Quận Đồ Sơn: Trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác đền ơn, đáp nghĩa

08:45 01/08/2018

Mới đây, 12 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn quận Đồ Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định truy Bằng Tổ quốc ghi công. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong công tác đền ơn, đáp nghĩa. Phóng viên báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn về vấn đề này.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn trao Bằng tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cho thân nhân gia đình 12 liệt sỹ nhân dịp 27-7

PV: Thưa bà, từ năm 2008, UBND quận Đồ Sơn đã tiếp hành lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận 12 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vậy xin bà cho biết những khó khăn trong suốt quá trình triển khai?

Bà Bùi Thị Minh: Năm 2008, UBND quận Đồ Sơn đã hướng dẫn 12 gia đình có người thân tham gia cách mạng bị bắt và bắn chết tại Bến Đáy (nay là thôn Phúc Xá, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) được ghi tên trong lịch sử Đảng bộ để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử thời kỳ năm 1948, Pháp chiếm đóng Đồ Sơn,  cán bộ, chiến sỹ của ta phải hoạt động bí mật, đơn tuyến, ngay cả đồng đội cũng không biết nhau, cũng như nhiệm vụ được giao.

Thời điểm các liệt sỹ hi sinh cũng đã trên 60 năm, đồng đội cùng hoạt động thời kỳ đó nay đã mất hoặc do tuổi cao, sức khỏe yếu, trí nhớ suy giảm nên có những nội dung xác nhận nêu chung chung, thậm chí mâu thuẫn với nội dung giấy báo tử. Việc xác minh vì thế phải đi nhiều lần, ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, các giấy tờ liên quan đến người hy sinh không còn lưu giữ được hồ sơ gốc để làm căn cứ giải quyết. Một số thân nhân liệt sỹ không thường trú tại địa phương, hoặc liệt sỹ không còn thân nhân.

Ngoài ra, do thời gian quá lâu, đã có nhiều thay đổi về đơn vị hành chính gây rất nhiều khó khăn cho công tác tra cứu, xác minh, đối chiếu hoàn thiện hồ sơ. Bởi vậy, các hồ sơ phải trả về nhiều lần để bổ sung thông tin, tài liệu.

PV: Với quyết tâm cao vượt qua thực tế khó khăn đó, UBND quận đã có những giải pháp nào để khắc phục, thưa bà?

Bà Bùi Thị Minh: Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và cùng gia đình thân nhân các liệt sỹ kiên trì, khắc phục khó khăn, bằng nhiều biện pháp thu thập chứng cứ bổ sung vào hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ.

Cụ thể, chúng tôi đã dành hết nỗ lực tra cứu, xác minh hồ sơ và liên hệ, hướng dẫn gia đình liệt sỹ hoàn thiện hồ sơ; tổ chức Hội thảo giải quyết hồ sơ công nhận liệt sỹ tồn đọng trên địa bàn quận Đồ Sơn.

Trên cơ sở thẩm định tính khách quan lịch sử Đảng bộ quận Đồ Sơn của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, ngày 14-6-2017, UBND quận ban hành Công văn số 868/UBND-LĐTBXH “V/v đề nghị xác nhận liệt sỹ đối với 12 hồ sơ còn tồn đọng trên địa bàn Quận” gửi Sở Lao động-TBXH thành phố Hải Phòng thẩm định xem xét đề nghị công nhận liệt sỹ.

Ngày 20-6-2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi thẩm định hồ sơ ban hành Công văn số 1578/SLĐTBXH-NCC về việc “Đề nghị UBND thành phố ký Công văn đề nghị xác nhận liệt sỹ”. Ngày 22-6-2017, UBND thành phố ban hành Công văn số 3582/UBND-VXNC gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 12 liệt sỹ nói trên.

Với trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, sau 10 năm lập và gửi hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, ngày 18-7-2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 871/QĐ-TTg công nhận Bằng tổ quốc ghi công cho 12 liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Hải Ngân thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông