 89 ngày 29-7-2017 của Chính phủ và NQ35 của Quốc hội về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù, Hải Phòng được thưởng vượt thu và đầu tư trở lại tới 4660 tỷ đồng. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị…, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố tại NQ45. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội về cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Cơ chế, chính sách về quản lý đất đai trong NQ35 tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai (HĐND thành phố có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ). 10 dự án với tổng diện tích là 578,072 ha được thực hiện theo cơ chế này; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước 2 vụ trên 10ha và dưới 500ha từ 6 - 9 tháng xuống còn 1 - 2 tháng, góp phần quan trọng đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Hơn nữa, còn tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội do các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha và dưới 500ha thường là các dự án có quy mô lớn, dự án trọng điểm của thành phố (các dự án xây dựng các tuyến đường, cụm công nghiệp khu tái định cư, khu đô thị…).
Cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch theo NQ35 đã phân cấp, tạo sự chủ động cho thành phố Hải Phòng rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Cụ thể, đã giúp đưa khoảng 1.400 ha đất công nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp trong phạm vi Điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải vào khai thác, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. Đồng thời, thu hút đầu tư các dự án lớn có giá trị gia tăng cao, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên...; giúp đẩy nhanh việc triển khai đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, góp phần cải tạo vùng sình lầy bãi bồi hoang hóa phía nam khu vực Nam Đình Vũ, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan cho khu vực. Từ đây, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50.000 công nhân lao động, bao gồm lao động trực tiếp trong khu công nghiệp và lao động gián tiếp trong các lĩnh vực: vận tải, dịch vụ cho thuê nhà trọ, phục vụ ăn uống…
Cơ chế chính sách về tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước bảo đảm và nâng cao đời sống của đội ngũ lao động khu vực công; góp phần thu hút lực lượng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài công tác trong khu vực công, phục vụ sự nghiệp phát triển của thành phố Hải Phòng trong giai đoạn tới.
UBND thành phố đã phê duyệt và phân bổ kinh phí thực hiện hơn 2000 tỷ đồng chi thu nhập tăng thêm cho CBCC,VC. Đây là nguồn động viên đáng kể để CBCC,VC hăng say lao động, làm việc, cống hiến, hoàn thành nhiệm vụ đồng thời thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài công tác trong khu vực công, phục vụ sự nghiệp phát triển của thành phố.
Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương cùng vào cuộc
Để thể chế hóa và tổ chức triển khai các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của NQ45, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 26-11- 2019 với 3 mục đích, yêu cầu; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 10 nhóm nội dung công việc với 42 nhiệm vụ cụ thể; phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, sản phẩm và thời gian hoàn thành.
Chương trình hành động theo NQ108 của Chính phủ thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng. Đồng thời xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, ngành và UBND thành phố Hải Phòng, các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng duyên hải Bắc Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, mở rộng hợp tác quốc tế, đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; hấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra trong NQ45.
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã hoàn thành 3/12 nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; đang triển khai 6 nhiệm vụ.
Cụ thể, đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050; Quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gần với điều chỉnh hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch, phù hợp quy hoạch tổng thể của quốc gia, quy hoạch vùng, đặc biệt là Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, đánh giá và sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng theo hướng toàn diện hơn, phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của thành phố gắn với việc thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương; hỗ trợ Hải Phòng huy động vốn cho đầu tư phát triển; xây dựng Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước; bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững… Đồng thời đang tích cực thực hiện đề án chính quyền đô thị của Hải Phòng; thành lập thành phố Thủy Nguyên ; quận An Dương…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện NQ45, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của thành phố đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải; trong đó cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm với định hướng kết nối với hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Đồng thời, xác định danh mục ưu tiên đầu tư, có trọng tâm trọng điểm.
Cụ thể, về đường bộ, nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn Hải Phòng, mở rộng QL.10 phạm vi giao cắt với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL.37, QL.17B, QL.5C theo quy mô quy hoạch.
Về đường sắt, tập trung các nguồn vốn để cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu; sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phát huy lợi thế về đường sắt kết nối với các tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế với hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Về đường thủy nội địa, tiếp tục triển khai các dự án nâng cao hiệu quả vận tải trên các tuyến vận tải thủy nội địa, tập trung kêu gọi đầu tư hệ thống cảng, bến thủy nội địa kết hợp du thuyền phục vụ du lịch.
Về hàng hải, ưu tiên đầu tư phát triển các bến tiếp theo thuộc khu bến Lạch Huyện, bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn; nghiên cứu, từng bước mở rộng đoạn luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam thành luồng hai chiều; cải tạo, nâng cấp luồng Văn Úc.
Về hàng không, nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi theo quy hoạch được duyệt; quy hoạch xây dựng sân bay chuyên dùng tại Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch và cứu hộ; nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng…
Như vậy, sau khi NQ45 được ban hành, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tích cực, chủ động vào cuộc cùng Hải Phòng để thực hiện nghị quyết. Trong đó, quan trọng nhất là đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để Hải Phòng tận dụng tiềm năng, lợi thế; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo; hành động quyết liệt để biến thành các nguồn lực thực tế cho phát triển.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, với sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương, Hải Phòng đã hoàn thành các quy hoạch chủ chốt, quan trọng nhất, là cơ sở, là nền tảng để thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc và hoạch định các phương án phát triển một cách đồng bộ, thống nhất, đưa Hải Phòng phát triển bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố hàng đầu châu Á theo tinh thần NQ45./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh