15:55 13/06/2024 Ngày 1-6-2024, 5 tổ chức thuộc diện phải di chuyển thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận đã đồng thuận bàn giao mặt bằng. Như vậy, quận Ngô Quyền không phải tổ chức cưỡng chế đối với 5 trường hợp này. Cùng với đó, đã có nhiều hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đây là thành công rất lớn của quận Ngô Quyền, là kết quả của cả quá trình thực hiện linh hoạt các chế độ, chính sách và kiên trì vận động, thuyết phục của cả hệ thống chính trị quận. Đồng chí Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền cho biết: dự án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong năm nay và quận Ngô Quyền quyết tâm cao để hoàn thành.
Dồn sức GPMB cho dự án
Để 5 tổ chức đồng thuận bàn giao mặt bằng, UBND quận Ngô Quyền kết hợp nhiều giải pháp, vừa áp dụng tối đa chế độ, chính sách, vừa vận động, thuyết phục. Các đồng chí: Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền; Lê Chưởng, Phó chủ tịch Thường trực UBND quận và lãnh đạo các phòng, ban, phường Máy Tơ trực tiếp tới từng doanh nghiệp, đơn vị, thông báo, vận động các tổ chức di chuyển bàn giao mặt bằng xây dựng cầu Nguyễn Trãi.
Theo Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Cáp Trọng Tuấn, trong GPMB dự án cầu Nguyễn Trãi, diện tích của các tổ chức, doanh nghiệp chiếm hơn 80% diện tích thu hồi thực hiện dự án. Vì vậy, quận tập trung cao để vận động các tổ chức sớm bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, một số tổ chức không chấp hành, buộc quận phải báo cáo thành phố thực hiện cưỡng chế song song với việc tiếp tục thuyết phục, vận động. Đáng mừng là gần sát ngày tổ chức cưỡng chế thì 5 tổ chức gồm Chi nhánh Công ty CP Thực phẩm miền Bắc tại Hải Phòng, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Cảng Hải Phòng; Công ty CP thương mại dịch vụ tổng hợp Cảng Hải Phòng; Công ty Cổ phần Việt Tin – thuê nhà của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh Nhà Hải Phòng; Công ty Nạo vét và xây dựng đường biển 2 đã thống nhất, chấp hành bàn giao mặt bằng, không phải tổ chức cưỡng chế.
Như vậy, đến nay, đối với 21 tổ chức phải di chuyển thuộc địa bàn phường Máy Tơ, đã có 15 tổ chức đồng thuận. Còn lại 6 tổ chức có Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (di chuyển toàn bộ khu Cảng Hoàng Diệu) đã ký biên bản bàn giao mặt bằng toàn bộ diện tích đất thu hồi. Trong đó, các cầu cảng 1, 2, 3 tháo dỡ di chuyển trong tháng 9-2024; khu cổng 5 phá dỡ trong tháng 7-2024; diện tích còn lại di chuyển, bàn giao trong năm 2025. Song song với việc tổ chức di chuyển các cầu cảng, kho, bãi, quận Ngô Quyền phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Cảng Hải Phòng báo cáo thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận cao thực hiện dự án.
2 tổ chức gồm BCH Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng (đã phê duyệt phương án) và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (chưa phê duyệt phương án) đang thực hiện thủ tục thanh lý, chuyển giao tài sản công và chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề nghị bàn giao mặt bằng khi cảng Vật Cách hoàn thành cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng. Công ty Cổ phần Cường Thịnh đã hết thời hạn thuê đất 20 năm, quận đang thực hiện thủ tục thu hồi.
Cũng trên địa bàn phường Máy Tơ, trong số 164 hộ dân (bao gồm 131 hộ đất ở + 33 hộ dân sử dụng nhà tập thể số 6 Nguyễn Trãi và số 8 Máy Tơ) với diện tích là 43,481ha phải di dời, đã GPMB được 102 hộ. Còn lại 64 hộ (2 hộ phát sinh sau rà soát) có 22 hộ đất ở quận đang thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất (hiện có một số hộ chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng). Đối với 7 hộ thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước (đã phê duyệt phương án) và 35 hộ dân sử dụng nhà tập thể số 6 Nguyễn Trãi và số 8 Máy Tơ và khuôn viên, quận đã lập phương án và báo cáo thành phố thực hiện.
Về bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất UBND thành phố bố trí cho các hộ được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại các khu chung cư: 9 tầng Đông Khê, Đ2 Đồng Quốc Bình, N1–N2 Lê Lợi (đối với 31 hộ có quyết định thanh lý); 5 tầng Khúc Thừa Dụ (đối với 2 hộ sử dụng đất khuôn viên tại chung cư số 6 Nguyễn Trãi) và đang chờ thành phố quyết định.
Đối 16 hộ và 12 tổ chức thuộc phường Máy Chai, UBND quận Ngô Quyền ban hành thông báo thu hồi đất; đã đo đạc kiểm đếm đối với 16/16 hộ và 12/12 tổ chức; công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 3/12 tổ chức đã có báo cáo nguồn gốc và thẩm định nguồn gốc sử dụng đất.
Như vậy, trong số 33 tổ chức và 180 hộ dân phải di chuyển với diện tích 54,43ha phục vụ dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận, đã có phần lớn tổ chức và hộ dân đồng thuận. Số còn lại, quận đang tiếp tục rà soát, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; đề xuất phương án với thành phố để sớm hoàn thành.
Trước đó, cuối năm 2023, quận Ngô Quyền khởi công dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư và chỉnh trang đô thị tại khu vực ngõ 226 Lê Lai, phường Máy Chai. Dự án sẽ cung cấp khoảng 241 lô đất để phục vụ nhu cầu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cầu Nguyễn Trãi và tái định cư tại chỗ; tạo quỹ đất dự phòng để phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư cho các dự án khác trên địa bàn quận Ngô Quyền. Đây cũng là yếu tố quan trọng để quận thúc đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.
Với đà này, quận Ngô Quyền hoàn toàn có thể bàn giao phần mặt bằng phục vụ khởi công dự án cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận trước tháng 9-2024 theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Góp phần quan trọng hiện đại hóa đô thị Hải Phòng
Theo lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền, bắc qua sông Cấm, Hải Phòng đã có những cây cầu mang dấu ấn lịch sử khác nhau và đều khắc ghi từng giai đoạn phát triển của thành phố như cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ… Trong giai đoạn phát triển mới, Hải Phòng cần có nhiều hơn những cây cầu bắc qua sông Cấm và cầu Nguyễn Trãi là niềm mơ ước, là sự trăn trở từ lâu của các thế hệ lãnh đạo thành phố nay đã chính thức được triển khai, mang lại niềm vui và sự phấn khởi, tự hào cho người dân thành phố nói chung và quận Ngô Quyền nói riêng. Dự án có tổng mức đầu tư 6.331 tỷ đồng, trong có có 4.639 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, còn lại 1692 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương; kinh phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 1.915 tỷ đồng.
Đây cũng là thời điểm thuận lợi nhất để thực hiện dự án vì khu đô thị mới; Khu trung tâm chính trị - hành chính; Khu trung tâm hội nghị - biểu diễn bắc sông Cấm đang được xúc tiến vô cùng khẩn trương, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Thành phố mới Thủy Nguyên cũng đang được kỳ vọng sẽ hình thành trong năm 2025. Bởi vậy, cầu Nguyễn Trãi là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của Hải Phòng.
Theo mục tiêu đề ra, cầu Nguyễn Trãi sẽ gánh trên mình sứ mệnh là trục kết nối khu đô thị hiện hữu vói khu đô thị mới bắc sông Cấm và các khu công nghiệp như: VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ...; rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 10; quốc lộ 18…, mở ra những dư địa phát triển mới vô cùng rộng mở cho huyện Thủy Nguyên, quận Ngô Quyền và thành phố Hải Phòng.
Đây sẽ là cây cầu kết cấu vĩnh cửu vượt sông Cấm với chiều dài 1,45km; bề rộng cầu chính khoảng 26,5m; cầu dẫn 23,5m; gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp; xây dựng cầu nhánh xuống đường Lê Thánh Tông… Cùng với đó, thành phố sẽ mở rộng đường Nguyễn Trãi từ 18m hiện tại lên 41,5m. Trong đó, mặt cắt của đường dẫn cầu Nguyễn Trãi rộng 23,5m; lòng đường gom hai bên cầu đoạn có tường chắn và dưới gầm cầu rộng 7,5m, vỉa hè hai bên đường 1m, dải cây leo trang trí dọc tường chắn hai bên 0,5m; lòng đường gom 2 bên cầu đoạn không có tường chắn rộng 6m, vỉa hè hai bên rộng 3m, kết nối với đoạn tuyến hiện tại có bề rộng khoảng 50,5m.
Không những thế, thành phố còn xây dựng đường ven sông nối từ cầu Hoàng Văn Thụ tới nút giao giữa đường Ngô Quyền và Lê Lai với chiều dài khoảng 2,3km, bề rộng nền đường 28m và 40m; xây dựng tuyến đường kết nối giữa tuyến đường ven sông trong dự án với đường Hoàng Diệu. Việc di dời cảng Hoàng Diệu bao gồm cả khu cảng trong phạm vi từ đường Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông tới bờ sông Cấm và cả khu ga đường sắt trước Cảng là nhằm thực hiện mục tiêu này.
Với quy mô và cách làm như vây, cầu Nguyễn Trãi có quy mô lớn hơn, bề thế hơn, cùng với các tuyến đường trong phạm vi dự án tạo nên tính kết nối liên hoàn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả khu vực đô thị cũ và đô thị mới của Hải Phòng, xứng tầm sự phát triển đột phá của thành phố trong thời gian tới.
Việc GPMB dự án cầu Nguyễn Trãi đang được quận Ngô Quyền thực hiện đi đúng đường găng tiến độ, tạo điều kiện để sớm khởi công dự án và nhất định sẽ tạo nên một dấu ấn mới, một biểu tượng phát triển mới; sẽ tạo nên nhiều điều kỳ diệu cho quận Ngô Quyền và thành phố Hải Phòng trên con đường thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trở thành thành phố hiện đại, ngang tầm các đô thị lớn của Đông Nam Á trong tương lai gần./.
Hồng Thanh
20:15 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh