18:24 22/08/2024 Bài 5: Bừng bừng khát vọng, hướng tới tương lai 5 năm thực hiện NQ45 tuy chưa dài nhưng cũng đủ để Hải Phòng khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của NQ45 và nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống, xác định rõ vai trò động lực, đầu tàu của Hải Phòng. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu và khó khăn, thách thức, thậm chí hạn chế còn nhiều. Mặc dù vậy, với sự trợ giúp của Trung ương; sự phối hợp của các địa phương trong vùng, Hải Phòng đã hoạch định những bước đi tiếp theo một cách bài bản, bừng bừng khát vọng, hướng tới tương lai, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của NQ45.
Nhận diện những điểm nghẽn, thách thức
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc thực hiện NQ45 của Hải Phòng còn nhiều khó khăn. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 “thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại 1; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế” chưa rõ nét, mức độ đạt được còn khiêm tốn.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, có 4/7 chỉ tiêu sẽ khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và các giải pháp phù hợp (tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; GRDP bình quân đầu người; thu ngân sách). Cùng với đó, tốc độ mở rộng không gian đô thị còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa chưa tương xứng với quy mô phát triển kinh tế; thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mới; kinh tế biển; các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ công nghệ, quản lý chưa cao; còn thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Một số nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức, áp lực mà Hải Phòng phải đối mặt. Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, Hải Phòng phải nhận diện rõ hơn những thách thức từ thiên tai, thậm chí khả năng xuất hiện địa chấn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu; hiện tượng nông hóa, sa bồi các cửa sông, cửa biển… Cùng với đó, cần nhìn nhận rõ hơn những thách thức trong phát triển “nóng” về cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế biển – ven biển trong khi “đẳng cấp” thể chế, công nghệ và trình độ quản trị chưa tương xứng yêu cầu bảo vệ môi trường; năng lực công nghệ trong sản xuất của một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển còn lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu và năng lượng, chất lượng sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh cao, nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường…
Còn theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương thì phát triển logistics tại Hải Phòng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chưa phát huy hiệu quả vai trò là một trong những đầu mối logistics quan trọng, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế; chất lượng dịch vụ logistics chưa được cải thiện nhiều, vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển và đồng bộ hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics chất lượng và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực logistics còn yếu, nhất là nguồn lực chất lượng cao; chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics còn nhiều thách thức. .
TS. Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải chỉ ra: Hải Phòng chưa phát huy đầy đủ lợi thế của cả 5 loại hình vận tải. Sân bay Cát Bi chưa có khu vực logistics hàng hóa. Hàng hải và đường thủy nội địa đang thiếu cảng khách đón tàu du lịch quốc tế; hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa sau cảng biển vẫn dựa chủ yếu vào vận tải đường bộ gây áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng, tác động đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về trật tự an toàn giao thông.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, Hải Phòng còn hạn chế về sản phẩm du lịch; nhóm sản phẩm chủ đạo về biển, đảo tại Cát Bà và Đồ Sơn chưa thực sự tạo được nét đặc trưng riêng, gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với sản phẩm du lịch biển của Quảng Ninh và và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa thật đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, nước sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tại 2 khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn, ảnh hưởng đến tính bền vững trong phát triển du lịch tại hai trọng điểm du lịch này; thiếu nhân lực du lịch chuyên nghiệp cả ở cơ quan quản lý cũng như ở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, một trong những nội dung cốt lõi của NQ45 là cơ chế, thể chế. Tuy nhiên, 5 năm qua, việc thể chế hóa NQ45 còn thiếu chủ động, chậm ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ và khuyến khích một cách hiệu quả và tạo động lực cho Hải Phòng phát triển kinh tế xã hội. Một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho thành phố Hải Phòng đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương như: thành lập Khu thương mai tự do; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng,… chưa được triển khai, vẫn còn đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để tạo động lực cho thành phố Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí, thành phố cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá cho thành phố phát triển vượt bậc, bứt phá xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc và NQ45 đã đề cập rất rõ. Tuy nhiên, 5 năm qua, Hải Phòng vẫn chưa có được các cơ chế chính sách đủ mạnh, đặc thù, nhất là về thành lập Khu Thương mại tự do. Cũng có thể cho rằng, Trung ương vẫn đang “nợ” Hải Phòng cơ chế chính sách đặc thù, từ đó làm ảnh hưởng tới kết quả thực hiện NQ45 trong 5 năm đầu.
Rõ định hướng phát triển
Mục tiêu của NQ45 chỉ rõ: “xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH- HĐH; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistic; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được giữ vững”.
5 năm qua mới là chặng đường đầu, Hải Phòng còn phải kiên trì, bản lĩnh thực hiện các nội dung của nghị quyết cho tới năm 2045 và vấn đề quan trọng là phải hoạch định được những xu thế phát triển, các giải pháp đồng bộ; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương cùng quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố.
Từ kết quả 5 năm qua, nhận định, đánh giá rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức, Ban chỉ đạo đề án sơ kết 5 năm thực hiện NQ45 đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện NQ45 trong giai đoạn tới bao gồm: nâng cao nhận thức; thể chế hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện các quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH; phát triển VHXH; bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm QPAN; liên kết phát triển vùng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng thời, đề xuất kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Kết luận về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị khóa 12 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đề nghị Quốc hội, Chính phủ phê duyệt và cho triển khai ngay tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng tương tự như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; nghiên cứu, sớm ban hành Đề án thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng; phê duyệt Đề án khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Cùng với đó, đề nghị bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển Hải Phòng, nhất là về quản lý tài chính, ngân sách; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; về nâng cao thu nhập cán bộ, công chức; về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, nhất là cho các ngành như hàng hải, đại dương học, kinh tế biển…; đề nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuyển giao cho thành phố quản lý một số cơ sở nhà đất do các bộ, ngành Trung ương quản lý tại Đồ Sơn; chỉ đạo Bộ Công thương tạo điều kiện để triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại thành phố Hải Phòng…
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để Hải Phòng đạt kết quả cao hơn trong thực hiện NQ45 thì Trung ương cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; thể chế vượt trội cho Hải Phòng phát triển; trao thêm nhiều quyền cho thành phố. TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Hải Phòng cần phải thu hút bằng được các nhà đầu tư chiến lược; phát triển nhanh doanh nghiệp tư nhân; chú trọng tới các yếu tố phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi số; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; người giàu… Hải Phòng phải đặt mục tiêu phát triển, quản trị thành phố theo tinh thần: “bắt kịp, đi cùng, vượt trước, đột phá đi đầu”; phải đóng góp lớn vào sự phát triển của cả vùng và đất nước, góp phần thực hiện bằng được khát vọng Việt Nam giai đoạn 2030-2045.
5 năm thực hiện NQ45, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố thêm vững tin bởi bên cạnh nỗ lực tự thân, phát huy nội lực là chính, Hải Phòng có sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực của Trung ương; sự đồng hành của các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
Hải Phòng cũng rất sáng tạo, chủ động, tích cực tăng thêm những dư địa, cơ hội phát triển mới để đẩy nhanh quá trình thực hiện thành công nghị quyết 45 trong giai đoạn tới. Đó là việc đề xuất với Trung ương cho phép Hải Phòng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam với diện tích hơn 20.000 ha, trong đó đề xuất nghiên cứu xây dựng Khu Thương mại tự do cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng nam Đồ Sơn; sân bay quốc tế Tiên Lãng; các KCN mới; trung tâm logistics mới và tạo nên những giá trị mới trong phát triển đô thị, nông thôn Hải Phòng. Với những động thái và định hướng phát triển rõ ràng đó, chắc chắn Hải Phòng sẽ đạt nhiều thành tựu to lớn, nổi bật hơn trong giai đoạn tiếp theo thực hiện NQ45, tiệm cận với các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh